Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với tổ tiên

24/05/2023 16:11
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định ghi danh "Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ và phường Bưởi.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định ghi danh "Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ và phường Bưởi.

Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha; khẳng định bản sắc văn hóa về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vừa qua, tại di tích đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Quận ủy, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và công bố Quyết định ghi danh "Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đền Đồng Cổ xây dựng năm 1020, không lâu sau khi nhà Lý định đô tại Thăng Long. Ngôi thờ Thần Đồng Cổ - một biểu tượng quyền lực của người Việt xưa. Tại ngôi đền này, vua Lý Thái Tông đã khởi xướng tổ chức Hội thề Trung hiếu với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày hội, bách quan văn võ đến đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề trước đền thờ Thần Đồng Cổ: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt".

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với tổ tiên - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Tây Hồ

Về sau, lễ hội thề này vẫn được duy trì ở thời Trần và thời Lê. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, đã mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa. Đền Đồng Cổ cũng là một di tích có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Hội thề Đồng Cổ là hội thề mang nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc.

Ngày nay, chế độ quân chủ không còn, nhưng ý nghĩa trung - hiếu của lễ hội vẫn mang giá trị thời đại. Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha; khẳng định bản sắc văn hóa về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với tổ tiên - Ảnh 2.

Lễ hội năm nay được tổ chức vào các ngày 21 và 22/5 (tức ngày 3 và 4/4 âm lịch)

Lễ hội năm nay được tổ chức vào các ngày 21 và 22/5 (tức ngày 3 và 4/4 âm lịch) với các nghi lễ như: Rước Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ; nghi lễ rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ… đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương tái hiện lễ thề theo nghi thức truyền thống.

Phần hội đã diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc biệt là màn kịch múa sử thi về huyền tích đền Đồng Cổ và sự kiện vua Lý Thái Tông khai mở Hội thề Trung hiếu sau sự kiện Loạn Tam Vương. Chương trình nghệ thuật là sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, múa, hiệu ứng ánh sáng và các loại hình nghệ thuật dân gian: Hát xẩm, hát chèo, diễn ca, múa trống, rước rồng... với sự tham gia của nhiều NSND, NSƯT và đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, giúp người xem cảm nhận rõ nét sự linh thiêng, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội của Lễ hội đền Đồng Cổ.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với tổ tiên - Ảnh 3.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn