Đó là suy nghĩ và trăn trở của người phụ nữ dân tộc Tày - Lý Thị Chiên. Chị đã có gần 20 năm theo đuổi công việc bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa vùng miền gắn với hoạt động du lịch cộng đồng.

Hủ tục cần xóa bỏ nhưng phong tục tập quán thì phải giữ lại

Đó là suy nghĩ và trăn trở của người phụ nữ dân tộc Tày - Lý Thị Chiên. Chị đã có gần 20 năm theo đuổi công việc bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa vùng miền gắn với hoạt động du lịch cộng đồng.

Khi bắt đầu tham gia lĩnh vực văn hóa và du lịch cộng đồng, nhiều người bảo chị rằng "một phụ nữ nhỏ bé thế này thì lấy đâu ra sức mà làm". Chị Lý Thị Chiên (sinh năm 1979) đã chứng minh bản thân không chỉ làm tốt mà còn là một trong những người tâm huyết, dấn thân vào lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc bản địa gắn với du lịch - sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 1.

Chị Lý Thị Chiên- người dân tộc Tày sinh ra ở bản Búc, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Vươn lên từ cuộc sống khó khăn ở vùng miền núi Đồng Thịnh, chị đã tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Văn hóa (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Trước khi làm lĩnh vực du lịch cộng đồng, chị Chiên đã khoác ba lô đi vào vùng sâu, vùng xa suốt 3 năm để nghiên cứu văn hóa vùng miền, xem có gì khác biệt. Để từ đó, tìm được hướng đi với mô hình du lịch kết hợp văn hóa bản địa.

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 2.

Chị Chiên mong muốn phục hồi việc đan nón của người Tày trên quê hương mình.

Khi bắt tay vào việc, chị mới cảm nhận được những khó khăn, thách thức. Nhưng chị trộm nghĩ: Mình là người phụ nữ dân tộc thiểu số, khát vọng của bản thân chỉ đơn giản là bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, nếu mình không làm được thì ai làm?

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 3.

Thế hệ trẻ khi tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống sẽ thêm yêu và muốn gắn bó...

Trong 4 năm làm quản lý của Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, chị vừa truyền dạy, lưu giữ giá trị văn hóa phi vật thể, các bài hát dân ca, tiếp cận các nghệ nhân để họ trao truyền văn hóa bản địa đến với thế hệ đi sau. Qua các chương trình nghệ thuật di sản này đã thu hút rất đông lượng khách du lịch đến với vùng đất Thái Nguyên.

Nhưng cũng từ đó, chị lại trăn trở suy nghĩ, mong muốn cộng đồng dân tộc Tày ở Thái Nguyên có công ăn việc làm. "Chính cộng đồng là những người bảo vệ văn hoá dân tộc. Niềm hạnh phúc nhất khi làm nghề này là lúc đưa khách du lịch đến với bản làng nào thì bản làng ấy sẽ có nguồn thu. Đó cũng là động lực để tôi bước tiếp", chị Chiên chia sẻ. Chính vì vậy, chị Chiên đã trở thành người kết nối giữa khách du lịch và các hộ gia đình.

Chị Chiên cho biết: "Thời đại công nghệ số, người người đều đi du lịch 4.0, nhưng đối với những người dân tộc thiểu số, họ không có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thì việc kết nối chính là cách làm thực tế nhất. Đây cũng là điểm cộng của mô hình du lịch cộng đồng mà tôi cùng đội ngũ của mình đang thực hiện".

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 4.

Chị Chiên chia sẻ về di sản văn hóa cùng học sinh của trường THCS Chu Văn An và Phú Thịnh (thành phố Thái Nguyên)

Tôi thấy cần phục hồi có trọng điểm thông qua du lịch về các lĩnh vực văn hoá, di sản văn hóa phi vật, di sản văn hoá vật thể, con người, cộng đồng tài nguyên vốn có ở địa phương để trở thành những sản phẩm du lịch làn toả giúp phát triển bền vững. Đồng thời, khôi phục lại nét đẹp và bản sắc văn hoá bản địa. Khi khai thác giá trị về văn hoá, phải hiểu về chiều sâu, bề rộng. Một số di sản của tộc người Tày, người Mông, những loại hình di sản của tộc người Tày, người Dao, vẻ đẹp của người phụ nữ nên đưa vào sách nhiều hơn nữa để mọi người thêm trân trọng giá trị văn hoá" - chị Chiên bày tỏ.

Từng có khách du lịch đến quê hương chị đặt câu hỏi: Quê hương em đi du lịch thì có gì? Đôi lúc khiến chị chạnh lòng, bởi như vậy chứng tỏ khách du lịch vẫn chưa biết đến đặc thù văn hóa của quê hương mình.

"Lúc đó tôi trả lời là 'chợ phiên', nhưng trong lòng không khỏi suy tư. Bởi chợ phiên vẫn có, nhưng màu sắc văn hoá không còn nhiều. Không có hình ảnh con ngựa thồ hàng, theo sau là những trang phục dân tộc đa sắc màu. Mà thay vào đó là xe máy hối hả, cuộc sống pha trộn làm mất đi dáng vẻ của chợ phiên. Các dân tộc không còn mặc trang phục sặc sỡ đi xuống núi tham dự phiên chợ, phong tục tập quán dần dần bị mai một" - chị Chiên bộc bạch.

Theo chị, nếu ai cũng hỏi "lương được bao nhiêu?" mới làm thì có lẽ rất khó để chạm tới du lịch và bảo tồn di sản. Chị mong muốn bằng nỗ lực của chính mình, trở thành người truyền cảm hứng để nhiều người tin tưởng và làm theo. 

Khi khai thác giá trị về văn hoá, phải hiểu về chiều sâu, bề rộng, tránh trường hợp làm du lịch làm chóng vánh, chộp giật, chạy theo lợi ích trước mắt rồi cuốn theo cả những giá trị văn hoá. Chị Chiên cứ làm âm thầm, không biết rồi kết quả đạt được mức độ nào nhưng chị mong được cộng đồng thấu hiểu và đón nhận.

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 7.

Những hoạt động trải nghiệm về chủ đề văn hóa của chị Chiên đã kết nối hiệu quả giữa di sản văn hóa và học đường sinh động và trực quan

"Văn hoá phải được tiếp cận từ phong tục tập quán. Nhiều người hiện nay có cuộc sống đầy đủ, vô tình quên đi phong tục tập quán từ ngàn xưa để lại. Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại", chị Chiên chia sẻ.

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 8.

Đến nay, chị Chiên đã phát triển tới mô hình "Du lịch cộng đồng homestay" này tới Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và được đón nhận

Hiện nay, chị Chiên cùng các chị em là dân tộc thiểu số đang mở rộng và phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng Noọng Homestay tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, với mong muốn đây là "điểm kết nối" khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng xa hơn, nơi văn hóa cộng đồng vẫn tồn tại và lưu giữ.

Hủ tục thì bỏ đi nhưng phong tục tập quán thì cần giữ lại - Ảnh 9.

Những món ăn độc đáo của người dân tộc Tày mà chị Chiên luôn dành giới thiệu tới du khách.

Quá trình công tác của chị Lý Thị Chiên:

- Từ năm 2003 đến 2015: Làm quản lý và là Phó Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa Thái Nguyên.

- Từ cuối 2017 đến 2021: Làm Phó giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải

- Từ năm 2021 đến nay, chị Chiên thường xuyên tham gia giảng dạy, kết nối về lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch cộng đồng tại các địa phương như Lạng Sơn, Tuyên Quang…


An Khê - Ảnh: NVCC
16/03/2023 09:00