Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Lời dạy của cha ông về tình đoàn kết, tương trợ

01/03/2022 20:31
Đoàn kết, tương trợ là nét đẹp trong đời sống của người Việt

Đoàn kết, tương trợ là nét đẹp trong đời sống của người Việt

Những lời khuyên về tình đoàn kết, tương trợ trong cuộc sống mà cha ông ta đúc kết qua ca dao, tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Từ bao đời nay, tinh thần đoàn kết, tương trợ luôn được xem là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhờ sự đoàn kết, tương trợ đã tạo thành sức mạnh giúp chúng ta thành công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 đang diễn ra. Điều này đã được đúc kết trong nhiều câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà nhiều ý nghĩa.

Câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ"

Có thể thấy ngựa là một loài vật nuôi chuyên làm những công việc nặng nhọc, cần một lượng thức ăn lớn để tiếp thêm năng lượng, nhưng khi có một con ngựa đau thì cả đàn cũng không thiết đến việc ăn uống, không màng đến sức khỏe của mình, mà trở nên buồn bã, lo lắng. 

Cha ông ta đã mượn hình ảnh cả tàu ngựa bỏ cỏ để nói đến sự quan tâm, thấu hiểu giữa con người với con người. Khi trong gia đình hay trong một tập thể có người gặp chuyện thì những người còn lại rất sẻ chia, tỏ ra lo lắng không yên. Câu tục ngữ đã phản ánh chân thực cách đối nhân xử thế có tình nghĩa, có trước có sau của người Việt Nam.

Câu ca dao "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

Người xưa đã mượn hình ảnh "một cây", "ba cây" để nói về sức mạnh của cá nhân và tập thể. Một cây thì không thể làm nên núi non nhưng khi có nhiều cây thì sẽ tạo nên hòn núi cao, có thể thấy số lượng thay đổi nên hiệu quả cũng cao hơn. 

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân không thể tự mình làm hết tất cả mọi việc mà rất cần sự sẻ chia, đoàn kết, hỗ trợ của tập thể để hoàn thành được việc lớn. Câu ca dao còn gợi nhắc cho chúng ta ý thức biết quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn.

Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Lời dạy của cha ông về tình đoàn kết, tương trợ - Ảnh 1.

"Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Ảnh minh họa

Câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Hình ảnh "bầu", "bí" ẩn dụ cho những người khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. "Bầu thương lấy bí cùng" là cách mà con người cùng yêu thương, giúp đỡ, tương trợ nhau trong cuộc sống dù khác gia đình, dòng tộc, quê hương… Sống ở trên đời không ai giống ai, mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị xã hội, nhưng cũng có những lúc cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia của anh em, bạn bè, người thân. 

Câu ca dao đã khuyên chúng ta phải biết thương yêu, đùm bọc, biết nhường nhịn, để giữ trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc và những điều tốt đẹp bởi không ai có thể sống tách rời, riêng lẻ. Tình yêu thương, sự sẻ chia, đoàn kết sẽ là sợi dây kết nối con người gần với nhau hơn.

Câu tục ngữ "Ngựa chạy có bầy chim bay có bạn"

Những loài vật như ngựa, chim đều sống có bầy, đàn. Ngựa chạy cùng bầy sẽ chạy được nhanh hơn, chim khi bay có bạn sẽ bay được xa hơn. Không những thế, dọc đường, chúng còn có thể hỗ trợ, bảo vệ cho nhau, tránh bị kẻ thù tấn công. Câu tục ngữ hàm ý chỉ con người sống không thể tách riêng biệt mà cần phải hòa mình vào tập thể, và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Chính sự đoàn kết, hỗ trợ sẽ tạo nên sức mạnh chiến thắng hiểm nguy và sự cô đơn, sẽ giúp mọi việc được thành công, thuận lợi hơn.

Cho đến tận bây giờ, những lời khuyên về tình đoàn kết, tương trợ trong cuộc sống mà ca dao, tục ngữ đúc kết lại vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người hãy luôn mở rộng lòng mình, biết yêu thương, sẻ chia, đoàn kết với mọi người để cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.