Đôi vợ chồng hơn nửa thế kỷ giữ nghề làm phỗng đất

Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp.

Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp.

Men theo sông Đuống về vùng đất Kinh Bắc, tôi được gặp nghệ nhân Phùng Đình Giáp ở làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh). Trước đây, Đông Khê có nghề làm phỗng đất nhưng đến ngày nay chỉ còn vợ chồng ông Giáp giữ nghề để lưu dấu những giá trị hoài cổ.

"Đặc sản" phỗng đất

Kinh Bắc là một vùng văn hóa truyền thống lâu đời, có nhiều nghề truyền thống. Giống như nghề nặn tò he ở Phú Xuyên (Hà Nội), phỗng đất cũng độc đáo và chỉ Đông Khê mới có. Trong ký ức của ông Giáp, phỗng đất có từ thời ông nội. Ngày ấy làng có nhiều gia đình làm nghề nặn phỗng đất, những bộ phỗng nhỏ sặc sỡ sắc màu trên chiếc mẹt tre cũ mang ra chợ bán vào mỗi dịp Tết Trung thu.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã được ông nội dạy cách nặn phỗng. Những con phỗng ngộ nghĩnh khiến tôi mê mẩn. Rồi tôi đi bộ đội, xuất ngũ về quê hương, tôi cũng chưa bao giờ quên phỗng. Rồi khi nghề mai một, tôi vẫn muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông để lại".

Đôi vợ chồng hơn nửa thế kỷ giữ nghề làm phỗng đất  - Ảnh 1.

Vẻ thân thương của phỗng đất.

Một bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 nhân vật: Nhân vật phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực. Con chim bay trên trời thể hiện khát vọng hòa bình. Con rùa gắn với biển cả bao la và sự trường tồn. Trong tâm trí người Việt đây còn là biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hóa. Nhân vật người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống.

Trẻ em ngày xưa thường đòi mẹ mua bằng được bộ phỗng khi đến gần Trung thu và Tết Nguyên đán. Hơn chục năm qua, phỗng đất trở nên lạc lõng giữa những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền. Trẻ em thích nhiều đồ chơi nhựa, súng đạn, điện thoại thông minh hơn là các đồ chơi truyền thống. Người dân Đông Khê chuyển hẳn sang làm hàng mã. Còn vợ chồng ông Giáp không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất. 

"Cứ nhìn vào triết lý của các tượng phỗng, sẽ thấy ông cha xưa gửi gắm những lời hay ý đẹp, tư tưởng và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, để dạy dỗ, nhắc nhở con cháu về lối sống, đạo làm người".

Ông Phùng Đình Giáp

Để làm được bộ phỗng, bắt buộc phải sử dụng đất thó. Bà Nguyễn Thị Điều, vợ ông Giáp giải thích: "Đất thó phải được đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3m. Đất đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có màu xám nhạt".

Trước kia, cả dân làng thường đào giếng khơi, vợ chồng ông tranh thủ lấy đất thó ở dưới lòng đất, phơi khô rồi mang cất đi, dự trữ cho cả năm sau. Những năm gần đây, ít nhà đào giếng, vợ chồng ông Giáp phải tranh thủ đào đất thó từ đồng ruộng hoặc ao, hồ sen vào mùa cạn nước.

Sau khi tạo được hỗn hợp đất là đến công đoạn nặn. Việc nặn không đòi hỏi hoa văn, phức tạp, cầu kỳ nhưng phải giữ được nét dân dã. Phỗng được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó phủ lên lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn. Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Với phỗng mộc, không vẽ màu, càng phơi giá sương lại càng lên nước đẹp mặn mà, mướt bóng. Còn với bộ phỗng Trung thu, sau khi được phơi khô, phỗng đất sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ nếp pha với nước theo tỉ lệ thích hợp. Sau đó lại mang phơi cho khô rồi vẽ màu lên cho hoàn chỉnh.

Năm 2017 ông Giáp gặp một nhóm họa sĩ, họ đã đến nhà tham quan và gợi ý cho ông Giáp những mẫu mã mới trên tinh thần vừa mang tính nghệ thuật, vừa giữ được nét dân gian. Vậy là một loạt sản phẩm thủ công độc đáo ra đời như lợn đàn, chó giữ nhà, lợn âm dương, quần thể chuột đựng nghiên bút, gạt tàn chuột… để đáp ứng thị hiếu của mọi người. Nhờ vậy mà sản phẩm của ông bán được quanh năm, không phải chỉ vào mỗi dịp Trung thu. Ông Giáp cho biết, chục năm qua ông đã rút kinh nghiệm, phải liên tục sáng tác mẫu mới. Với mỗi mẫu thì ông chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác. Nhờ việc liên tục ra thêm mẫu mới như vậy, những sản phẩm từ đất thó của ông mang tính độc bản cao, đồng thời mang đậm sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

"Đại sứ" của quá khứ

Mấy năm trở lại đây, không ít bạn trẻ ở đô thị đã thuộc đoạn thơ: "Chỉ từ đất sét làm nên/Nào là phỗng đất lại thêm chim, rùa/Thời gian dầu dãi nắng mưa/Giữ gìn nghề tổ sớm trưa miệt mài". Có được điều ấy là nhờ sự nhiệt tình của ông Giáp và bà Điều- vợ ông- đã tích cực giữ nghề. Nhờ tâm huyết, ông bà cũng được mời đến những hội chợ truyền thống để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nặn phỗng trước công chúng.

Đôi vợ chồng hơn nửa thế kỷ giữ nghề làm phỗng đất  - Ảnh 3.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp dạy cách nặn phỗng đất cho các bạn trẻ và trẻ em.

Vợ chồng ông đã mang phỗng đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian bích họa phố Phùng Hưng, Bảo tàng Dân tộc học và nhiều khu đô thị hiện đại. Nhiều đoàn khách đã tìm về gia đình ông để trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa Bắc Bộ, có thể tham gia vào một công đoạn làm phỗng. Trong đó có cả du khách nước ngoài và các em học sinh từ các tỉnh, thành phố.

Em Phùng Đình Đạt, cháu nội ông Giáp hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tâm sự: "Ông nội em giống như đại sứ kết nối quá khứ với hiện tại. Từ nhỏ em đã thấy ông cần mẫn với công việc này và nhiều dịp em được theo ông đi giới thiệu phỗng đất với công chúng, với các bạn nhỏ cũng như du khách quốc tế".

Kính trọng ông bà và yêu phỗng đất, Đạt cũng muốn đóng góp một phần vào việc giữ nghề của cha ông. Năm 2018, em đã lập một trang fanpage mang tên "Phỗng đất làng Hồ". Qua không gian mạng, Đạt trực tiếp tìm tòi, cập nhật kể lại câu chuyện về phỗng đất làng Hồ từ truyền thống đến hiện đại; hình ảnh và video về cách làm phỗng đất truyền thống cũng như khát khao giữ nghề của gia đình.

Hiện trang "Phỗng đất làng Hồ" có gần một nghìn người theo dõi. Để thuận tiện cho người dùng truy cập trang, Đạt còn tạo mã QRCode trên tấm danh thiếp của ông nội mình, giúp cho người xem có thể truy cập đến trang fanpage "Phỗng đất làng Hồ" một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi tư duy của người trẻ. Nhưng cũng rất nhiều cuộc hội thảo, giới thiệu về văn hóa truyền thống thu hút giới trẻ, trong đó có phỗng đất. Thậm chí nghệ nhân Phùng Đình Giáp đã có những buổi nói chuyện về phỗng ở những tòa chung cư cao cấp, thu hút nhiều thanh niên và trẻ em. Quả thực, với những giá trị văn hóa truyền thống, được nuôi bền bởi những người tâm huyết, chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền trong dòng chảy cuộc đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.