Giáo lý Công giáo đề cao giá trị của lòng hiếu thảo (Bài cuối)

25/07/2023 14:31
Ảnh minh họa: Nhà thờ Thái Hà

Ảnh minh họa: Nhà thờ Thái Hà

Mặc dù người Việt Công giáo không tin rằng tổ tiên đang ở nơi “chín suối” hay ngự trên bàn thờ, họ cũng không tin tổ tiên có thể phù hộ trực tiếp hay “về” hưởng lễ vật, nhưng họ vẫn muốn thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên bằng những lễ thức quen thuộc.

Trong mỗi thánh lễ Misa, bao giờ cũng có lời nguyện dành cho các linh hồn. Trong những buổi cầu nguyện chung, một trong những nội dung chủ yếu là cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời.

Ở một số vùng, người ta còn sáng tác những bài hát, hay những lời nguyện ngắn gọn để cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với ông bà tổ tiên. Một cách sâu xa, những hành động này bày tỏ lòng hiếu thảo của họ đối với ông bà tổ tiên. 

Con cháu đi xa về, ngoài mua những quà tặng cho gia đình, không quên mua lễ vật về "thắp hương" cho ông bà. Điều đó không có nghĩa là người Công giáo tin rằng tổ tiên có thể hưởng những lễ vật ấy, những việc làm đó thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng và biết ơn của họ đối với ông bà tổ tiên.

Giáo lý Công giáo đề cao giá trị của lòng hiếu thảo (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều ngày lễ hay các dịp quan trọng của gia đình, người Công giáo Việt Nam dành nhiều sự tưởng nhớ đến tổ tiên và ông bà cha mẹ. Trong ba ngày Tết, Phụng vụ dành riêng ngày mồng 2 để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. 

Ngày này, các giáo xứ thường tổ chức Thánh lễ rất long trọng tại Thánh địa, trong đó nghi thức Kính Nhớ Tổ Tiên được cử hành trước như đưa dẫn cộng đoàn vào tâm tình Thánh lễ, với lời nguyện nhập lễ được trích từ sách Châm ngôn: "Con ơi giữ lấy lời cha, Chớ quên lời mẹ, nhớ mà nghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, Ấy là chính những lời răn lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, Khắc ghi công đức một niềm tri ân (Châm ngôn 6,20-23).

Tín đồ Công giáo dành riêng tuần Bát Nhật đầu tháng 11 để viếng nghĩa địa lãnh ơn toàn xá và nhường lại cho các linh hồn, dành cả tháng 11 gọi là tháng Các Đẳng, hay còn gọi Mùa Báo Hiếu Kitô giáo, để cầu nguyện cho những người đã qua đời, bằng việc đọc kinh, xin lễ và tham dự Thánh lễ.

Người Công giáo có truyền thống xin lễ cầu hồn và tổ chức đọc kinh tại gia và dùng bữa (ăn giỗ) hiệp thông với gia đình, đi thăm mộ, sửa mộ trong các dịp: 49 ngày, 100 ngày, 1 năm, 3 năm… Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thói quen xin lễ cho tiền nhân và thân nhân vào các dịp kỷ niệm của gia đình để nhớ về nguồn cội.

Trong ngày tổ chức Lễ Thành Hôn, người Công giáo đều hướng về bàn thờ để cử hành nghi lễ Gia tiên, để cảm tạ Thiên Chúa và tỏ lòng hiếu lễ với tiên tổ; đồng thời, nguyện xin các Ngài chúc phúc cho tình yêu lứa đôi được trăm năm hạnh phúc.

Khi có tín đồ qua đời, nhà xứ sẽ rung chuông hoặc gõ chuông. Đồng thời người Công giáo cũng thực hiện cúng ba, bốn chín ngày ngày cho người đã qua đời theo cách thức đặc trưng của tôn giáo này như đọc kinh cầu nguyện.

Ngoài những nghi lễ được thực hiện tại nhà thờ thì tín đồ còn tổ chức lễ giỗ người qua đời tại nhà, cũng với hình thức đọc kinh. Tùy từng gia đình thì có thể tổ chức làm cỗ sau khi đọc kinh. Bên cạnh đó, lòng hiếu thảo của người Công giáo còn được thể hiện qua quan điểm cho rằng "làm những việc tốt lành, noi theo gương tốt của tổ tiên, cũng là báo hiếu tổ tiên".

Mặc dù có thể khác nhau về hình thức trong việc bày tỏ nhưng giá trị lòng hiếu thảo vẫn luôn được coi trọng và đề cao trong nhận thức và thực hành đời sống đức tin của tín đồ Công giáo Việt Nam.

Nhiều lễ thức và phong tục truyền thống của người Việt cũng đã được Công giáo tiếp thu và cải biên cho phù hợp. Thậm chí, trên một số phương diện, một số lễ nghi, sinh hoạt mang tính hình thức, thủ tục đã được cải biên cho phù hợp với tinh thần mới, ý nghĩa trong việc tôn kính tổ tiên không hề mất đi, nhưng rất nhiều lễ thức cũ như đốt vàng mã, cúng đồ mặn, gọi hồn,... đã không còn.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, trích lại từ Nguyễn Hồng Dương, số người Công giáo được hỏi ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thờ cúng tổ tiên lên đến 88,9%, ở Huế là 87,4%, ở Hà Nội thấp hơn với 64,21%.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn