Gia Lai: Tích cực xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố Pleiku

14/12/2022 10:35
Bà Nguyễn Thị Phúc ở (công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang, xã Phú An. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bà Nguyễn Thị Phúc ở (công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang, xã Phú An. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian qua, các lớp xóa mù chữ đã lần lượt được khai giảng ở các xã, phường tại Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Xoá mù chữ cho người dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thực hiện nội dung này, trong thời gian qua, các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc đã lần lượt được khai giảng ở các xã, phường tại tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Tích cực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố Pleiku  - Ảnh 1.

Học viên lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) nhận sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Ảnh: Mộc Trà

Trường Tiểu học Lê Lai là 1 trong 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Pleiku thực hiện nhiệm vụ dạy xóa mù chữ cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thầy Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đó, đơn vị phối hợp cùng UBND xã Chư Á tiến hành rà soát số lượng người DTTS mù chữ và tái mù chữ ở độ tuổi 15-60 trên địa bàn; đồng thời, vận động bà con tham gia học tập. Ngày 14/11, lớp xóa mù chữ đã được khai giảng với sự tham gia của 17 người ở 2 làng Mơ Nú và Bông Phung (xã Chư Á). Những ngày sau đó, có thêm 6 người đến lớp, nâng sĩ số lớp học lên 23 người.

"Lớp xóa mù chữ sẽ kéo dài 42 tuần, tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông lớp 1, 2 và 3. Vì vậy, nhà trường đã phân công giáo viên dạy các khối lớp này tham gia dạy xóa mù chữ" - thầy Tùng cho hay.

Tích cực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố Pleiku  - Ảnh 2.

Đông đảo bà con dân tộc thiểu số tham gia lớp xóa mù chữ. Ảnh: Mộc Trà

Ngày 14/11 vừa qua, 4 lớp xóa mù chữ đã đồng loạt khai giảng tại các trường thuộc tiểu học thuộc xã Gào, xã Chư Á, xã Biển Hồ và phường Chi Lăng. Tổng cộng có 116 người tham gia, trong đó, người lớn tuổi nhất là 58 tuổi. Dự kiến tháng 1/2023, lớp xóa mù chữ tiếp theo sẽ mở tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Tân Sơn) với 18 học viên.

Kể từ hôm lớp khai giảng được gần 1 tháng, đều đặn vào 6 giờ chiều từ thứ hai đến thứ sáu, bà Ksor H'Luaih (làng Mơ Nú) gác hết mọi công việc để đi học chữ. Bà H'Luaih hồ hởi: "Tôi đã thuộc được bảng chữ cái, biết ghép một số vần với nhau và viết được tên mình rồi. Đi học biết chữ, biết viết tên mình nên chúng tôi vui lắm. Sau này mình có thể ký giấy tờ mà không cần phải điểm chỉ tay, cũng chẳng sợ bị người xấu lừa nữa".

Phụ trách dạy chương trình lớp 1, kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Lê Lai, cô Đỗ Thị Lan cho biết, học viên trong lớp rất chăm chỉ, ít khi nghỉ học. Nhiều người, buổi học kết thúc còn năn nỉ cô giáo chỉ dạy thêm. Cô Lan hy vọng, sau khóa học này, bà con có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất hay công việc cần đến con chữ một cách thuận lợi hơn. Nhờ biết đọc, biết viết, bà con sẽ nắm và hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương.

Tích cực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố Pleiku  - Ảnh 4.

Khai giảng một lớp xóa mù chữ ở huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai

Ở lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) hiện có trên 30 người dân làng Ia Lang theo học. Theo thông tin từ bà H'Tinh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Lang: Cả làng Ia Lang hiện có 310 hộ/1.366 khẩu. Qua điều tra sơ bộ, có khoảng 100 người không biết chữ. "Khi chúng tôi phối hợp với xã và Trường Tiểu học Ngô Quyền vận động họ đi học xóa mù chữ, nhiều người tỏ ra e dè vì sợ không tiếp thu được kiến thức. Tuy nhiên, sau một thời gian tới lớp, dưới sự chỉ dạy tận tình của các cô giáo, bà con rất thích thú và rủ nhau đi học đông hơn. Đây sẽ là cơ hội tốt để làng từng bước nâng cao trình độ dân trí", bà H'Tinh chia sẻ.

Là 1 trong 14 giáo viên được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngô Quyền phân công giảng dạy lớp học xóa mù chữ, cô Lâm Thị Liệu cho biết, vì học viên là người DTTS, đa số đều chưa từng biết mặt chữ, con số nên khi giảng dạy, các thầy cô phải hết sức kiên nhẫn và thường xuyên động viên, khuyến khích để họ yên tâm học tập. "Mục tiêu cuối cùng là giúp bà con biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản" - cô Liệu nói.

Ngày 20/01/2022, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về hỗ trợ công tác xóa mù chữ giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025 duy trì và nâng cao kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp huyện của tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 trở lên, trong đó có 15/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến năm 2030, phấn đấu 16/17 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Qua tìm hiểu được biết, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku được giao nhiệm vụ chủ trì, hướng dẫn các xã, phường, trường học rà soát số lượng người mù chữ tại địa phương, từ đó vận động người dân đi học và đăng ký nhu cầu mở lớp. Kết quả trong đợt vừa qua, có 172 người đăng ký tham gia các lớp xóa mù chữ.

Chắc chắn, với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện, sự nỗ lực của các thầy cô đứng lớp cùng tinh thần ham học hỏi của bà con, nhất định, phong trào xóa mù sẽ thành công, có sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.