Islam giáo: Hiếu kính cha mẹ là điểm quan trọng hàng đầu trong ứng xử gia đình

29/05/2023 19:00

Theo giáo lý Islam, cho dù cha mẹ là người ngoại đạo cũng phải hiếu kính, khuyến khích chăm sóc cha mẹ khi còn sống hơn là sự thờ kính khi cha mẹ đã khuất.

Trên phương diện khái quát, những hành động, hành vi ứng xử của tín đồ Islam giáo đối với người thân, người thân cận là quan trọng, và họ không quan trọng là người nào đó giàu hay nghèo, cao sang danh giá hay chưa cao sang danh giá. Nghĩa là trong gia đình hay cộng đồng Islam giáo không phân chia đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng. Điều này thể hiện vai trò rất lớn đối với việc duy trì gia đình bền vững và hạnh phúc.

* Islam giáo là tôn giáo lớn nhất (khoảng 1,6 tỷ người), có mặt ở hầu khắp các châu lục trên thế giới hiện nay. So với Do Thái giáo, Bà La Môn giáo, Phật giáo và Công giáo, Islam giáo có tuổi đời muộn hơn rất nhiều. Vì vậy, thần học Islam giáo cũng như văn hóa Islam giáo chịu ảnh hưởng rất nhiều từ một số tôn giáo ra đời trước đó. Đồng thời, văn hóa Islam giáo chịu ảnh hưởng khá sâu sắc bởi nền văn hóa những quốc gia và châu lục mà nó vắt ngang, từ đó sản sinh ra văn hóa Islam giáo đa dạng với nhiều nét đặc thù mà không một tôn giáo nào có được. Trong lịch sử cũng như hiện tại, Islam giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của những quốc gia có người dân gia nhập tôn giáo này.

Điểm đáng chú ý là, việc sở hữu tài sản thì Islam giáo không đề cao và khuyên tín đồ nên hạ thấp mình. Đối với những người có đức hạnh thì giáo lý Islam giáo khuyên răn tín đồ ngưỡng mộ trên tinh thần hướng thượng. Tín đồ thường được khuyên rằng, hãy nên so sánh mình với những người kém may mắn hơn mình để có thể nhận thức được về sự bình đẳng.

Cũng như nhiều tôn giáo khác, Islam giáo có những quy định hay lời khuyên rất cụ thể cho tín đồ trong việc ứng xử gia đình.

Trước hết đó là đề cao tinh thần hiếu kính: "Hãy ăn ở tử tế với cha mẹ. Nếu một trong hai người (cha mẹ) hoặc cả hai người (cha mẹ) sống với ngươi đến tuổi già, chớ nói tiếng vô lễ với hai người (cha mẹ), và chớ xua đuổi hai người, và phải ăn nói với hai người lời lẽ tôn kính". Như thế, hiếu kính với cha mẹ là điểm quan trọng hàng đầu trong ứng xử gia đình, bởi nếu tín đồ nào không hiếu kính cha mẹ là trái với lời dạy của Thượng đế, và bất hiếu được quy định là trọng tội.

Islam giáo: Hiếu kính cha mẹ là điểm quan trọng hàng đầu trong ứng xử gia đình - Ảnh 2.

Với các tín đồ Islam bất hiếu được quy định là trọng tội.

Trên phương diện tôn giáo, kính thờ Thượng đế cũng chính là thể hiện lòng yêu thương, sự hiếu thảo, tránh làm tổn thương cha mẹ. Cho dù cha mẹ là người ngoại đạo cũng phải hiếu kính. Nói cách khác, trong mối quan hệ gia đình, hiếu kính cha mẹ có vị trí hàng đầu, người chồng không được coi trọng vợ con hơn cha mẹ. Sự hiếu kính cha mẹ còn là thường xuyên mua quà tặng cha mẹ, đặc biệt là giáo lý Islam giáo khuyến khích chăm sóc cha mẹ khi còn sống hơn là sự thờ kính khi cha mẹ đã khuất.

Vai trò của Islam giáo trong việc duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc không chỉ là sự bình đẳng mà còn là đề cao lòng hiếu kính đối với cha mẹ hơn các mối quan hệ khác. Bên cạnh đó, Islam giáo cũng như nhiều tôn giáo khác cấm ngoại tình, đánh bạc, cho vay nặng lãi,… đồng thời đề cao sự công bằng với mọi người, đức tính khiêm tốn trong ứng xử,…

Giá trị nhận thức của Islam giáo tạo ra cho người tín đồ nhận thức về bổn phận, nhận thức về ý thức kỷ luật và nhận thức về sự vâng phục Thượng đế tuyệt đối. Những điều này tạo ra những cộng đồng tôn giáo có tính chất cố kết bền chặt và định hình trong họ những giá trị về đạo đức và văn hóa vững chắc.

Đấng tối cao đó chính là Thượng đế (Allah). Allah là một hình tượng và là một giá trị tuyệt đối với cả tín đồ Islam. Người Islam phải tuân thủ những gì Allah dạy dỗ, hay nói cách khác Islam cung cấp cho tín đồ một khung nhận thức gồm những điều cơ bản sau:

1. Phải tin vào Thượng đế, với một số liên quan cụ thể sau: Allah còn gọi là Thượng đế, khởi nguồn của vạn vật và mọi sự chẳng hạn sáng tạo ra trời đất và con người (giống như Thiên Chúa của đạo Công giáo và Tin lành).

Thượng đế là một thực thể có giá trị tuyệt đối, con người không thể quan sát, bởi vậy người Islam không bao giờ thờ hình tượng, lại càng không họa lại chân dung của Thượng đế như Công giáo.

Mọi người đều bình đẳng trước Thượng đế Allah nhưng tài năng và số phận tạo ra sự khác biệt giữa những con người.

Số phận con người do Thượng đế định đoạt.

Người Islam phải vâng phục Thượng đế và bảo vệ lợi ích của đạo Islam.

2. Tin vào thiên thần. Ngoài Thiên thần Gabriael truyền tin từ Thượng đế cho thiên sứ cuối cùng của Allah là Muhammad còn có những thiên thần khác với các chức năng cụ thể khác nhau.

3. Tin vào định mệnh: Số phận của con người do Thượng đế định đoạt.

4. Tin vào các thiên sứ khác: Ngoài Mohammad như Giêsu, Adam, Moise… Thiên sứ là những vị do Allah tạo ra và nhận các thông điệp từ thiên thần.

5. Người Islam phải tin vào Thiên kinh Qur’an (Coran).

6. Tin vào ngày phán xét cuối cùng (tận thế) ở thời điểm đó Allah sẽ quyết định thưởng - phạt dựa trên hành vi đời sống của mỗi người tạo ra.

Để làm được những điều trên tín đồ Islam giáo phải dựa vào những chỉ dẫn sau từ Thượng đế qua Thiên kinh Qur’an được ghi lại bởi Thiên sứ Muhammad. Kinh Qur’an có 30 phần, 114 chương (Xurat), 6.236 đoạn. Về mặt nội dung rất phong phú gồm lịch sử, giáo lý, quy phạm đạo đức… Kinh Qur’an là nền tảng niềm tin, thực hành tôn giáo đồng thời cũng là cơ sở của đạo đức, lối sống, văn hóa, luật pháp cho cộng đồng Islam giáo trên toàn thế giới.

Islam giáo còn quy định đặc biệt ở nhận thức về nghĩa vụ của người tín đồ trong đời sống hằng ngày, gồm 5 việc phải theo đuổi và vâng phục trong suốt cuộc đời, dẫn đến sự tuân thủ rất cao tạo ra kỷ luật và nếp sống của người Islam.

1. Tuyên xưng niềm tin: Để khẳng định và thẩm thấu về sự trung thành với niềm tin tôn giáo của tín đồ Islam, ở đó có hai câu kinh quan trọng: "Tôi xin chứng thực không có thần thánh nào, duy chỉ có Allah để tôn thờ và tôi chứng thức Muhammad là thiên sứ của ngài" .

2. Cầu nguyện: Người trưởng thành phải thực hành 5 lần trong ngày sáng, trưa, giữa chiều, chiều lúc mặt trời lặn và buổi tối. Riêng thứ 6 hằng tuần là buổi lễ quan trọng vì có gắn với giảng giáo lý.

3. Nhịn chay tháng Ramadan: Người trưởng thành khỏe mạnh không ốm đau, già yếu, bệnh tật phải nhịn chay vào tháng Ramadan (tháng 9 theo lịch Islam giáo). Những người mang thai, trẻ em, ốm đau, già yếu, vì lý do công việc, được phép không nhịn chay nhưng phải nhịn bù vào những ngày khác. Nhịn chay được quy định từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, họ không được ăn uống hay sinh hoạt vợ chồng. Ngoài thời gian này, mọi hoạt động lại bình thường cho đến trước khi mặt trời mọc ngày hôm sau.

Hành vi nhịn chay nhằm cho người Islam cảm thông với người nghèo, làm trong sạch thể xác và tâm hồn. Kết thúc tháng chay, có nghi lễ xả chay, khi đó tín đồ Islam giáo cầu nguyện và bố thí cho người nghèo.

4. Bố thí: Bắt buộc với mọi người ai cũng phải bố thí cho người khác bằng tiền hoặc hiện vật, theo một tỷ lệ nhất định của thu nhập.

5. Hành hương về Thánh địa Mecca: Nơi thiêng liêng ở Arab, quê hương của Muhammad, được người Islam xem là trung tâm của thế giới, là thánh địa vô cùng linh thiêng. Người hành hương về được gọi là Haji, rất được tôn trọng trong cộng đồng và được nhận nhiều ân phước của Thượng đế. Hành hương về thánh địa không bắt buộc, nhưng nó là hoài bão của tất cả tín đồ Islam giáo.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn