Gia Lai: Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển

16/02/2023 09:57
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ phải sang) đánh giá cao các sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của phụ nữ làng Phung, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Minh Châu

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ phải sang) đánh giá cao các sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của phụ nữ làng Phung, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Minh Châu

Nhiều câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm được thành lập trong những năm qua đã góp phần bảo tồn, trao truyền tinh hoa nghề truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay, đây còn là mô hình có nhiều dư địa để khai thác các giá trị kinh tế, phát triển du lịch, tạo việc làm cho lao động nữ.

Câu lạc bộ Dệt làng Phung (xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) ra mắt tháng 7/2022 gồm 23 thành viên là những phụ nữ Jrai giỏi nghề dệt. Sản phẩm do chị em làm ra được bày bán tại nhà nghệ nhân Pel-Chủ nhiệm CLB. Trong không gian nhà trưng bày đặt 4 khung dệt để giới thiệu đến khách hàng các công đoạn để tạo ra 1 tấm thổ cẩm mang đặc trưng văn hóa của người Jrai. Từ những tấm thổ cẩm mang họa tiết, hoa văn, màu sắc khác nhau, thành viên CLB may thành các sản phẩm thời trang đa dạng, có tính ứng dụng cao như: quần áo, túi xách, ba lô, ví cầm tay, gối dựa, ga trải giường, khăn trải bàn, móc khóa, khăn quàng cổ, tấm đắp… Nghệ nhân Pel cho biết: Nhiều bạn trẻ người Jrai còn đặt may trang phục truyền thống để tặng nhau trước khi về sống chung một nhà.

Gia Lai: Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển - Ảnh 1.

CLB Dệt làng Phung (xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) đã thu hút được 23 thành viên là người dân tộc thiểu số

Tham quan CLB Dệt làng Phung trong chuyến công tác mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá: “Hình thức hoạt động của CLB rất tốt, sản phẩm rất đẹp, phong phú, có giá trị. Các sản phẩm này hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em. Nhưng nếu các chị chỉ bán trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên-nơi có văn hóa tương đồng và có nhiều sản phẩm dệt na ná nhau sẽ khó để mở rộng thị trường và cơ hội để phát triển. Các chị nên biến nơi này thành không gian gặp gỡ, trao đổi, cập nhật nhiều kiến thức khác. Không chỉ là câu chuyện về thổ cẩm, mà vấn đề quan trọng là cung cấp kiến thức, kỹ năng cho chị em cách tiếp cận và bán sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Qua đó, chị em tìm cơ hội kết nối với các nhà thiết kế để kết hợp, tạo ra những sản phẩm trong ngành thời trang từ thổ cẩm. Đó sẽ là những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trên nền tảng sản phẩm dệt. Những sản phẩm thủ công như vậy khi mang ra các nước, giá trị sẽ rất lớn chứ không dừng lại ở vài trăm ngàn đồng. Vừa rồi, tôi nhận được quà tặng là một cuốn sổ tay có bìa làm từ thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên rất đẹp. Nhiều khách quốc tế rất thích những quà tặng như vậy. Đây là ví dụ để thấy thổ cẩm có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống”.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết thêm, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án số 01-2023 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ tại các địa phương có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. “Mô hình CLB Dệt làng Phung rất phù hợp với các tiêu chí của đề án. Do đó, cần quan tâm, hỗ trợ xây dựng đề án phát triển mô hình CLB Dệt làng Phung trở thành hợp tác xã. Bởi khi thành lập hợp tác xã sẽ có rất nhiều lợi ích, giúp các chị có điều kiện vay vốn, đặc biệt là tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình của Nhà nước về phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đây cũng là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tham gia mô hình, các chị còn được tập huấn, nâng cao nhiều kỹ năng khác chứ không chỉ là vấn đề tăng thu nhập”.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khen ngợi tinh thần lao động, sáng tạo của các thành viên CLB Dệt làng Phung. Bà cũng đánh giá cao các sản phẩm dệt thủ công về mặt giá trị văn hóa lẫn thương mại. Người đứng đầu Hội LHPN Việt Nam đã mua 10 tấm khăn choàng và cho biết sẽ tặng chị em phụ nữ, các đồng chí lãnh đạo Cuba trong chuyến công tác sắp tới, đồng thời khẳng định: “Hội LHPN Việt Nam sẽ tìm nhiều kênh kết nối cùng các chị tiêu thụ sản phẩm từ nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, biến di sản thành tài sản, biến những giá trị văn hóa thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. Từ những mô hình hoạt động như thế này còn có thể biến thành sản phẩm du lịch của địa phương. Tôi hy vọng trong thời gian tới, CLB sẽ có bước phát triển tốt hơn nữa”.

* Ngày 9/7/2022, tại làng Phung, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Biển Hồ ra mắt Câu lạc bộ dệt làng Phung và khánh thành phòng trưng bày sản phẩm dệt. 

CLB được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, các hội viên phụ nữ thường xuyên được giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm về nghề dệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Việc thành lập CLB có ý nghĩa trong dạy và truyền nghề, thu hút thế hệ trẻ tham gia, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có công việc thường xuyên, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gia Lai: Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển - Ảnh 2.

Ra mắt Câu lạc bộ dệt làng Phung và khánh thành phòng trưng bày sản phẩm dệt

Dịp này, CLB khánh thành phòng trưng bày các sản phẩm dệt tại nhà nghệ nhân Pel (Chủ nhiệm CLB). Dưới sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ sĩ, không gian trưng bày được sắp đặt mang tính nghệ thuật để tôn vinh giá trị đặc sắc của nghề truyền thống và các nghệ nhân góp phần truyền giữ, bảo tồn nghề dệt. Ở đây không chỉ giới thiệu các sản phẩm dệt tiêu biểu như trang phục, túi xách, ba lô nhiều kích cỡ, đa dạng mẫu mã, ví cầm tay, gối dựa, móc khóa, khăn quàng cổ, tấm đắp… mà còn trưng bày còn một khung dệt để các nghệ nhân hướng dẫn cho người dân và du khách trải nghiệm nghề truyền thống.

CLB dệt và phòng trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống sẽ góp phần khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc sắc và có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng từ nghề dệt mang về làm quà.

Nguồn: Báo Gia Lai, Dân tộc & Phát triển

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn