Đồng bào Khmer không tập trung đông người khi mừng Lễ Sene Dolta

05/10/2021 10:28
Lễ tiễn ông bà trong Lễ Sene Dolta. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19.

Lễ tiễn ông bà trong Lễ Sene Dolta. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19.

Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, đồng bào Khmer tại Nam bộ tạm dừng các lễ nghi tập trung đông người khi mừng Lễ Sene Dolta, từng phật tử, người dân đến chùa làm lễ ngắn gọn rồi về nhà cúng ông bà.

Sene Dolta là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn-ta). Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân". Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng.

Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ năm 2021 diễn ra trong 3 ngày 5-7/10. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu Hội đoàn kết sư sãi yêu nước 8 huyện, thành phố, các vị sư cả, Ban quản trị, sư tăng và phật tử 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh tinh gọn các nghi lễ, hạn chế một số hoạt động không cần thiết để phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Cụ thể, các chùa không dùng loa phát thanh khi làm lễ Tam bảo; từng phật tử đến chùa, làm lễ ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, lễ nghi rồi ra về; các chùa không tổ chức đặt bát hội, không tập trung quá 20 người và phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Đồng bào Khmer cũng tạm dừng các lễ nghi tập trung đông người trong gia đình, chỉ dọn một mâm cơm cúng ông, bà là trọn vẹn ý nghĩa lễ Sene Dolta.

Đồng bào Khmer không tập trung đông người khi mừng Lễ Sene Dolta - Ảnh 1.

Đồng bào Khmer gói bánh tét để cúng ông bà, dâng sư sãi và chiêu đãi, làm quà biếu khách đến chơi nhà dịp Lễ Sene Dolta khi chưa có dịch Covid-19

Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người, trong đó gần 32% là đồng bào Khmer. Lễ Sene Dolta là một trong 3 lễ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ (Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta và lễ hội Ok Om Bok), diễn ra vào những ngày cuối tháng 8 hàng năm theo Phật lịch.

Cũng như Trà Vinh, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tăng cường công tác tuyên truyền đến trụ trì và Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh nhân dịp lễ Sene Dolta cổ truyền của đồng bào Khmer. Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với việc tổ chức các hoạt động mừng lễ Sene Dolta theo phong tục, tập quán tại gia đình, Hội đề nghị trụ trì và Ban quản trị các chùa kêu gọi đồng bào phật tử Khmer tổ chức lễ rước ông bà, nghi lễ đưa tiễn ông bà với quy mô nhỏ, chủ yếu tổ chức trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng, liên hoan linh đình; hạn chế tham gia các nghi lễ tại các chùa.

Còn với việc tổ chức các hoạt động mừng lễ Sene Dolta tại các điểm chùa thì Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã có công văn đề nghị trụ trì và Ban quản trị các chùa không cho phép người dân tụ tập tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí... Việc tổ chức dâng cơm cho các vị sư tại các điểm chùa, trụ trì, Ban quản trị chùa giao cho Mê Vên (tổ trưởng) thực hiện, hạn chế bà con phật tử đến dâng cơm. 

Dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chúc mừng Lễ Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer năm 2021.

Nhân dịp Lễ Sene Dolta, các địa phương ở Nam bộ có đồng bào Khmer sinh sống đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà và động viên người dân. Tại Kiên Giang, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động thăm hỏi sức khỏe các vị chức sắc, sư sãi và người dân. Hòa thượng Danh Đổng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, Trụ trì chùa Cà Nhung cho biết, đồng bào Khmer trong tỉnh luôn chấp hành tốt các chỉ thị phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ thông điệp 5K, cùng chính quyền địa phương và người dân đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng bào Khmer không tập trung đông người khi mừng Lễ Sene Dolta - Ảnh 2.

Đại diện Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu trao tặng quà các vị chức sắc, chư tăng tại một số chùa của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu

Còn tại Bạc Liêu, Đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã đến thăm và chúc mừng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, các vị chức sắc, chư tăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm đến, Đại tá Trương Công Dũng thăm hỏi và gửi lời chúc đến các vị chức sắc, chư tăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer hưởng một mùa lễ cổ truyền vui tươi và hạnh phúc.

Đại tá Trương Công Dũng đánh giá những đóng góp của các vị chức sắc, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động chư tăng, phật tử và đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Bạc Liêu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm; tích cực tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các vị chức sắc, người có uy tín đóng vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền cho đồng bào, phật tử Khmer hiểu rõ tình hình dịch bệnh, từ đó chung tay cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.