Kebaya, hiện thân về thời trang, di sản và niềm tự hào của Đông Nam Á, đã được Indonesia, Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan cùng đề cử vào Danh sách Di sản Phi vật thể của UNESCO.

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa

Kebaya, hiện thân về thời trang, di sản và niềm tự hào của Đông Nam Á, đã được Indonesia, Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan cùng đề cử vào Danh sách Di sản Phi vật thể của UNESCO.

Dưới ánh đèn studio, nhà thiết kế người Indonesia Stacy Stube trải mảnh vải ren màu nâu lên bàn cắt. Cô cẩn thận dùng ghim cố định vải, cố gắng không làm nó rách, sau đó kẻ đường viền bằng phấn. Stube không chỉ đơn giản là may chiếc váy bình thường mà nó là loại trang phục từng là biểu tượng của sự nổi loạn và mang trong mình những ý nghĩa lịch sử nhất định.

Keyaba có giá trị tinh thần to lớn đến mức năm quốc gia là Indonesia, Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan đã cùng đề cử chiếc áo vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO vào tháng 3 năm nay.

Kebaya là loại quần áo truyền thống được may thủ công bởi nhiều thế hệ phụ nữ, bao gồm cả bà cố của Stube. Không chỉ có ở Indonesia, keyaba còn được mặc ở các nước láng giềng như Brunei, Malaysia, Singapore và miền nam Thái Lan. 

Mỗi khu vực có cách may kebaya khác nhau, phản ánh bản sắc văn hóa và lịch sử riêng biệt. Bản thân chiếc áo cũng mang những câu chuyện và truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, với mỗi đường may tượng trưng cho một câu chuyện lịch sử.

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 1.

Các phiên bản của kebaya có thể được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á

Nguồn gốc Trung Đông của kebaya

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 2.

Kebaya có nguồn gốc lịch sử từ Trung Đông

Kebaya có nguồn gốc lịch sử từ Trung Đông. Chiếc áo được cho là đã phát triển từ qaba, một loại áo khoác có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt tên theo tiếng Ba Tư có nghĩa là "áo choàng danh dự". 

Theo các chuyên gia về lịch sử thời trang, khi người Bồ Đào Nha đến Java vào năm 1512, họ đã thấy phụ nữ trong hoàng gia và xã hội Java mặc một chiếc áo tương tự. Theo thời gian, kebaya lấy tên từ caba hoặc cabaya trong tiếng Bồ Đào Nha. 

Một điều khác cho thấy ảnh hưởng của Trung Đông với kebaya là miếng vá hình tam giác dưới cánh tay khi tay áo được vén lên. Đặc điểm này tương tự như áo được mặc ở Trung Đông.

Kebaya trở thành từ ngữ được sử dụng cho cả váy và áo của cả nam và nữ, nhưng từ thế kỷ 19 nó đặc biệt gắn liền với áo của phụ nữ ở Đông Nam Á, thường được mặc cùng với batik sarong. 

Kiểu kebaya đặc biệt này trở nên khá phổ biến đối với phụ nữ Hà Lan trong thời kỳ Đông Ấn Hà Lan, khi Indonesia nằm dưới sự cai trị của thực dân Hà Lan. Phụ nữ ở Đông Nam Á theo đạo Hồi cũng đón nhận kebaya vì nó giúp họ ăn mặc giản dị hơn nhưng vẫn trông thanh lịch và sành điệu. Theo thời gian, kebaya phát triển thành một biểu tượng của bản sắc văn hóa và trang phục nữ trong khu vực.

Vừa mang tính thẩm mỹ và tính thực tế, kebaya có nhiều kiểu dáng khác nhau trong suốt lịch sử hình thành. Chiếc áo đã trải qua nhiều lần thay đổi với những hình dáng khác nhau. Những ngày đầu có kebaya panjang, một chiếc áo dài đến đầu gối với phần trước hở. Kiểu kebaya này thường có tay áo dài và được thắt chặt bằng ghim cài. Ngày nay, các phiên bản nổi tiếng nhất của kebaya bao gồm kebaya kartini, kebaya kutabaru và kebaya nyonya.

Sự đón nhận keyaba ở Đông Nam Á

Kebaya được nhiều quốc gia Đông Nam Á đón nhận và tùy chỉnh. Mỗi khu vực đã thêm những điểm nhấn và thay đổi độc đáo cho chiếc áo này, tạo nên những kiếu cách đa dạng giữa các cộng đồng. 

Ở Indonesia, phụ nữ Bali sử dụng những chiếc khăn nhiều màu sắc để buộc kebaya, trong khi ở Java, phiên bản màu trắng với viền ren châu Âu đã trở nên phổ biến trong thời kỳ thuộc địa Hà Lan. Ở quần đảo Riau, kebaya có viền dài hơn đến đầu gối. 

Ở Brunei, kebaya được làm từ vải songket dệt bằng chỉ vàng, trong khi ở các đảo Malacca và Penang của Malaysia, phụ nữ Peranakan thường thêu các họa tiết phượng hoàng và hoa mẫu đơn để phản ánh di sản Trung Hoa của họ.

Kebaya cũng trở thành biểu tượng của niềm kiêu hãnh và sự thách thức. Trong Thế chiến thứ hai, phụ nữ Java bị đưa vào các trại tập trung của Nhật Bản từ chối mặc mọi thứ ngoài kebaya, một điều thể hiện sự phản kháng và đoàn kết dân tộc. Kebaya cũng trở thành quốc phục của Indonesia vào năm 1945 và được các hãng hàng không Garuda Airlines, Malaysia Airlines và Singapore Airlines của Indonesia sử dụng làm đồng phục cho phi hành đoàn nữ. Singapore Airlines thậm chí còn mời nhà thiết kế thời trang người Pháp Pierre Balmain thiết kế sarong kebaya vào năm 1974.

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 3.

Ở Bali, nhiều phụ nữ kết hợp kebaya với thắt lưng đầy màu sắc

Câu chuyện về sarong kebaya luôn thay đổi và bị chi phối bởi bối cảnh xã hội, văn hóa và chính trị.

Jackie Yoong, phụ trách cấp cao về thời trang và dệt may tại Bảo tàng các nền văn minh châu Á và Bảo tàng Peranakan ở Singapore

Ngày nay, một số người ở Đông Nam Á chỉ mặc kebaya vào dịp đặc biệt trong khi những người khác mặc chiếc áo này trong đời sống hàng ngày. 

Kebaya có chất liệu vải sang trọng thường được mặc trong đám cưới của người Peranakan ở Penang để tạo vẻ thanh lịch. Ở Bali, có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ lái xe dọc theo những con đường quanh co mặc kebaya may từ cotton mát mẻ, tạo sự thoải mái để cho công việc mỗi ngày. Tính linh hoạt của kebaya giúp loại trang phục này phù hợp với nhiều dịp và sở thích khác nhau, từ các buổi họp mặt lễ hội đến các hoạt động thông thường.

Nỗ lực giới thiệu và phát triển keyaba

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 4.

Nhà thiết kế thời trang người Singapore Oniatta Effendi tạo phiên bản kebaya hiện đại

Nhà thiết kế thời trang người Singapore Oniatta Effendi đang cải tiến kebaya cho các thế hệ tiếp theo, tạo ra những thiết kế hiện đại và đa dụng. Cô tin rằng kebaya là một loại quần áo đang phát triển, đồng thời có thể trao quyền và thay đổi người mặc. 

Effendi kết hợp các yếu tố truyền thống theo những cách sáng tạo. Các thiết kế của cô được lấy cảm hứng từ nguồn gốc Indonesia của mình, với những kỷ niệm cá nhân. Effendi nói: "Khi tôi mặc kebaya, tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi trở thành một người khác".

Gần đây Công ty Metaverse 8sian từ Kuala Lumpur, Malaysia, đã chuyển kebaya thành một dạng NFT (là một tài sản ảo đại diện cho các vật phẩm trong thế giới thực). Trong Ngày Kartini ở Indonesia, ngày kỷ niệm trao quyền cho phụ nữ, nhiều người đã tự hào mặc kebaya. Họ thậm chí còn mặc kebaya ở những nơi không ngờ tới, như một cuộc thi lướt sóng được tổ chức để tôn vinh Kartini.

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 5.

Thiết kế kebaya rộng và dài của Effendi lấy cảm hứng từ các yếu tố truyền thống

Kebaya: Chiếc áo kể về câu chuyện của nhiều nền văn hóa - Ảnh 8.

Stacy Stube lấy cảm hứng từ kebaya để thiết kế và gặp gỡ một thợ may người Indonesia để thiết kế thành thạo

Các bài đăng thu hút nhất của chúng tôi là khi chúng tôi chia sẻ hình ảnh phụ nữ từ các vùng khác nhau của Đông Nam Á, từ Malaysia đến Indonesia, đều mặc keyaba. Mọi người thích khía cạnh cộng đồng.

Sufiyanto Amat Sopingi

Thợ may Sufiyanto Amat Sopingi và nhà tư vấn kinh doanh thời trang Afiq Juana cũng tạo tài khoản Instagram với tên gọi Kebaya Societe. Tài khoản giới thiệu lịch sử của kebaya ở Đông Nam Á, chia sẻ những bức ảnh về kiểu dáng kebaya từ những năm 1900 và cung cấp thông tin cụ thể về giá trị lịch sử và văn hóa của chiếc áo.

Sopingi, người sưu tập quần áo cổ điển khi sống ở châu Âu, đã mở rộng bộ sưu tập của mình với kebaya khi trở về Singapore. Bộ sưu tập của ông hiện có hơn 200 chiếc kebaya, một số cũng được các bảo tàng ở Đông Nam Á mượn. "Những chiếc kebaya này có từ những năm 1900 đến những năm 1960 và được may rất đẹp. Thời gian đó vải không dễ kiếm nên quần áo cần độ bền", Sopingi nói.

Được truyền cảm hứng từ những thợ may Đông Nam Á, Stacy Stube đã quyết định tiếp bước công việc may vá của bà cố. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thời trang London, Stube trở lại Indonesia trong thời gian ba năm. Cô bị hấp dẫn bởi những bản in batik rực rỡ, những sợi kim loại phức tạp của songket và vải ikat dệt. Tuy nhiên, chính phom dáng trang nhã của kebaya mới thực sự thu hút trí tưởng tượng của Stacy và trở thành nguồn cảm hứng đằng sau bộ sưu tập của cô.

Tôi sống trong môi trường mà việc tạo ra mọi thứ vô cùng nhanh chóng. Chúng ta đang mất đi mối liên hệ với việc tạo nên những điều mà chính chúng ta là người làm ra. Thật thú vị khi tôi đang chọn chậm lại để tạo ra thứ gì đó thực sự quan trọng với mình, để rồi sau đó tôi sẽ mặc nó. Điều đó tạo ra mối liên hệ và cảm giác kết nối với cộng đồng.

Stacy Stube, thợ may người Indonesia

Để thành thạo thiết kế kebaya, Stube đã gặp gỡ một nghệ nhân người Indonesia. Cô học được cách tạo mẫu, sử dụng các kỹ thuật may dành riêng cho kebaya và may quần áo bằng máy may bàn đạp truyền thống. Ngoài việc hoàn thiện phom dáng của kebaya, Stube cũng tích lũy thêm những hiểu biết và kinh nghiệm quý giá.

Thời gian qua đi, kebaya vẫn tiếp tục giữ giá trị văn hóa và cá nhân quan trọng ở Đông Nam Á. Mặc dù là trang phục có lịch sử lâu đời nhưng kebaya vẫn được người dân trong khu vực yêu quý và trân trọng.


14/07/2023 09:32