Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số

23/10/2023 17:01
Theo quy định, phụ nữ người DTTS thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con - Ảnh minh họa

Theo quy định, phụ nữ người DTTS thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con - Ảnh minh họa

Phụ nữ thuộc hộ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Chính sách này đã tạo động lực trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách dân số, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo quy định, phụ nữ người DTTS thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con.

Phụ nữ DTTS từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, chủ động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và nâng cao trình độ mọi mặt. Tuy vậy, đời sống của một bộ phận phụ nữ DTTS nghèo ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập, nhất là cơ hội việc làm, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khoẻ…

Hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh Tra (Tổng Cục Dân số, Bộ Y tế)

Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh Tra (Tổng Cục Dân số, Bộ Y tế), cho biết, các cơ quan, tổ chức đã kịp thời thực hiện các thủ tục để chuyển kinh phí hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, cũng đặt ra yêu cầu triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số, đề xuất xây dựng chỉ số, chỉ báo đánh giá sự hài lòng của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Từ tháng 10/2021 đến 30/9/2022 triển khai chính sách tại 43 tỉnh, thành phố và 270 huyện, 1.997 xã cho thấy, tổng số đối tượng được hỗ trợ là 6.415 người, với kinh phí là 12 tỷ 830 triệu đồng, có 297 người đã nhận tiền nhưng vi phạm chính sách do sinh thêm con không đúng chính sách dân số. Có 5 tỉnh chưa đảm bảo được kinh phí địa phương chi trả cho đối tượng; có 8 tỉnh, thành phố không có đối tượng hỗ trợ.

Hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số - Ảnh 2.

Chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc

Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh Tra Phạm Minh Sơn cho rằng, chính sách đã tạo động lực trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách dân số, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khi được tuyên truyền và nhận hỗ trợ, nhận thức của người dân về công tác dân số ngày càng nâng cao, giúp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, sinh đủ 2 con để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn.

Chính sách đã hỗ trợ một phần kinh tế nhiều hộ gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc. Chính sách không chỉ tác động tích cực đến nhận thức người dân mà còn tạo thuận lợi cho đội ngũ làm công tác dân số trong công tác truyền thông vận động người dân thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và tham gia thực hiện chính sách chưa được thường xuyên. Đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ cư trú tại một số địa phương với địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, trọng nam khinh nữ. Đồng bào DTTS nhiều nơi không biết tiếng phổ thông nên công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách, pháp luật về dân số còn gặp nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Mức hỗ trợ thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu chính sách. Nguồn kinh phí chi trả cho đối tượng của một số tỉnh thành phố để thực hiện chính sách hiện nay còn eo hẹp. Có tỉnh chưa tự cân đối bằng nguồn ngân sách địa phương để chi trả cho đối tượng dẫn đến việc thực hiện chính sách chưa kịp thời hoặc chưa đảm bảo được kinh phí chi trả cho đối tượng. Một số cơ quan thực hiện chế độ báo cáo định kỳ còn chậm; số liệu còn thiếu và phải bổ sung.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ DTTS còn muốn sinh con nên đã từ chối hoặc không muốn ký cam kết. Tỷ lệ hộ nghèo thường xuyên thay đổi tại các xã. Đối tượng biến động do đi làm ăn xa. Việc xác định đối tượng không kịp thời nên chi trả chính sách bị chậm trễ hoặc không được nhận hỗ trợ,…

Theo tiến sĩ Phạm Minh Sơn, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai chính sách để sửa đổi, bổ sung mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ, chăm sóc tốt hơn sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và thực hiện tốt chính sách dân số. Đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước; bố trí kinh phí các hoạt động cho các đơn vị thực hiện theo nhiệm vụ đã được quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ từng dân tộc và đặc thù vùng miền nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ trong việc chăm sóc sức khỏe, thực hiện đúng chính sách dân số.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, lồng ghép để thực hiện có hiệu quả chính sách này với các chính sách có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chi trả cho đối tượng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn