Ká Tuyền nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào X'tiêng và Châu Mạ

Việc mở thư viện không chỉ tạo sân chơi cho trẻ mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc.

Việc mở thư viện không chỉ tạo sân chơi cho trẻ mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc.

Mang trong mình dòng máu người X’tiêng và Châu Mạ, Ká Tuyền vẫn luôn trăn trở làm sao để những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình không bị mai một.

Ká Tuyền (được mọi người gọi thân mật là Ká) sinh năm 1993, ngụ ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Cô có cha là người X'tiêng, mẹ là người Châu Mạ. Cô gái của làng Tà Lài này được biết đến là người đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Mới đây, Ká Tuyền đã mượn tạm nhà của mẹ để làm thư viện với mong muốn cho các em nhỏ đồng bào dân tộc trên địa bàn có nơi hội tụ, giao lưu với không gian thoải mái hơn; đồng thời nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa của đồng bào. PV Báo Phụ nữ Việt Nam có trao đổi với Ká Tuyền xung quanh việc làm đầy ý nghĩa này:

+ Ká có thể cho biết ý tưởng thành lập thư viện có từ bao giờ và nó hoạt động như thế nào?

Việc thành lập thư viện cũng rất tình cờ. Thực ra trước đây, cũng có nhiều người gửi tặng sách vở cho các bé đồng bào dân tộc X'tiêng và Châu Mạ nơi Ká sinh sống nhưng do tính chất công việc nên Ká thường chuyển số sách này cho các bé luôn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thì các bé chưa biết cách giữ gìn, khiến cho sách bị nhàu rách.

Ká Tuyền và hành trình góp phần giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào - Ảnh 1.

Ká Tuyền luôn trăn trở làm sao để những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình không bị mai một

Gần đây, Ká có tham gia một số chương trình thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa một số tỉnh thì thấy các bé rất thích khi tham gia các hoạt động. Lúc này Ká nghĩ, tại sao mình lại không tổ chức các hoạt động cho các bé ngay ở nơi mình sinh ra, lớn lên. Được sự động viên, chia sẻ của nhiều người nên Ká quyết định mượn tạm nhà của mẹ ở ấp 4, xã Tà Lài để làm nơi cho các bé giao lưu, sinh hoạt.

Từ khi hoạt động đến nay, mỗi ngày đều có hơn 10 bé là trẻ em đồng bào đến đây để vui chơi. Tại đây, các bé có thể đọc sách, chơi thả diều, khám phá các nghề thủ công của dân tộc mình như nghề dệt truyền thống, đan gùi, nhuộm màu tự nhiên... và cả tiếp cận với tiếng Anh.

Do Tà Lài cũng là địa phương làm du lịch nên các bé ở các tỉnh/thành, nhất là TPHCM khi đi tour du lịch cũng có thể ghé đây để chơi, trải nghiệm. Như vậy, các bé ở Tà Lài có cơ hội giao lưu, kết nối với các bé ở thành thị nhiều hơn.

+ Được biết, mong muốn lớn nhất của Ká khi mở thư viện là góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào. Ká có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Thực tế, nhiều nghề truyền thống của đồng bào dân tộc X'tiêng và Châu Mạ đang dần bị mai một. Nguyên nhân, theo Ká là vì đầu ra của các sản phẩm truyền thống gặp khó. Bên cạnh đó, giới trẻ bây giờ lớn lên thường đi làm ở công ty, không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Sự ra đời của thư viện giúp các trẻ em có thể đọc sách, chơi thả diều, khám phá các nghề thủ công của dân tộc mình

Bản thân Ká nghe câu chuyện từ mẹ, những người lớn tuổi kể rằng hồi xưa, khi ông bà ngồi đan lát thì tụi trẻ thường đứng vây quanh để học, rất thích. Bây giờ thì không được như vậy nữa. Khi nghe những câu nói như vậy thì Ká thấy bản thân phải cố gắng nhiều hơn, sợ nghề truyền thống của đồng bào mình bị mai một. Những người biết làm thì ngày càng già đi, ít đi.

Trong thời gian qua, Ká cũng đã làm thử một số món đồ từ nghề dệt thổ cầm truyền thống như túi, nón, cà vạt… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng giới thiệu, ký gửi sản phẩm ở các nhà nghỉ, khách hàng trên địa bàn để giới thiệu đến du khách. Việc mở thư viện cũng là một cách để giới thiệu, gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào mình. Tại đây, các bé có thể học dệt, học đan lát… để giữ nghề truyền thống của đồng bào.

+ Hoạt động của thư viện hiện nay có gặp khó khăn gì không?

Do địa điểm làm thư viện là mượn tạm từ nhà của mẹ nên có phần còn chưa được tươm tất. Ká cũng mua một số đồ chơi, tạo thêm hoạt động thu hút trẻ. Thật sự, Ká muốn các bé ở nhiều nơi khác nhau trên cả nước đến cùng chơi để hiểu hơn cuộc sống của các bé ở Tà Lài.

Ká đang cố gắng để biến nơi này thành một điểm đến cho du khách. Để làm được điều này cần có nhiều người chung tay, người nấu cơm lam, người dệt vải, đan đát, nhuộm màu… và cả các trò chơi dân gian như kéo co, rồng rắn lên mây để các bé chơi với nhau.

Trẻ em ở Tà Lài có cơ hội để giao lưu, kết nối nhiều hơn với trẻ em ở thành thị thông qua các hoạt động

Hiện Ká đang làm hướng dẫn viên ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ká thấy công việc của mình cũng đang tốt hơn, ngày càng có nhiều khách du lịch đến với Vườn Quốc gia Cát Tiên hơn. Đây cũng là tín hiệu vui để Ká thực hiện những dự định, mong muốn của mình.

+ Vậy mong muốn trong thời gian tới của Ká là gì?

Thực tế, Tà Lài là một trong những địa phương giữ được bản sắc tốt nhất ở tỉnh Đồng Nai, gắn với Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong công việc nhiều năm qua, Ká luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn, giữ gìn phát huy nghề truyền thống, chia sẻ những câu chuyện về làng nghề của đồng bào với du khách.

Ká mong muốn có kinh phí để sửa sang nơi làm thư viện hiện nay được tươm tất hơn. Đồng thời, cũng mong muốn làm sao có những lớp học ngắn hạn để các bé đồng bào dân tộc có được khoảng thời gian ý nghĩa. Qua đó góp phần lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc, giáo dục cho các bé có ý thức bảo tồn nghề của đồng bào dân tộc mình.

+ Cảm ơn Ká Tuyền đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn