Góp phần gìn giữ điệu múa truyền thống của người Chu Ru

Trong 6 nghệ nhân của tỉnh Lâm Đồng có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian được vinh danh “Nghệ nhân Ưu tú” lần này chỉ có duy nhất bà Ma Lim (56 tuổi) ở Tà Hine, huyện Đức Trọng là nữ.

Xã Tà Hine, huyện Đức Trọng là mảnh đất khó khăn của vùng Loan (tên gọi chung Đà Loan, Tà Năng, Đa Quyn) nói riêng và huyện Đức Trọng nói chung. Nhưng người dân nơi đây luôn tự hào bởi họ "giàu" truyền thống văn hóa.

Nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Hine góp phần gìn giữ điệu múa truyền thống của người Chu Ru - Ảnh 1.

Bà Ma Lim (56 tuổi), dân tộc Chu Ru là nghệ nhân múa đẹp nhất vùng Tà Hine, Đức Trọng.

Mẹ của bà Ma Lim vốn nổi tiếng là người múa đẹp. Múa cũng chính là sở thích của Ma Lim. Cô gái nhỏ năm ấy được mẹ truyền dạy, đến 15 tuổi đã trở thành nữ múa chính trong các lễ hội.

Năm 1979, tại cánh đồng của buôn làng, sau khi gặt lúa xong, trong dòng họ và gia đình tổ chức cúng lúa mới, có cả nghi thức đâm trâu truyền thống, đó là lần đầu tiên Ma Lim được cùng mẹ Ma Tuyên, bác Ma Nghe và các cô, chị múa điệu múa mừng lúa mới.

Trong 3 dân tộc thiểu số bản địa có nguồn gốc lâu đời ở Lâm Đồng, tộc người Chu Ru có dân số ít nhất (khoảng 2% dân số toàn tỉnh). Song, trong cộng đồng người Chu Ru hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo cần được gìn giữ và phát huy.

Người Chu Ru sống chủ yếu một phần ở huyện Đức Trọng và tập trung đông nhất tại huyện Đơn Dương, tiếp giáp tỉnh với Ninh Thuận - địa phương có tỷ lệ người Chăm sinh sống khá đông và lâu đời.

Tập quán người Chu Ru quen sống tập trung trong các làng (plei), có tính bền vững cao. Một làng có nhiều dòng họ người Chu Ru hoặc cũng có làng hiện diện các dân tộc khác cùng sinh sống. Ví như làng (thôn) Diom A (xã Lạc Xuân) có hai dòng họ: Touneh và B'nahria; làng Diom B (xã Lạc Xuân) có 3 dòng họ: Đơlơng, K'bao B'nuh và Jơ Nơng Sang; làng B'kău (xã Tu Tra) có 3 dòng họ: Crugiang, B'nahria và M'hỏi. Hiện nay, trong cả 3 làng này đều có người K'Ho, người Ra Glai và người Kinh cùng cư trú.

Lễ cúng mừng lúa mới ngày ấy kéo dài 3 ngày, 2 đêm, đó cũng là thời điểm Ma Lim được thể hiện mình trong những điệu múa, được xoay, nhún lưng, bước chân trong âm vang tuyệt vời của tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống. Cũng từ lễ hội ấy, bà con trong buôn làng đã bảo rằng "Ma Lim bây giờ múa dẻo nhất buôn làng rồi". Và từ đó Ma Lim luôn là cái tên không thể thiếu trong các lễ hội ở trong và ngoài buôn làng.

Những điệu múa truyền thống của người Chu Ru khá phức tạp, cần uốn lưng nhiều. Từng là Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Hine, bà Ma Lim cũng phụ trách đội văn nghệ xã. Đây chính là cái nôi gìn giữ những điệu múa truyền thống của người Chu Ru, để rồi mỗi lễ hội, những người phụ nữ Chu Ru lại say mê vẩy tay, bước chân, nhún lưng, xoay mình… mềm dẻo, hòa quyện trong tiếng cồng chiêng.

Từ đó những người phụ nữ vốn quanh năm tất bật với cuộc mưu sinh ở mảnh đất này đã tự tin bước lên các sân khấu lớn, nhỏ trong và ngoài buôn làng.

Đã có khoảng 60 cô gái ở mảnh đất này được bà Ma Lim truyền dạy các điệu múa. Nay Lúy là học trò xuất sắc nhất trong số đó, song người Tà Hine vẫn bảo rằng "con bé sẽ còn phải học nhiều lắm mới dẻo được như Ma Lim".

Nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Hine góp phần gìn giữ điệu múa truyền thống của người Chu Ru - Ảnh 3.

Điệu múa truyền thống của người Chu Ru - Ảnh minh họa.

Chỉ cần tiếng chiêng vang lên, tay chân và cả cơ thể bà Ma Lim tự động nhún theo. Bà là một nghệ nhân múa dân gian nổi tiếng nhất vùng. Bà thuần thục rất nhiều điệu múa truyền thống trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa của người Chu Ru như Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng thần đập nước (Bơ mung), Lễ cúng thần mương nước (Rơ bông), Lễ cúng thần lúa khi gieo hạt…

Bà đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và truyền dạy những điệu múa Chu Ru truyền thống cho thế hệ trẻ ở xã Tà Hine nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành các Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" (NNND, NNƯT) cho 628 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Theo đó, tại Quyết định số 1020/QĐ-CTN, Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND cho 64 cá nhân ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian; Ngữ văn dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống.

Những "báu vật nhân văn sống" được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian có số lượng nhiều nhất. Nhiều nghệ nhân cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

547 cá nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT tại Quyết định số 1021/QĐ-CTN, ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian; Ngữ văn dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống.

Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT đợt này đông nhất, với 54 nghệ nhân ở các loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn