Hồi ức Chăm Pa giữa lòng xứ Quảng

30/05/2023 16:02
Các đền, tháp tại Thánh địa Mỹ Sơn thường được bố trí thành cụm, mỗi tháp lại mang những kiểu dáng kiến trúc khác nhau.

Các đền, tháp tại Thánh địa Mỹ Sơn thường được bố trí thành cụm, mỗi tháp lại mang những kiểu dáng kiến trúc khác nhau.

Thánh địa Mỹ Sơn vẫn luôn là mảnh đất bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm hết lời giải đáp, là chứng tích còn sót lại của một nền văn minh đã lụi tàn.

Hồi ức Chăm Pa

Từ khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ XIII, người Chăm cổ đã tiếp nhận một nền văn hóa độc đáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Từ đó, nhiều ngôi đền đài được xây dựng ở miền trung Việt Nam để thờ các vị thần Hindu và là nơi cúng tế của vương triều Chăm Pa. Trải qua những thăng trầm lịch sử và biến động vật chất, ngày nay, những ngôi đền đó chỉ còn là những phế tích được gọi tên Thánh địa Mỹ Sơn, là minh chứng cho sự tồn tại của một triều đại từng rất rực rỡ.

Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể di sản lịch sử nổi tiếng thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với quần thể kiến trúc gồm nhiều đền đài Chăm Pa vô cùng độc đáo. Khu di tích được phát hiện vào năm 1885 và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1995.

Thuở ban đầu, nơi đây là một quần thể gồm 70 công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ nằm trong một thung lũng hẹp có khí hậu khắc nghiệt. "Người ta chọn nơi đó làm thánh địa bởi càng vất vả, khổ hạnh thì mới có thể thử thách lòng tin của những người tu hành. Đây là cách người Chăm pa đã áp dụng với mọi khu đền tháp chứ không riêng Mỹ Sơn, nhưng thánh địa Mỹ Sơn là thánh địa lớn nhất" - cố TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết.

Chính bởi sự ảnh hưởng sâu sắc của Hindu giáo nên phong cách kiến trúc chủ đạo của khu thánh địa này cũng mang âm hưởng Ấn Độ.

Trong cách sắp xếp, bài trí, điểm dễ nhận thấy đây là sự bố trí thành cụm của các đền, tháp. Bố cục mỗi cụm đều có một tháp chính ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao lọc xung quanh. Tùy vào chức năng của từng tháp mà người ta sẽ quy định xem cổng tháp sẽ quay về hướng nào trong bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi tháp lại mang những kiểu dáng kiến trúc khác nhau, tượng trưng cho sự cao quý và thuần khiết của núi Tu Di - nơi được xem là chỗ ở của các vị thần Hindu tại trung tâm của vũ trụ.

Hồi ức Chăm Pa giữa lòng xứ Quảng - Ảnh 1.

Sự tinh tế trong công nghệ xây dựng các đền, tháp này đã phản ánh kỹ năng xây dựng của người Chăm

Tại tháp chính giữa được gọi là Kalan, người Chăm thường thờ Linga và Yoni (tức là sinh khí thực) hoặc 1 số đền thờ linh tượng Shiva. Đây là nét đặc của Ấn Độ giáo, gắn liền với thần thoại về thần mẹ, coi sinh thực khí là nguồn gốc của mọi sáng tạo.

Những ngôi đền, tháp tại Mỹ Sơn được xây bằng gạch nung, các cột được trang trí phù điêu bằng đá sa thạch, thể hiện các cảnh trong thần thoại Hindu. Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu được kỹ năng nung gạch và gọi tên được chất kết dính mà người Chăm cổ dùng để xây nên những khối tháp không một mạch vữa mà trường tồn hang ngàn năm giữa núi rừng khắc nghiệt.

Sự tinh tế trong công nghệ xây dựng các đền, tháp này đã phản ánh kỹ năng xây dựng của người Chăm. Những hình tượng trang trí công phu và mang tính biểu tượng trên các đền, tháp cho chúng ta thấy được nội dung và sự phát triển trong tư tưởng tôn giáo và chính trị lúc đương thời.

Kể từ khi được phát hiện đến nay, Thánh địa Mỹ Sơn vẫn luôn là mảnh đất bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm hết lời giải đáp. Thông qua kiến trúc độc đáo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao, Thánh điện Mỹ Sơn là một mẫu hình đặc biệt, thể hiện tính giao lưu văn hóa của một xã hội bản địa thích nghi với những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhất là về nghệ thuật và kiến trúc Hindu từ tiểu lục địa Ẩn Độ. Vương quốc Chăm là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của Đông Nam Á, là chứng tích còn sót lại của một nền văn minh đã lụi tàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.