Hoài niệm ngày khai giảng đầu tiên trong đời

05/09/2023 07:20
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có lẽ ai cũng thế, khi bước vào tuổi bóng xế, ắt hẳn cũng dành riêng cho mình những hoài ức của một thời, để hình ảnh ngày đầu tới lớp cứ mãi quyện tròn theo những thước phim nhung nhớ.

"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học" (Tôi đi học). Những dòng tản văn nổi tiếng này của cố nhà văn Thanh Tịnh đã làm sống lại trong tôi ngày tựu trường đầu tiên với bao háo hức và ngập tràn hạnh phúc.

Tôi cũng vậy, hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những kỷ niệm ngày đầu vào lớp vỡ lòng vẫn tươi mới trong ký ức. Đó là bước ngoặt của cuộc đời.

Trước mấy ngày đi học, mẹ dẫn tôi đi sắm sửa. Lòng tôi bao háo hức và lâng lâng. Mẹ con tôi đến hàng bán la ghim của bà Hồng ở phố Trần Thành Ngọ (Kiến An) mua đồ dùng học tập. Gọi thế cho oai chứ ngày ấy đồ dùng học tập nghèo nàn lắm.

Mẹ tôi mua cho chiếc bút mực quản bằng nhựa và hai chiếc ngòi bút "lá tre" để lúc hỏng thay đổi, chiếc bút chì, mấy quyển vở ô ly giấy hẩm, mấy tờ giấy xanh đỏ cùng chiếc kéo làm thủ công, một chiếc lọ nhựa đựng mực và gói mực tím có những hạt óng ánh rất đẹp.

Hoài niệm ngày khai trường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Rồi mẹ con tôi đi mua sách giáo khoa vỡ lòng. Ôm những thứ quý giá ấy, tôi nhảy chân sáo về nhà, quên cả mẹ đang đi sau. Biết tôi sắp đi học, mẹ đã xin đâu được tờ xi măng lặng lẽ bọc sách vở cho tôi. Mẹ chỉ bảo tôi cặn kẽ để những năm sau tự làm.

Chưa biết đọc, tôi vẫn giở sách ra ngắm nghía rồi cho các thứ vào chiếc túi vải mấy hôm trước mẹ thức đêm cặm cụi khâu, đeo vào vai với cảm xúc ngất ngây vì thấy mình đã lớn. Tôi hăng hái đi pha mực. Mẹ mua cho tôi chiếc cặp ba lá để cặp cho tóc không che mắt. Tôi hớn hở nhận chiếc cặp từ tay bà bán hàng rồi vén tóc cặp thử.

Hôm sau, tôi dậy rất sớm xem lại túi xách lần nữa và vui sướng diện bộ quần áo mới. Chiếc áo bà ba và quần chân què may bằng vải diềm bâu rộng thùng thình (để mặc cho năm sau) là món quà quý giá bố tôi từ chiến trường khu IV về mua tặng.

Trên đường dẫn tôi đến lớp, mẹ mua cho 2 hào xôi đỗ xanh. Xoa đầu tôi, mẹ bảo: "Con ăn đi! Cố gắng học cho giỏi làm gương cho các em nhé!". Khi trưởng thành, tôi mới hiểu bao nhiêu nhắn nhủ, hy vọng của mẹ gửi gắm trong đó.

Đến lớp, thầy dạy chúng tôi đã đứng tuổi, ân cần dắt tay từng trò vào lớp cùng câu hỏi dịu dàng: "Con tên gì?". Thầy giới thiệu tên mình và dành mươi phút dặn dò chúng tôi phải ngoan ngoãn, học giỏi, thực hiện tốt nội quy của lớp. Hồi hộp nhất khi thầy rút quyển sách giáo khoa lớp 1 ra và trang nghiêm đọc bài học đầu tiên: Ngày khai trường.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng đọc trầm ấm của thầy và thuộc nằm lòng đoạn văn súc tích: "Hôm nay là ngày khai trường. Ngoài đường vui như hội. Các em học sinh từng đoàn lũ lượt tới trường. Em nào cũng vui mừng hớn hở. Các thầy giáo, cô giáo tươi cười chào đón các em vào lớp học".

Tuy chưa biết chữ, chúng tôi vẫn nhanh chóng học thuộc phần ghi nhớ: "Ngày khai giảng vui như ngày hội". Ngày ấy, trò không đi học trước nên lần đầu tiên cầm bút chì viết, đứa nào cũng ngượng nghịu, vẻ mặt căng thẳng, mắt chữ o mồm chữ a. Thầy tới chỗ các trò chỉ dẫn tư thế ngồi, cầm tay uốn nắn cách cầm bút viết. Những cử chỉ của thầy đã xua đi bao nỗi sợ hãi, lo lắng trong lũ trẻ non nớt lần đầu đến trường (có đứa sợ quá tè cả ra quần).

Tối đến, dù đã thuộc ở lớp, nhưng tôi vẫn mở sách đọc đi đọc lại câu ghi nhớ "Ngày khai giảng vui như ngày hội". Sách giáo khoa chỉ với những bài đơn giản, ngắn gọn, đều dễ nhớ, dễ thuộc, như mưa dầm thấm đất, chúng tôi thấm thía lòng quê hương đất nước, tình cảm gia đình và tình bạn bè keo sơn. Đến giờ, tôi vẫn thuộc rất nhiều những bài học súc tích mà giàu ý nghĩa giáo dục ấy. Tôi lại ước con cháu mình được học hành nhẹ nhõm như ngày ấy.

Tan học, thầy hướng dẫn chúng tôi xếp hàng ra về. Mẹ tôi đã đứng ngoài chờ, tôi ríu rít kể về thầy giáo và bài giảng đầu tiên của thầy. Về đến nhà, mẹ dẫn tôi ra bể nước rửa những vết mực trên hai bàn tay và hướng dẫn tôi cách không để mực vương ra tay, ra quần áo. Chỉ có vậy nhưng gần hết học kỳ I tôi mới làm được điều đó.

Năm tháng qua đi với bao lần khai giảng cờ trống rộn ràng, không khí nhộn nhịp, nhưng với tôi ngày tựu trường đầu tiên ấy tuy giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng. Thầy giáo dạy tôi năm đầu tới trường đã đi rất xa, song dáng hình gầy gò, gương mặt quắc thước, hiền từ luôn quan tâm và hết mực thương yêu học trò của thầy vẫn còn mãi trong ký ức tôi. Đó là hành trang nâng cánh những ước mơ cho lũ trò ngây thơ thuở xưa. Mỗi lần khai giảng đến, lòng tôi lại bùi ngùi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.