Gia đình Công giáo phát triển nông trại hữu cơ vươn xa khắp các tỉnh, thành

16/08/2023 10:30
Chị Phạm Thị Hương, Phó giám đốc Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình, đang chăm sóc vườn nho

Chị Phạm Thị Hương, Phó giám đốc Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình, đang chăm sóc vườn nho

Ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) ai cũng biết đến gia đình Công giáo vừa gương mẫu, vừa làm kinh tế giỏi của vợ chồng chị Phạm Thị Hương. Mô hình Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình của gia đình chị ngày một vươn xa đến các tỉnh, thành bởi nông sản ngon, rẻ và sạch.

Tự hào vì làm dâu gia đình công giáo gương mẫu

Ngày nào cũng vậy, chị Phạm Thị Hương, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông trại hữu cơ Thái Bình, tất bật trả lời điện thoại và sắp xếp đơn hàng cho khách, để từng chuyến xe vận chuyển hàng nông sản đến nơi tiêu thụ.

"Hầu như hôm nào tôi cũng rất bận rộn, hàng nông sản của hợp tác xã có đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Do đam mê với nghề nông, nên hầu như việc bếp núc, đưa đón con cái đi học là ông xã tôi đảm nhận", chị Hương cười tươi chia sẻ.

Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình của hội viên công giáo  - Ảnh 1.

Dưa lê Hàn Quốc rất sai quả, đang vào vụ thu hoạch của HTX

Chị Hương lý giải: "Chuyện cũng bình thường thôi, trong nhà vợ bận việc HTX thì chồng hỗ trợ chuyện bếp núc, khi nào tôi rảnh sẽ cùng anh chia sẻ việc nhà. Còn khi các con đã đi học, anh lại phụ giúp tôi mọi việc ở nông trại".

"Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, dù không phải gốc công giáo, nhưng khi theo chồng về Thái Bình làm dâu một gia đình công giáo, tôi cũng sinh hoạt và học đầy đủ tập tục công giáo của gia đình chồng. Bố chồng tôi từng là công chức của xã, là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu nhiều năm ở địa phương, nên ông dạy con cháu trong nhà làm việc gì cũng phải sống, cống hiến và học tập theo gương Bác Hồ", chị Hương tự hào chia sẻ.

Kết hợp 2 ngành học của vợ chồng để làm nông trại tại nhà

Hai vợ chồng chị Hương đều là kỹ sư của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chị Hương học khoa Nông học, với chuyên ngành trồng trọt, còn anh Hoàng Quốc Toản học chuyên ngành chăn nuôi thú y. Có kiến thức và đam mê với vườn, ao chuồng từ nhỏ, vợ chồng chị bắt đầu khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà, vịt đẻ và trồng nấm từ năm 2011.

Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình của hội viên công giáo  - Ảnh 2.

Mô hình HTX khép kín vừa giảm giá thành chi phí đầu tư, vừa cho sản phẩm nông sản đảm bảo sạch từ gốc" - chị Hương giới thiệu

Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, năm 2022, vợ chồng chị Hương mạnh dạn thành lập HTX nông trại hữu cơ Thái Bình.

"Điều đặc biệt của mô hình HTX của vợ chồng tôi là xây dựng theo một chuỗi khép kín giữa chăn nuôi và trồng trọt, luân canh cây, con giống theo mùa vụ, giống như sự kết hợp từ ngành học của 2 vợ chồng tôi vậy. Mô hình HTX khép kín vừa giảm giá thành chi phí đầu tư, vừa cho sản phẩm nông sản đảm bảo sạch từ gốc", chị Hương dí dỏm giới thiệu.

Với diện tích quy hoạch nội trại từ 4 ha ban đầu, trong đó vợ chồng chị để 1.000 m2 làm chuồng trại, 1.000 m2 xây dựng nhà màng để trồng các loại rau củ, quả sạch và hơn 8.000 m2 trồng các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế bền vững như: Măng tây xanh, cà tím, hoa đu đủ đực, các loại cây ăn quả....

"Với 1.000 m2 chuồng trại, chỉ trong một năm, HTX của vợ chồng tôi sử dụng khoảng 6 tháng cho việc trồng nấm. Sản lượng thu hoạch là 10 tấn nấm tươi/vụ. Giá bán trung bình là 40.000 đồng/kg. Ngay năm đầu tiên đã cho tổng thu nhập là 400 triệu đồng/vụ. HTX sử dụng 4 tháng tiếp theo cho việc chăn nuôi gà thịt, với quy mô 6.000 con/vụ. Tổng thu nhập của đàn gà là 120 triệu đồng/vụ. 2 tháng còn lại trong năm, toàn bộ diện tích chuồng trại sẽ được sử dụng vào việc ủ phân hữu cơ, phân xanh. Từ đó tôi tận dụng nguồn phân gà và phôi nấm thải để ủ thành phân hữu cơ, làm dinh dưỡng bón cho các loại cây trồng trong nhà màng và vườn cây của HTX", chị Hương chia sẻ tỉ mỉ về HTX nông trại khép kín của mình.

Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình của hội viên công giáo  - Ảnh 3.

Dưa lưới xanh được trồng trong nhà màng luôn đảm bảo chất lượng hàng nông sản sạch, sản phẩm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó

Chị Hương cũng cho biết, với 1.000 m2 nhà màng, HTX sử dụng trồng các loại rau xanh và củ quả như: Cà chua bi, nho hạ đen, nho sữa, bông cải xanh, cải bó xôi, xà lách thủy tinh... Tất cả được trồng theo công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước tự động bằng kĩ thuật nhỏ giọt hoặc phun sương, phù hợp cho từng loại cây trồng và cách thức canh tác.

Với hơn 8.000 m2 còn lại, HTX của chị Hương trồng cây măng tây, cây đu đủ đực và một số các loại cây ăn quả lâu năm. Tận dụng các loại chất thải từ trại nấm và chăn nuôi gà, làm phân bón cho cây măng tây và các loại cây trồng trong nông trại phát triển.

Hàng ngày, 6 nhân công của HTX liên tục thu hoạch, phân loại, đóng gói các loại rau, củ của HTX để vận chuyển đến các cửa hàng nông sản sạch của các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Huế, Sơn La....

Hứa hẹn trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách

"Năm nay cũng là năm đầu tiên vợ chồng tôi trồng 1.000 gốc nho, cũng đang phát triển tốt. Hy vọng, thời gian tới, HTX có thể trở thành nơi du lịch sinh thái. Mọi người có thể vừa đến thăm quan, check in lại có cơ hội thưởng thức sản phẩm nho sạch của miền Bắc do chính tay mình hái", chị Hương chia sẻ.

Theo kinh nghiệm hơn 10 năm làm HTX, chị Hương cho rằng nguồn giống được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến có sức tăng trưởng và có độ phát triển đồng đều rất cao, tạo nên các vườn cây giống sạch bệnh, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất có lãi nhờ rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Hơn nữa, các sản phẩm từ nông trại không những không ảnh hưởng đến môi trường, mà còn làm tăng thêm cảnh quan môi trường góp phần xây dựng đời sống văn hóa hiện đại của người dân địa phương.

Hợp tác xã nông trại hữu cơ Thái Bình của hội viên công giáo  - Ảnh 4.

Vườn nho của HTX đang vào thời kỳ phân hóa mầm hoa, hứa hẹn sẽ thành công khi gắn với mô hình du lịch sinh thái của địa phương, người dân đến thăm quan, check in và có thể hái nho ăn tại vườn

"Làm nông trại với đa dạng cây, củ, quả thật sự phải có đam mê với nghề. Tuy nhiên, dù có bận rộn đến đâu, cuối mỗi tuần vợ chồng tôi vẫn dành thời gian cùng 3 con nhỏ đi lễ ở nhà thờ tại địa phương", chị Hương cho biết.

Vào ngày hè, vợ chồng chị thường cho các con tham gia trại hè, văn nghệ, trải nghiệm do nhà thờ tổ chức cho trẻ em trên địa bàn. Chị bảo: "Vợ chồng tôi luôn động viên các con tham gia hoạt động trải nghiệm gom rác thải nhựa, gây quỹ hỗ trợ các bạn nghèo trong giáo xứ ở địa phương hoặc giáo xứ tỉnh bạn. Những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa sẽ giúp các con trưởng thành hơn, gìn giữ nề nếp gia đình Công giáo tiêu biểu của cha ông để lại".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn