Với 73 năm tuổi đời, 36 năm tuổi Đảng, già làng Bríu Pố cho rằng, việc nêu gương tốt đối với cán bộ Đảng viên như cơm ăn nước uống hàng ngày, là nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thành công tốt đẹp.

Già làng Cơ Tu "8 giỏi"

Với 73 năm tuổi đời, 36 năm tuổi Đảng, già làng Bríu Pố cho rằng, việc nêu gương tốt đối với cán bộ Đảng viên như cơm ăn nước uống hàng ngày, là nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thành công tốt đẹp.

Già làng Bh’riu Pố được biết đến với biệt danh mà người dân phong tặng cho ông là: "Già làng hào hoa", "Già làng 8 giỏi": Giỏi nghề trồng ba kích; giỏi sản xuất kinh doanh; giỏi nghề điêu khắc; giỏi nghề đan gùi; giỏi hát lý, nói lý; giỏi chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu; giỏi xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan và giỏi vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Giỏi xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan

Già làng Bríu Pố bộc bạch, người Cơ Tu, qua hai cuộc kháng chiến, dù gian khổ, hy sinh, mất mát… nhưng họ vẫn một lòng đi theo Bác Hồ, đi theo Đảng, đi theo Cách mạng rất đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, trình độ… còn hạn chế nên chưa thoát khỏi ám ảnh tà ma, bùa ngải, hủ tục, mê tín... Để thay đổi không phải một sớm một chiều; mà cần phải thay đổi từ từ, phải làm cho dân thấy, dân tin thì dân mới nghe mình được. Cụ thể là 2 câu chuyện "cây thiêng" và "chim thiêng".

Già làng Cơ Tu “8 giỏi” - Ảnh 1.

Tượng chim thiêng (Triing) do nghệ nhân Cơ Lâu Nhím sáng tác.

Theo đó, quan niệm của người Cơ Tu tin rằng, thần linh, ma quỷ trú ngụ ở những cây cổ thụ nên không ai dám đụng vào. Năm đó, huyện, xã triển khai xây dựng nông thôn mới, mở đường, gia đình ông hiến đất. Thế nhưng phần đất hiến có cây cổ thụ này. Cùng với nỗi lo, vào mùa mưa bão làm cây đổ gãy sẽ đè nhà dân, ông quyết định chặt hạ. Lúc họp lấy ý kiến người dân, cả thôn ARớt không đồng ý, vì cho đó là nơi trú ngụ của thần linh. Ngay cả vợ cũng kiên quyết phản đối. Song, già phải thuyết phục mãi dân làng và vợ mới đồng ý.

Ngày già và con trai mang rìu ra đốn hạ "cây thiêng", dân lo và sợ hãi. Có người còn ra đây cúng vái. Cây hạ xuống, già Pố nói dân làng ai cần gỗ làm nhà cửa thì đến lấy. Thế nhưng dù xẻ ra từng phách "láng o", vuông bằng sắc cạnh" nhưng tuyệt nhiên không ai dám động đến, vì còn sợ thần linh quở phạt. Không ai lấy, già Pố và con trai mang về làm phản nằm và thưng nhà, không thấy thần linh hay ma quỷ quở phạt...

Người dân Cơ Tu xa xưa vẫn tin về loài chim Triing (Bồ Canh) là loài chim của thần linh. Từ xa xưa, người dân chỉ săn bắn chim này và để dành vào dịp lễ cúng tế và tôn thờ nó là thần linh.

Thấy dân làng tôn thờ thần linh mà không lo làm ăn, suốt ngày cúng bái, nghĩ mãi, già Bríu Pố đẽo tượng chim Triing bằng gỗ để làm chim mồi bắt chim Triing. Chim Triing thật bay qua, tưởng chim gỗ là đồng loại bèn hạ cánh, dính nhựa rồi rơi xuống đất, già Bríu Pố mang về dân làng càng nể phục. Từ đó, người dân mới tin những lời già Bríu Pố nói là đúng nên quyết tâm xóa bỏ hủ tục, không tin tà ma, bùa ngải…, áp dụng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.

Giỏi nghề chế tác các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu

Theo nhiều bậc cao niên sinh sống vùng cao huyện Tây Giang, già làng Bh’riu Pố là một trong số ít người Cơ Tu chế tác và sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.

Già làng Bh’riu Pố cho hay, người Cơ Tu ở Quảng Nam có trên 20 loại nhạc cụ như: Đàn bầu (tâm bréh), trống cái (k’thu), trống con (ch’gợr), chiêng (chieng), thanh la (bhr’noóh), đàn (h’jưl), đàn môi (abel), sáo (a’luốt)… đã luôn tồn tại, đồng hành, cùng đồng bào Cơ Tu ở miền Tây Quảng Nam, nhất là khi có lễ hội. Mỗi loại nhạc cụ đều có những đặc điểm và chức năng riêng để thể hiện tâm tư, tình cảm của đồng bào trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

Già làng Cơ Tu “8 giỏi” - Ảnh 2.

Nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tiếng sáo crơtót của già làng Bh’riu Pố đang biểu diễn.

Vừa chế tác sáo crơtót, già làng Bh’riu Pố cho hay, sáo crơtót là nhạc cụ thuộc "họ hơi", trước đây dùng để thổi khi đi săn chim. Sáo crơtót có hình dáng nhỏ, gọn; chất liệu được chế tác từ ống nứa dài khoảng 10cm, một đầu còn nguyên mắt. Đoạn giữa của ống nứa được khoét sâu tạo cho ống nứa có dáng hình phễu, dưới mắt nứa khoảng 1cm có khoét một lỗ nhỏ, dùng cật nứa vót mỏng để tạo lưỡi gà, khi thổi sẽ phát ra âm thanh.

Già làng Cơ Tu “8 giỏi” - Ảnh 3.

Già làng Bh’riu Pố đang thổi sáo crơtót.

Khi thổi sáo crơtót, người thổi áp dụng các kỹ thuật nén hơi, rung hơi, thổi hơi thông qua lưỡi gà tác động vào lỗ nhỏ trên thân sáo để tạo ra những âm thanh, tiếng kêu phù hợp cho từng tiếng kêu của từng loại chim khác nhau. Hiện nay, người Cơ Tu không còn đi săn chim, thú nữa. Song, sáo crơtót vẫn được những người Cơ Tu cao tuổi thổi giải trí vào những buổi chiều buông trên nương rẫy để tiếng sáo crơtót vang vọng trong gió núi mây ngàn Trường Sơn.

Giỏi nghề trồng ba kích và xây dựng trang trại

Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’riu Pố cho hay, ông tốt nghiệp khoa Sinh vật (Trường Đại học Thái Nguyên), lại ham sưu tầm các bài thuốc từ sách báo nên ông Bh’riu Pố nắm rất rõ về những vị thuốc dân gian truyền thống. Hơn 40 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Bh’riu Pố trở về làng với nghề dạy học. Được biết, ông là người Cơ Tu đỗ đại học đầu tiên cũng như kinh qua nhiều năm làm thầy nên kiến thức ở ông rất sâu rộng.

Sau những ngày đứng lớp, ông lại ngược núi để tìm loại cây "thuốc giấu" của đồng bào miền núi vốn đã thất truyền. Và cũng chính ông, sau này mới biết đó là cây ba kích.

Ngày đó, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn đeo đẳng với bà con Cơ Tu, ông đã suy nghĩ làm thế nào để phát triển đời sống kinh tế cho bà con mình trên dãy Trường Sơn. Ông không ngần ngại gom hết tài sản dành dụm của gia đình để mua cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" do Giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn về nghiên cứu và ông cất công đi tìm hiểu cách trồng cây ba kích.

Giỏi sản xuất kinh doanh

Dần theo thời gian, nhờ sự giúp đỡ của Tiến sĩ Ngô Trại (Viện Giống cây trồng Quốc gia) đã giúp ông trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam làm giàu từ cây ba kích. Hiện, gia đình ông có trang trại dược liệu rộng gần 3ha dưới chân núi ADương với hơn 5.000 cây ba kích, cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Cách đây vài năm, ông từng đại diện tỉnh Quảng Nam tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

Già Bh’riu Pố cho hay, ông đã làm được và thành công từ cây ba kích, nên quay lại giúp đỡ bà con dân làng về cách trồng, chăm sóc cây dược liệu này. Ba kích rất dễ trồng, nhưng mình phải làm trước, phải thoát nghèo trước thì bà con mới nghe theo.

Sau này, ngoài cây ba kích, gia đình ông còn mở rộng diện tích vườn đồi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, quýt, cam, cây tr'đin, tavak… Đồng thời cải tạo khe suối làm ao nuôi cá với diện tích 1.500m2, chăn nuôi bồ câu, bò và các loại gia cầm khác.

Giỏi nghề điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu

Ngoài biệt danh "Vua ba kích", ông Bh’riu Pố còn được người ta nhắc đến là nghệ nhân số 1 trên dãy Trường Sơn bởi ông là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học, đã từng làm thầy giáo, đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã Lăng, lại thêm có giọng hát hay cùng đôi bàn tay vàng nên già đã  truyền dạy nói lý - hát lý, điêu khắc, cho đến tham gia dựng Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), phục hồi họa tiết trụ X’nur (cây nêu) truyền thống... nên được cư dân phong cho già là "Nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu".

Tác phẩm "Mẹ rừng" của già làng Bh’riu Pố đạt giải nhất.

Còn nhớ năm 2017, ông được đề cử làm người thiết kế và chỉ huy đội nghệ nhân phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Với trách nhiệm của con chim đầu đàn, già nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết, "hoa văn họa tiết" nhằm bảo đảm nguyên bản nhất theo sự "thẩm định" của các già làng. Đến nay già Bh’riu Pố đã có hơn 200 tác phẩm điêu khắc mang âm hưởng đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, bao gồm các tượng, phù điêu, cột lễ…

Già làng Cơ Tu “8 giỏi” - Ảnh 5.

Ông Đặng Thương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trao giải nhất cho nghệ nhân cao tuổi Bh’riu Pố (Huyện Tây Giang) với tác phẩm "Mẹ rừng".

Còn nhớ vào năm 2019, UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) tổ chức bế mạc Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu. Nghệ nhân Bhriu Pố cho hay, điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng mái nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại về con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội... Với những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ đã làm cho Gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu - là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng nhà cửa.

Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những nghi thức bản địa độc đáo, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ… Lần nầy, nghệ nhân Bh’riu Pố cũng đạt giải nhất với tác phẩm "Mẹ rừng".

Giỏi nghề đan gùi

Già làng Bh’riu Pố vui vẻ đưa chúng tôi xuống chái bếp để "mục kích" các loại gùi (dòng), tà lét, rê, chuy, cà vông (cà lông)... được treo la liệt trên giàn bếp, dưới mái nhà đã lên màu cánh gián.

Vừa giới thiệu cái gùi vừa mới đan, Bh’riu Pố cho hay, mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân, có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy trở lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song... vót mỏng hoặc vỏ cây lạch để đan. Nếu đan bằng mây, thì dây bền, chắc hơn. Thông thường, một "đời" gùi dùng đến hai "đời" dây.

Già làng Bh’riu Pố bộc bạch: "Hiện nay, trung bình mỗi gùi được các công ty du lịch mua với giá từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng, tạo việc làm cho bà con trong lúc nông nhàn hoặc lúc trời mưa gió không đi rẫy được.

Giỏi hát lý, nói lý

Già làng Bh’riu Pố cho hay, hát lý, nói lý (p’rá pr’ma-têng bhanoóch) là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu vẫn còn lưu giữ ở hầu hết các bản làng (carơnoon) bởi những người già có năng khiếu và phổ biến nhất là trong những lần tổ chức đám cưới (têng bhiệc đam), ăn mừng lúa mới (cha haroo tamee), lễ ăn thề kết nghĩa anh em (pr’ngoóch - gương yên) hay hát khóc người chết (hau c’lêng).

"Nói lý, hát lý là nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Cơ Tu nhưng hiện nay các nghệ nhân đã sáng tạo gắn với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng. Đây là cơ hội nhằm giúp mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn, học sinh không bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng; nói không với ma túy…"- già làng Bh’riu Pố chia sẻ.

Thông qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu này sẽ được duy trì và hình thành nếp sinh hoạt thường kỳ tại các thôn và các cụm xã. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được lồng ghép một cách khéo léo, tài tình đến bà con thông qua hình thức nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu làm cho bà con đồng thuận, "ưng cái bụng", sau này người nghe (các cụ) về động viên con cháu trong thôn, bản thực hiện tốt nội dung vừa truyền đạt.

Giỏi vận động dân làng

Trong vai trò "tuổi cao gương sáng", già làng Bh’riu Pố tích cực vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kêu gọi người dân làm tốt bổn phận, nghĩa vụ công dân của mình; giữ gìn tốt an ninh biên giới, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu như biểu diễn trống chiêng, các điệu dân ca - dân vũ đặc sắc, các nghề đan đát, dệt thổ cẩm truyền thống cùng các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào mình.

Ông cùng các nghệ nhân, già làng và người dân trên địa bàn huyện Tây Giang phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại "Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu" của huyện Tây Giang.

Đặc biệt, những năm qua, đại dịch Covid-19 tràn về gây bao cảnh đau thương, chết chóc cho người dân từ khu vực thành phố đến nông thôn, miền núi. Già làng Bh’riu Pố với lòng hăng say và sự hiểu biết của mình đã cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh về phòng và chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

Tiên Sa
24/10/2022 10:30