Độc đáo Lễ hội Khai hạ và Tri thức lịch Đoi của người Mường

03/09/2022 16:16
Lễ hội Khai hạ của người Mường Hoà Bình là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hoá, lịch sử.

Lễ hội Khai hạ của người Mường Hoà Bình là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hoá, lịch sử.

Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi người Mường vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ VHTT&DL quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức dân gian Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của người Mường" tỉnh Hòa Bình và Lễ hội truyền thống "Lễ hội Khai hạ của người Mường" huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội Khai hạ của người Mường

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất và đã có từ rất lâu đời của người Mường tại các huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa- tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần và những người có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Hàng năm, việc chuẩn bị cho lễ hội Khai hạ ở bốn vùng Mường có sự phân công khá chi tiết. Phần lễ, các vùng Mường đều có nghi lễ rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước. Ngày nay, phần rước kiệu chỉ còn ở Mường Bi và Mường Thàng, cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại Mường Bi và Mường Vang.

Lịch Đoi của người Mường

Lịch của người Mường là bộ lịch cổ tri thức dân gian gọi là lịch Đoi (lịch Tre), người Mường đã quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm và chế định ra 12 thẻ tre: mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió,… thực hiện các nghi lễ thiêng và những việc như đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ và Tri thức lịch Đoi của người Mường  - Ảnh 2.

Lịch Đoi của người Mường được xem như một công trình khoa học, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt xưa - Ảnh: Thư viện tỉnh Hòa Bình

Theo quan niệm của người Mường, một tháng của người Mường xưa được tính theo 3 tuần trăng, mỗi tuần là mười vạch khắc trên một thanh tre thể hiện mười ngày trong tháng. Như vậy là một tháng có 30 vạch khắc dọc 2 sống của thanh tre đó.

Thượng tuần - mười ngày đầu, gọi là ngày kây, những ngày này hay được người Mường tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới, được vạch khắc cùng chiều với 10 ngày cuối tháng - hạ tuần.

Hạ tuần là những ngày hết trăng, người Mường thường không làm một công việc gì hết trong những ngày này, nếu làm sẽ bị thua lỗ hoặc công việc sẽ không được suôn sẻ.

Trung tuần - mười ngày giữa tháng được vạch khắc ngược sống tre, khác chiều với ngày kây và ngày hết trăng, được người Mường gọi là ngày lồng - ngày có trăng nếu sinh vào ngày này trẻ con sẽ sáng dạ, thông minh.

Theo cách tính của người Mường xưa, sao Đoi chuyển dịch nhanh hơn mặt trăng. Vị trí giữa sao Đoi và mặt trăng tùy theo các tháng trong một năm. Khi sao Đoi vượt qua mặt trăng, người Mường gọi đó là ngày "Đoi vào" hay "ngậm Đoi".

Tri thức lịch Đoi được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu. Hiện nay, chỉ các ông mo và số ít người cao tuổi trong các vùng xem được lịch Đoi. Một trong những bộ lịch Đoi nổi tiếng được bảo tồn thuộc về gia đình nghệ nhân Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú (Tân Lạc). Bộ lịch đã trải qua 7 đời, gồm 12 thẻ tre.

Lịch Đoi được xem như một công trình khoa học, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt xưa. Lịch Đoi chậm hơn âm lịch 15 ngày, vì thế người Mường Bi ăn Tết hai lần. Lần 1 là Tết Nguyên đán theo âm lịch, lần 2 là Tết theo lịch Đoi - tức là sau Tết Nguyên đán 15 ngày, gọi là ăn Tết lại.

Được biết, hiện nay, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày 2 bộ lịch Đoi gồm 1 phiên bản lớn làm bằng chất liệu gỗ để người xem dễ nhận biết và 1 bộ lịch tre nhỏ. Hai bộ lịch này từng được đưa đi trưng bày ở Hà Nội và một số địa phương khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn