Giáo lý hôn nhân giúp nàng dâu mới nhận ra nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống

23/06/2023 14:00
Vợ chồng Minh Thương - Văn Thuận

Vợ chồng Minh Thương - Văn Thuận

Minh Thương (20 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ) và chồng là Nguyễn Văn Thuận (22 tuổi, Phú Thọ) biết nhau khi học cùng trường THPT. Từ hồi học cùng, Thương đã biết anh Thuận là một học sinh ngoan và chăm chỉ. Thế nhưng mối tình của hai người bị gia đình Thương ngăn cản...

Gia đình ngăn cản

Quãng thời gian học đại học, Thương vô tình bắt gặp anh Thuận xây dựng nội dung số trên mạng xã hội. Thấy anh là một chàng trai có gia cảnh khó khăn nhưng đầy nghị lực nên Thương càng thêm ấn tượng. Hai người bắt đầu nhắn tin hỏi thăm rồi dần thân quen hơn. Sau khi quen biết và yêu nhau gần một năm thì hai người quyết định tiến đến hôn nhân.

Khi biết Thương quen chàng trai bên đạo, người thân, bạn bè ai cũng khuyên cô không nên tiếp tục mối quan hệ này. Đặc biệt gia đình Thương ngăn cấm hai người đến với nhau với lí do yêu và cưới người bên đạo cô sẽ phải chịu khổ, phải học nhiều quy củ, lễ nghi, tuần nào cũng phải đi lễ.

Ngoài ra, gia đình Thương còn có suy nghĩ rằng người bên đạo không được thờ cúng ông bà, tổ tiên, không được làm ma chay, cúng giỗ. Ông bà sợ sau này con cháu mình khổ và bị chịu tai tiếng là bất hiếu, không lo được cho bố mẹ.

Thương và bạn trai có những giai đoạn không liên lạc với nhau vì sự cấm cản gay gắt của gia đình. Cả hai cùng tìm cách giải thích cho bố mẹ hiểu về đạo công giáo là như thế nào. Người theo đạo hoàn toàn bình thường, họ vẫn thờ cúng và làm giỗ như người bên lương, sẽ không có gì vất vả nếu hai người đến với nhau vì tình yêu.

Theo thời gian, thấy Thuận yêu thương con gái mình thật lòng, tinh tế, biết quan tâm, hiếu thảo nên bố mẹ Thương cũng dần chấp thuận tình yêu của hai con.

Thích nghi với cuộc sống mới

Điều khiến Thương lo lắng khi lấy chồng bên đạo chính là việc cô chưa thể bắt nhịp được với cuộc sống cũng như các nề nếp ở một gia đình có đạo. Nhưng cô nghĩ bất kể ai về làm dâu ở một gia đình mới cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Vì vậy cô đã chủ động tìm hiểu, làm quen và thích nghi dần với cuộc sống mới ở nhà chồng.

Bản thân là người ngoại đạo nên Minh Thương thường được chồng đưa đến nhà thờ nghe Cha giảng và nói chuyện với mọi người. "Khi đón nhận một tôn giáo mới, người học phải thực sự mở lòng thì mới theo và học được. Lúc đầu mình chỉ học với tâm lý 'theo đúng thủ tục' nhưng khi được thầy giảng thì càng hứng thú với nhiều điều mới, học với tâm thế cởi mở, đón nhận. Mỗi khi đi nhà thờ, được nghe thánh ca tâm hồn mình lại trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn, có suy nghĩ và thoải mái hơn về người công giáo", Minh Thương chia sẻ.

Tuy mới chỉ học giáo lý được vài buổi nhưng Minh Thương đã hiểu được sự ra đời của chúa Giê-su và ý nghĩa chung của đạo công giáo, ý nghĩa của việc làm dấu... Và càng sâu sắc hơn các bài giảng về việc thủy chung vợ chồng, nghĩa vụ với gia đình- điều này được nhấn mạnh nhiều lần, trong khi hôn nhân bên lương không đề cập kỹ càng như vậy.

Lấy chồng bên đạo - Ảnh 1.

Lớp học giáo lý hôn nhân (Ảnh minh họa)

Sau khi học giáo lý, cô nhận ra rằng, giáo lý giúp cô hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, bản thân lại càng có trách nhiệm với chính mình và gia đình. Đồng thời cũng hiểu thêm về một tôn giáo mới, hiểu được cái đẹp và thấy được nhiều giá trị trong cuộc đời. Nếu đạo nào cũng hướng con người đến chân - thiện - mĩ, đến lẽ phải thì đều đáng học và rất nên tìm hiểu.

Hoài Thương cảm thấy cuộc sống ở gia đình chồng bên đạo có nhiều điều mới mẻ, cô vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nên cũng không tránh khỏi những lúc bỡ ngỡ. Tuy nhiên mọi người trong gia đình chồng rất yêu thương, bảo ban cô từng chút một, giúp cô dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống ở một gia đình công giáo.

Với Thương, điều quan trọng nhất để xây dựng gia đình hạnh phúc chính là hai người phải có sự kết nối và chia sẻ. Chính bởi vậy mà trong mọi chuyện, hai người đều chia sẻ, góp ý cho nhau để có thể cùng giúp nhau trưởng thành và tốt lên mỗi ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn