Dùng vật liệu tái chế bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Sán Dìu

Nhóm tác giả trường THPT Kim Ngọc thực hành một nét văn hóa của người dân tộc Sán Dìu

Nhóm tác giả trường THPT Kim Ngọc thực hành một nét văn hóa của người dân tộc Sán Dìu

Tình yêu và niềm tự hào về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc đã trở thành động lực để nhóm học sinh cấp 3 trường THPT Kim Ngọc (tỉnh Vĩnh Phúc) sáng tạo mô hình từ vật liệu tái chế, nhằm giới thiệu những thông tin về đời sống, phong tục tập quán của người Sán Dìu đến với cộng đồng.

Là người Sán Dìu thuộc huyện Tam Đảo, Lâm Đức Anh thường xuyên được tiếp xúc với văn hóa truyền thống. Niềm say mê tìm hiểu bản sắc dân tộc mình càng được nhân lên khi cậu trò nhỏ được tham gia đội tuyển môn Lịch sử. Lâm Đức Anh đã tìm được nhóm bạn có chung tình yêu và mong muốn được góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, đó là các em Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Quỳnh Chi. Tất cả đều là học sinh trường THPT Kim Ngọc (tỉnh Vĩnh Phúc).

"Từ kiến thức của thầy cô trên lớp kèm theo thông tin tìm hiểu trong sách, qua mạng, em và các bạn trong nhóm nung nấu ý tưởng, mong muốn thực hiện Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu nhằm góp phần quảng bá nét đẹp của dân tộc Sán Dìu. Chúng em cũng hy vọng dự án sẽ được lồng ghép vào những tiết học lịch sử, giáo dục địa phương hoặc các hoạt động ngoại khóa để không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mà còn góp phần truyền cảm hứng, tạo sự hứng khởi cho các em học sinh. Từ đó bản sắc dân tộc Sán Dìu sẽ trở nên gũi hơn, thấm sâu hơn vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc"- Đức Anh chia sẻ.

Dùng vật liệu tái chế bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu - Ảnh 1.

Nhóm tác giả và "Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu"

Biến ý tưởng thành hiện thực

Để phục dựng được mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu, ngoài việc thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách, báo, mạng internet, Đức Anh và các bạn trong nhóm đã trực tiếp đi gặp, xin ý kiến các nghệ nhân, cùng với đó là sự hỗ trợ chuyên môn từ Ban tư vấn gồm các giáo viên dạy môn Lịch sử, Ngữ văn để tìm hiểu, nghiên cứu về phong tục, tập quán của người Sán Dìu vùng núi cao Tam Đảo. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu, các em đã lên ý tưởng phục dựng mô hình với một số nét văn hóa cơ bản như: Trang phục, nhà ở, phong tục thờ cúng, cưới xin, đón Tết nguyên đán, thờ mẫu Tây Thiên…

Chọn nguyên liệu để hiện thực hóa ý tưởng cũng là một trong những băn khoăn của nhóm dự án. Sau nhiều lần bàn bạc, thử nghiệm, các em đã chọn những sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường để làm mô hình. Đó là tấm gỗ ép từ mặt bàn đã hỏng, những đôi đũa đã qua 1 lần sử dụng, rơm, bìa carton, đất sét, màu vẽ, giấy thủ công, vải quần áo cũ, chỉ màu, đèn led, mùn cưa, keo dán… Từ những vật liệu tưởng như bỏ đi ấy, nhóm học sinh đã nghiên cứu, phục dựng mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là mô hình minh họa một cách sinh động nhất về đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Dùng vật liệu tái chế bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu - Ảnh 2.

Mô hình làm từ vật liệu tái chế

Nhóm cũng thực hiện quay phóng sự, dựng video và lên ý tưởng thực hiện mã code QR có chứa các video minh họa từng nội dung cụ thể trong mô hình, giúp người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về đời sống, phong tục tập quán của người Sán Dìu ở tỉnh Vĩnh Phúc.

"Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu" được các em học sinh mang tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp trường. Nhận thấy đây là ý tưởng tốt, ban giám hiệu và các thầy cô giáo đã hỗ trợ các em hoàn thiện ý tưởng để dự thi ở cấp cao hơn.

Dùng vật liệu tái chế bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu - Ảnh 3.

Các em được hướng dẫn tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu

Đồng hành cùng nhóm, cô Dương Thị Vĩnh Thạch, giáo viên Trường THPT Kim Ngọc cho biết, nhóm học sinh tham gia dự án rất năng động, say mê nghiên cứu, đặc biệt là văn hóa dân tộc Sán Dìu. Bản thân là người dân tộc nên Đức Anh có nhiều ý tưởng liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa.

"Trong quá trình hướng dẫn, tôi luôn tôn trọng ý tưởng sáng tạo của học sinh. Sau khi nghe ý tưởng, cô trò họp lại để chốt các sản phẩm như thế nào. Để ra được sản phẩm hoàn hảo, cô, trò đã trải qua nhiều thất bại và nhiều lần phải thay đổi kích cỡ, ý tưởng. Tất cả mô hình làm ra, các em đều phải đi thực tế và xin ý kiến các nghệ nhân" - cô Vĩnh Thạch bày tỏ.

Không phụ công cô và trò, "Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu" là 1 trong 5 đề tài giành giải nhất cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022. Qua cách thể hiện sinh động, học sinh có thêm cách tiếp cận mới khi học lịch sử - văn hóa địa phương. Đồng thời, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy ý thức phát huy văn hóa truyền thống quê hương, trách nhiệm với cộng đồng…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn