Gia đình và đời sống trong Phật giáo Hòa Hảo

Một buổi thuyết giảng về giáo lý Phật giáo Hòa Hảo (Nguồn: Wikipedia)

Một buổi thuyết giảng về giáo lý Phật giáo Hòa Hảo (Nguồn: Wikipedia)

Hôn nhân và tang ma trong đạo Hòa Hảo khá đơn giản và tiến bộ. Cha mẹ được khuyên không ép buộc tình cảm của con cái nhưng có bổn phận hướng dẫn, khuyên bảo. PGHH khuyên không thách cưới bằng lễ vật hay tiền, tổ chức lễ cưới đơn giản, tiết kiệm.

Phật giáo Hòa Hảo (PGHH, còn gọi là đạo Hoà Hảo) là tông phái lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản, chủ trương tu hành tại gia. Đạo do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. 

Gia đình và đời sống trong Phật giáo Hòa Hảo - Ảnh 1.

Chân dung Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ - Người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo (Nguồn: Ban Tôn giáo Kon Tum)

Hiện nay, PGHH có gần 1,3 triệu tín đồ, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây (theo Ban Tôn giáo Chính phủ). Tôn giáo lấy nền tảng là Đạo Phật, kết hợp với những bài sấm kệ do chính ông Huỳnh Phú Sổ biên soạn. Tín đồ PGHH thờ Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những vị anh hùng của đất nước, cùng quan điểm "không nên thờ vị tà thần nào mà không rõ căn tích".

Gia đình và đời sống trong Phật giáo Hòa Hảo - Ảnh 2.

Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Nơi đây ngày xưa thuộc làng Hoà Hảo, là quê hương của ông Huỳnh Phú Sổ và là nơi khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo. (Nguồn: Wikipedia)

Giáo lý PGHH gồm 2 phần là Học Phật và Tu nhân. Trong phần Tu nhân, tức tu làm người, có nhấn mạnh việc tu học theo Tứ ân, tức 4 điều ân nghĩa: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào, Ân tam bảo. Giáo lý dạy rằng mỗi con người sinh ra phải sống có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Muốn đền ơn cha mẹ phải nghe lời răn dạy, không làm điều xấu để phiền lòng cha mẹ, phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ nhất là lúc ốm đau, già yếu. Muốn đền ơn ông bà tổ tiên, không được làm tổn hại đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Nếu tổ tiên có làm gì sai lầm thì con cháu phải quyết chí tu cầu để rửa nhục. Đây là ân nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất trong Tứ đạo của PGHH.

Gia đình và đời sống trong Phật giáo Hòa Hảo - Ảnh 3.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo phát hàng cứu trợ cho đồng bào nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai (Nguồn: Wikipedia)

Hôn nhân và tang ma trong đạo Hòa Hảo khá đơn giản và tiến bộ. Cha mẹ được khuyên không ép buộc tình cảm của con cái nhưng có bổn phận hướng dẫn, khuyên bảo. PGHH khuyên không thách cưới bằng lễ vật hay tiền, tổ chức lễ cưới đơn giản, tiết kiệm. Hôn lễ và tang lễ của người theo đạo sẽ được tiến hành như tục lệ thường của người Việt chứ không có quy trình hay yêu cầu riêng. Đặc biệt, ông Huỳnh Phú Sổ còn khuyên mọi người không khóc lóc trong tang lễ vì làm vậy sẽ cản trở sự siêu thoát linh hồn của người đã khuất.

Gia đình và đời sống trong Phật giáo Hòa Hảo - Ảnh 4.

Một bàn thờ của người theo đạo Hoà Hảo (Nguồn: Fanpage Hội Hoằng Pháp Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo)

Trong cuộc sống, tín đồ PGHH thực hiện 8 điều răn của ông Huỳnh Phú Sổ, xem đó như giới luật của đạo. Các điều răn tập trung nói về việc sống lương thiện, không xa hoa lãng phí. Người theo đạo không đốt giấy, tiền bạc, vàng mã, quần áo vì "cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta" và để dành để cứu giúp những người khó khăn hơn. Đồng thời, tín đồ PGHH cũng rất tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động từ thiện. Theo Giáo lý PGHH, tu nhân tạo nên công, học Phật tạo nên đức, có công có đức mới trở thành bậc hiền nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn