Hủ tục lạc hậu ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số

04/06/2023 10:30
Một lễ hội của người dân tộc Xơ Đăng, Quảng Nam

Một lễ hội của người dân tộc Xơ Đăng, Quảng Nam

Hiện nay, trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn còn những hủ tục lạc hậu như tục ăn trâu, tục kiêng cữ nặng nề, chôn cất lạc hậu,…

Còn nhớ, sáng sớm ngày 2/9/2012, sản phụ Hồ Thị Yên ở làng Tắc Giang chuyển dạ và sinh tại nhà riêng được bé trai nặng 2,5 kg. Sau khi sinh, chị Yên bị băng huyết và tử vong tại nhà. Vì hủ tục của làng, dân làng quyết định chôn sống cháu bé với mẹ mình.

Nhận được tin, chị Hồ Thị Hiếu, Trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang đã băng rừng để kịp đến nơi cứu em bé. Đó chỉ là một trong những hủ tục gây nhức nhối của đồng bào thiểu số tại xã Trà Cang.

Trà Cang (Quảng Nam): Vẫn còn hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Lễ hội cúng máng nước của người Xơ Đăng

Xã Trà Cang nằm phía Tây của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tổng số hộ dân cư trên địa bàn là 1.059 hộ, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 1.028 hộ, chiếm tỷ lệ 97,53%. Dân số theo hồ sơ quản lý đến cuối năm 2022 là khoảng 4.626 người.

Có thể kể đến, hủ tục ăn trâu của người Xơ Đăng, được tổ chức lễ ăn trâu để cầu mùa màng may mắn, bội thu, mong muốn con cái, gia đình mạnh khỏe, nhưng với những gia đình không có điều kiện thì mỗi lần ăn trâu (ít nhất 1 con) cũng khiến họ phải đi vay nợ.

Trà Cang (Quảng Nam): Vẫn còn hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Tại xã Trà Cang, dân tộc Xơ Đăng chiếm trên 98% còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác.

Xã Trà Cang có 5 thôn nhưng địa bàn rộng, địa hình chia cắt mạnh bởi sông, suối, đồi núi cao nên dân cư phân tán. Giao thông và thông tin liên lạc còn nhiều hạn chế. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dân cư cũng như việc tuyên truyền đưa chủ trương chính sách đến với người dân. Cùng với đó là khó thực hiện các đầu tư hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu đời sống người dân. Đặc biệt, các hủ tục vẫn còn khá phổ biến, ăn sâu trong đời sống tư tưởng, sinh hoạt của không ít người dân ở các làng, gây khó khăn trong việc vận động xóa bỏ các hủ tục đó, nhất là tại những khu vực xa trung tâm xã.

"Việc tổ chức tuyên truyền vận động bỏ các hủ tục là điều cần thiết và cấp bách bởi nó làm ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, đời sống", đại diện lãnh đạo xã nhấn mạnh.

Giải thích về các hủ tục, đại diện lãnh đạo xã cho biết, theo quan điểm của bà con dân tộc thiểu số, "chết xấu" là chết ngoài đường, chết nước, chết cháy, chết do sét đánh, chết do tự tử - thắt cổ, ăn lá ngón…, thì tục kiêng cữ càng nặng nề. Phần đông người dân không dám đến hỗ trợ cho những gia đình xảy ra việc.

Còn một tục nữa là chôn cất theo tục chia của cho người chết, đó là khi trong nhà có người mất thì người nhà sẽ mang những đồ đạc có giá trị trong nhà để chôn cùng. Tùy theo vai vế của người chết và kinh tế của mỗi hộ thì chia theo nhiều mức độ, có thể chỉ và vật dụng đơn giản đến tài sản quý giá như chiêng, ché cổ vô cùng phức tạp và gây nhiều hệ lụy.

Ngoài ra, phải sắm lễ vật cúng làng, đưa cho gia đình khác để "cúng đuổi ma xấu". Những người tham gia phải ngủ ngoài làng, không được về gia đình trong một khoảng thời gian nhất định. Ngôi nhà xảy ra "chết xấu" (thắt cổ, giết người trong nhà…) phải phá dỡ, đốt bỏ toàn bộ. Làng xảy ra "chết xấu", có thể phải chuyển đi nơi khác theo ý của Già làng.

Một số tục lệ đã ăn sâu vào trong tiềm thức, như một phần sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, dù biết chúng gây ra những hậu quả nặng nề đến đời sống kinh tế, sức khỏe, đến lao động, học tập và phát triển của địa phương, đa số người dân vẫn khó lòng mà thay đổi.

Vấn đề "nhức nhối" nhất hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên của địa phương vẫn chưa quyết tâm thay đổi, làm gương cho người dân, mà vẫn giữ tư tưởng "phép vua thua lệ làng". Đại diện xã cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân làm chậm chuyển biến tình hình, chậm xóa bỏ các hủ tục.

Thời gian vừa qua, các cấp chính quyền xã, các tổ chức xã hội đã có những biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu tại địa phương. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều kênh, nhiều thời điểm, nhiều lực lượng tham gia. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ bằng những biện pháp phù hợp về tư tưởng, kinh tế. Trực tiếp tham gia vào việc khắc phục hậu quả. Lấy những điển hình tiêu biểu mạnh dạn đấu tranh với hủ tục để tuyên truyền, nhân rộng; lấy hậu quả của những kiêng cữ lạc hậu làm bài học để vận động người dân loại bỏ dần các hủ tục ra khỏi đời sống xã hội.

Trà Cang (Quảng Nam): Vẫn còn hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Huy động các bên vào công tác tuyên truyền

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo xã, nhìn vào thực tế thì có lẽ hành trình xóa bỏ các hủ tục ở xã Trà Cang sẽ còn dài và còn nhiều khó khăn. Vì những gì thuộc về "ý thức hệ" không thể nhanh chóng thay đổi, nếu chỉ vì muốn thành quả nhanh chóng mà trở nên nóng vội còn có thể khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.

Nếu không tuyên truyền vận động khôn khéo, phù hợp sẽ ảnh hưởng đến niềm tin, tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào. Vì vậy, các bên liên quan vẫn đang kiên trì với chiến lược "mưa dầm thấm lâu", gắn với những việc làm trực tiếp, cụ thể, hiệu quả rõ nét để gia tăng nhận thức của người dân, vì một tương lai loại bỏ hủ tục ra khỏi đời sống xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.