Huyện Lạc Sơn là một trong những huyện được đánh giá cao về hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch Hội LHPN huyện Bùi Thị Ngợi “tiết lộ” những bí quyết riêng để phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, khởi nghiệp thành công.

Hơn 200 mô hình ở Lạc Sơn giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Huyện Lạc Sơn là một trong những huyện được đánh giá cao về hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch Hội LHPN huyện Bùi Thị Ngợi "tiết lộ" những bí quyết riêng để phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, khởi nghiệp thành công.

Huyện Lạc Sơn (tỉnh Hoà Bình) có 1 thị trấn và 23 xã, trong đó có 5 xã vùng cao và 8 xã vùng sâu, vùng xa trải trên diện tích 58,746ha. Theo thống kê dân số năm 2019, toàn huyện có khoảng 135 ngàn dân với khoảng 90% dân số là người Mường. Điều đó tạo nên những nét đặc thù riêng trong các hoạt động Hội phụ nữ để phù hợp với từng đối tượng phụ nữ trên địa bàn.

Trong đó, hoạt động hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số của Hội LHPN huyện được đánh giá cao. Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương được thành lập, giúp cuộc sống của phụ nữ vùng cao, nhóm yếu thế thay đổi.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương.

+ Triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại huyện vùng cao như Lạc Sơn, chắc hẳn các chị gặp phải không ít khó khăn, thách thức?

Triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là Đề án 939, với Hội LHPN huyện Lạc Sơn là một hoạt động vô cùng mới mẻ, có thể nói là bắt đầu từ con số 0. Chúng tôi chưa biết bắt đầu từ những con đường nào để hỗ trợ cho phụ nữ.

Nguyên nhân bởi người phụ nữ nơi đây còn có nhiều hạn chế về kiến thức, năng lực, về vốn. Đặc biệt, vấn đề xây dựng phát triển kinh tế với chị em còn rất mới, họ chưa chưa thể quen được vì trước đây, họ có  thói quen tự cung, tự cấp rồi.

Từ những bước đi đầu tiên, Hội LHPN huyện Lạc Sơn nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Chúng tôi hướng dẫn, hỗ trợ chị em từ những đồng vốn, con giống, tập huấn. Song theo tôi, một trong những quyết định để thành công trong vấn đề hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là phải tuyên truyền để chị em phụ nữ hiểu, khi chị em hiểu rồi, mình sẽ sát cánh với họ, cùng họ tiếp cận các cách làm kinh tế.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Ngợi chia sẻ cùng các chị em trong tổ hợp tác trồng ớt rừng Phú Lương

Sau khi họ tiếp cận rồi, chúng ta sẽ giới thiệu cho họ cách cần phải làm gì, đầu tư cái gì và đầu tư như thế nào. Những vấn đề này phải phụ thuộc vào thị trường, chứ chúng ta không thể làm theo cách nghĩ, cách làm của mình, mà cần tìm hiểu xem khách hàng muốn gì thì chúng ta làm. Như vậy mới thành công khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương.

+ Các mô hình được Hội LHPN huyện hỗ trợ đã đạt được kết quả cụ thể như thế nào, thưa chị?

Đây bây giờ, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ thành lập được các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết để xây dựng các sản phẩm bản địa và xây dựng các thương hiệu xây dựng, nhãn mác bao bì sản phẩm, giới thiệu sản phẩm trong huyện, trong tỉnh và ra các tỉnh bạn. Những hỗ trợ này chúng tôi đánh giá là thành công vì chúng tôi không chỉ hỗ trợ phát triển mô hình mà còn tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, nếu tính tổng thể, toàn huyện Lạc Sơn có hơn 200 mô hình. Nhưng mô hình chúng tôi lựa chọn để hỗ trợ phát triển, trước tiên là những mô hình dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương như: phá triển nghề truyền thống dệt thổ phẩm, đan khọm… Với những mô hình nghề truyền thống này, chúng tôi không phải đầu tư cũng như hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, bởi vì họ đã có sẵn.

Các mô hình phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Dạng mô hình thứ hai chúng tôi chọn để hỗ trợ là xây dựng các sản phẩm bản địa như mô hình trồng ớt rừng Phú Lương của xã Quyết thắng, mô hình chăn nuôi gà ri… Chúng tôi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và cung cấp cho các thị trường truyền thống, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bán trên sàn thương mại điện tử.

+ Được biết, Hội LHPN huyện còn có các hoạt động hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Trong những năm qua, chúng tôi cũng rất coi trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ yếu thế. Chúng tôi đã hỗ trợ nhóm phụ nữ không may bị ảnh hưởng bởi HIV. Hỗ trợ phát triển kinh tế là một trong những cách chúng tôi giúp các chị hòa nhập cộng đồng, mạnh dạn, tự tin hơn. Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau củ quả an toàn. Các chị đã tham dự cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của TƯ Hội LHPN Việt Nam và đạt giải khát vọng. Qua đó, tạo động lực cho những người yếu thế vươn lên, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong xã hội.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Cán bộ phụ nữ đồng hành cùng chị em làm kinh tế

Bên cạnh đó, có một mô hình tôi cũng rất tâm đắc, đó là mô hình phát triển kinh kế liên thế hệ. Đây là mô hình mới, chúng tôi mạnh dạn đưa vào, để tạo kênh giao lưu, chia sẻ giữa phụ nữ cao tuổi và chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh hoạt hội. Bởi, các cụ cao tuổi thì giàu kinh nghiệm, tạo điều kiện cho chúng ta tham gia xây dựng, phát triển kinh tế; còn chị em mình mình thì có kiến thức. Các thế hệ cùng chung sức sẽ góp phần phát triển kinh tế vững mạnh.

Mô hình liên thế hệ phát triển kinh tế phát huy hiệu quả

Ví dụ đơn giản để chứng minh hiệu quả của mô hình này, trong chăn nuôi như nuôi gà, nuôi lợn chẳng hạn, những người nhiều tuổi họ rất có kinh nghiệm, chia sẻ cách chăm sóc, chữa bệnh cho phụ nữ trẻ. Với mô hình liên thế hệ, các cụ ở nhà có thể trông coi, cho gà ăn, cho lợn ăn…, trở thành hậu phương, hỗ trợ chị em phụ nữ có thời gian tham gia hoạt động xã hội.

+ Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ triển khai những mô hình gì để hỗ trợ phụ nữ địa phương phát triển kinh tế hơn nữa?

Chúng tôi đang thí điểm xây dựng mô hình gạo nếp trứng khe - một giống gạo nếp bản địa đặc trưng, được trồng tại xã Miền Đồi. Mô hình được thí điểm từ năm 2021, nhưng mỗi một sản phẩm ra đời và giới thiệu với khách hàng cần thời gian từ 2 đến 3 năm để trồng thực địa và đảm bảo chất lượng đạt chuẩn. Hiện nay, các hộ đang trồng thử nghiệm và chúng tôi hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Gạo nếp trứng khe đang được trồng thí điểm tại xã Miền Đồi

Đồng thời, Hội LHPN cũng hỗ trợ 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là mật ong rừng của Mỹ Thành, ớt rừng Phú Lương, gà ri Chí Thiện. Đây cũng những kết quả đáng tự hào của chúng tôi trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại huyện.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nhóm PV
Lê Hoa
23/11/2022 15:30