Hành trình sáng tạo của người theo dấu tằm tơ

25/06/2023 09:32
Bà Văn Thị Hằng giới thiệu về vẻ đẹp của lụa tơ tằm

Bà Văn Thị Hằng giới thiệu về vẻ đẹp của lụa tơ tằm

“Chúng tôi muốn thế giới biết đến lụa Việt Nam không chỉ tốt mà còn rất đẹp nhờ thiết kế đặc biệt, thể hiện thiên nhiên, nghề thủ công và văn hóa truyền thống Việt Nam”, bà Văn Thị Hằng, nhà sáng lập Desilk chia sẻ.

Theo chân các nữ cán bộ ngoại giao, nữ đại sứ và phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam, chúng tôi đã có một hành trình trải nghiệm "theo dấu tằm tơ" đầy thú vị. Trong hành trình đó, người phụ nữ Hà Nội Văn Thị Hằng (Văn Hằng) có dịp được trải lòng về hành trình tìm hiểu dòng chảy văn hóa trong lụa Việt và những sáng tạo của bà để đưa những tấm lụa Việt trở thành tác phẩm nghệ thuật, mang tầm quốc tế.

Dành tình yêu cực đoan cho lụa Việt

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã là một phần trong văn hóa của người Việt xuyên suốt nhiều thế kỷ với bà Tổ nghề được ghi nhận là Công chúa Thiều Hoa, con Hùng Vương thứ 6. Lịch sử ghi nhận nhiều sản phẩm tơ lụa Việt Nam là những mặt hàng quý hiếm được sử dụng làm cống phẩm cho triều đình cũng như để giao thương với nước ngoài có giá trị kinh tế cao.

Trải khắp Việt Nam hiện vẫn còn nhiều làng nghề tơ tằm truyền thống nổi tiếng với những người thợ tiếp tục duy trì nghề cũ của cha ông. Huyện Mỹ Đức, Hà Nội từng được mệnh danh là "thủ đô" trồng dâu, nuôi tằm của miền Bắc là nơi cô bé Văn Hằng sinh ra và lớn lên.

Trong ký ức tuổi thơ của bà luôn in đậm hình ảnh cánh đồng dâu xanh rì mênh mông, bóng dáng những người phụ nữ tảo tần với nghề hái dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa; tiếng lách cách thoi đưa và những con tằm nhả tơ, đan kén.

Từ tuổi thơ với những kỷ niệm khó quên với nương dâu, nong tằm, cuốn tơ, dệt cửi... Lớn lên, có những trải nghiệm lụa riêng với tư cách người dùng, chính sự đằm thắm, nét duyên riêng của lụa Việt đã khiến bà quyết tâm gây dựng DeSilk, đem những sản phẩm lụa Việt tốt nhất giới thiệu cho khách hàng trong và ngoài nước, lan tỏa giá trị, niềm tự hào lụa Việt đến tất cả mọi người.

Bà Văn Hằng chia sẻ: DeSilk mang thông điệp "Là Lụa", đơn giản bởi chúng tôi muốn thương hiệu không phải là sở hữu của một cá nhân nào cả. Đó là sự kết tinh của một chuỗi, từ người trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đến những đến người thiết kế, in ấn, gia công, kiểm định, phân phối… Mỗi người, mỗi vai trò nhưng đều không thể thiếu. Tựu chung lại, họ đều mang trong mình một tình yêu tha thiết với lụa, ngày đêm miệt mài lao động, cống hiến vào sự phát triển chung của ngành lụa Việt Nam.

Tự nhận mình là người yêu lụa đến cực đoan, nên bà chỉ sử dụng lụa tơ tằm cao cấp 100% tự nhiên, nói không với lụa pha, lụa thứ cấp. Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn bà đã khăn gói, nằm vùng tại thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc, Lâm Đồng, tìm đối tác in ấn uy tín tại TP. Hồ Chí Minh và xưởng may ở Hà Nội để cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo nhất.

Chuyện của người theo dấu tằm tơ  - Ảnh 2.

Vải lụa giao thoa giữa nét truyền thống của phương Đông và vẻ hiện đại của phương Tây

Truyền thống và công nghệ

Những tác phẩm lụa của DeSilk vẫn là chất liệu sợi tơ tằm mềm mại và mát lạnh, nhưng mỗi tấm lại có một thiết kế riêng, độc đáo với hiệu ứng chuyển sắc 3D đẹp mắt. Đâu đó trong những tấm lụa còn mang những nét nghệ thuật truyền thống của các làng nghệ nổi tiếng như dát vàng, khảm trai…

Giải thích sự pha trộn, sáng tạo đầy ngẫu hứng này, bà Văn Hằng cho biết: Chúng tôi muốn quảng bá văn hóa lụa của người Việt và mang đến một luồng gió mới bằng cách pha trộn nghề thủ công với công nghệ hiện đại. Trong các sản phẩm của lụa là sự pha trộn giữa dệt truyền thống và in kỹ thuật số hiện đại để tạo ra những tuyệt tác làm nổi bật lên cái hồn của người thợ dệt và những sắc thái, màu sắc mà công nghệ in kỹ thuật số mang lại. Đó là lý do dù các họa tiết trên vải lụa được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thủ công truyền thống và văn hóa Việt Nam giàu bản sắc dưới cái nhìn, sự giải mã mang phong cách thiết kế hiện đại phương Tây.

Nghệ thuật truyền thống như dát vàng, khảm trai được đưa vào lụa

Người thổi hồn vào các thiết kế đó chính là Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm. Ông là người Thụy Sĩ gốc Việt từng theo học thiết kế tại Paris (Pháp) và từng cộng tác với nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới. Như nhiều người Việt xa xứ, ông muốn tìm về và cống hiến cho quê hương. Ông là người đã sáng tạo ra những thiết kế đẹp mắt, họa tiết đặc trưng Việt Nam không thể lẫn vào đâu.

"Chúng tôi mong muốn tái định nghĩa thương hiệu cao cấp của người Việt, để thế giới biết được rằng, người Việt đủ khả năng và có thể làm nên các thương hiệu cao cấp, mang tầm quốc tế", bà Văn Hằng chia sẻ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.