Đã có rất nhiều người đến thăm Mường Lát theo tinh thần từ bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Không thể phủ nhận âm hưởng lãng mạn hào hoa và hùng vĩ của một miền đất xuất hiện ngay trong khổ đầu bài thơ mà nhiều thế hệ thuộc lòng đã thôi thúc những người đam mê khám phá đến với địa danh này.

Khám phá một xứ Mường

Đã có rất nhiều người đến thăm Mường Lát theo tinh thần từ bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Không thể phủ nhận âm hưởng lãng mạn hào hoa và hùng vĩ của một miền đất xuất hiện ngay trong khổ đầu bài thơ mà nhiều thế hệ thuộc lòng đã thôi thúc những người đam mê khám phá đến với địa danh này.


Mường Lát là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Tọa lạc trên độ cao hơn 700m so với mực nước biển, có đường biên giới giáp hai huyện Viêng Xay và Xốp Pâu, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào), với tổng chiều dài hơn 97km.

Theo người dân địa phương, tên gọi "Mường Lát" không phải vì nơi đây từng có rất nhiều gỗ lát như mọi người vẫn nghĩ. Chữ Lát (trong Mường Lát) tiếng Thái có nghĩa là "nơi nước tràn qua", bởi mùa mưa nước từ các con suối thường tràn qua làng bản để hòa vào lòng sông Mã. Núi Lát, suối Lát và bản Lát là nơi thể hiện rõ nhất điều đó. Lại từng là Mường lớn nhất vùng nên người ta lấy từ tên bản này làm tên chung cho huyện. Còn có cách lý giải trong dân gian cho rằng Lát là chữ Lạt của người Thái cổ - nghĩa là "nơi tập trung buôn bán sầm uất ở trên cao".

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 1.

Nơi con sông Mã bắt đầu chảy vào đất Việt - Cửa khẩu quốc tế Tén Tằn.

Mường Lát nổi tiếng gắn liền với con sông Mã. Đây là dòng sông khởi nguồn từ dãy hoa cương Phu Huổi Long hùng vĩ (cao 2.178m) thuộc miền Tây Bắc của Tổ quốc và mở cuộc hành trình 102km trên đất Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào) trước khi trở về đất Việt. Nó kết thúc chuyến phiêu lưu vô tiền khoáng hậu dài 881km của mình tại cửa biển Hội Trào (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rộng 1,8km. Sông Mã là dòng sông duy nhất khai sinh và kết thúc tại nước ta.

Nếu không lên Mường Lát vào mùa nước lũ, sẽ khó có thể cảm nhận nhận được sự "gầm lên khúc độc hành" của một dòng sông lịch sử. Chúng tôi lên Mường Lát khi cơn bão số 3 của năm 2022 vừa quét qua miền Bắc. Ảnh hưởng của nó khiến khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Dòng sông Mã nhân đó, đục ngầu, chảy xiết, gầm gào giữa hai bờ vách núi dựng đứng suốt cung đường dọc theo một phần triền sông dài hơn trăm cây số.

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 2.

Những người phụ nữ Mông bình thản ngồi thêu ở hiên nhà, bên cạnh dòng sông gầm gào phía dưới.

Đối lập với con sông hung hãn phía dưới, dọc bờ sông, những nếp nhà của các gia đình người Mông nằm chênh vênh bên những vách núi dựng đứng. Ở trước mái hiên, luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi bình thản cần mẫn thêu hoa văn nhiều sắc màu lên những tấm vải tự dệt. Phía bờ hữu của dòng sông, trải dài suốt hơn 100 cây số là màu xanh trù phú của những cánh rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 3.

Bạt ngàn màu xanh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu dọc cung đường Co Lương - Mường Lát.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, ở Mường Lát còn có các danh thắng để du khách đến thăm: Đền thờ Tư Mã Hai Đào, Chùa Đại Hóa (tại khu phố Tén Tằn, Thị trấn Mường Lát), bia tượng niệm đoàn quân Tây tiến (tại bản Sài Khao, xã Mường Lý); cửa khẩu quốc tế Tén Tằn… và thưởng thức nhiều kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của các tộc người. Trong đó nổi tiếng với điệu Khặp của đồng vào dân tộc Thái. Đây là một hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian mà nhân dân vừa là người sáng tác nên những lời ca, vừa là "diễn viên" trình bày lời ca đó. Chính vì đặc thù mang tính cộng đồng nên Khặp Thái còn có chức năng nâng đỡ, khích lệ tinh thần, giúp bà con bản làng vượt qua khó khăn, hoạn nạn, tạo thêm sức mạnh để xây dựng cuộc sống mới với tinh thần thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Đường đến Mường Lát

Từ Hà Nội đến Mường Lát, nếu đi bằng đường bộ du khách có thể theo ba con đường chính.

Một là theo quốc lộ 6 đi tới ngã ba Tòng Đậu, rẽ sang đường 15 đi huyện Mai Châu đến thị trấn Co Lương (đều thuộc tỉnh Hòa Bình). Trước đây, từ đây xuôi bên bờ sông Mã đến thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), rồi nhằm thẳng tỉnh lộ 520 ngược lên Mường Lát. Nhưng giờ đây có thể rẽ vào đường đi Mường Lý dọc bờ tả sông Mã đến thẳng cầu Mường Lát.

Hai là theo quốc lộ 1A đến thành phố Thanh Hóa, ngược quốc lộ 47, quốc lộ 15 đến thị trấn Hồi Xuân.

Ba là đi theo đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Cẩm Thủy, rẽ Quốc lộ 217 đi Bá Thước đến quốc lộ 15.

Cả hai phương án hai và ba sẽ gặp nhau ở tỉnh lộ 520 bên kia cây cầu Hồi Xuân.

Sau khi vượt qua hơn 100km đường đèo dốc quanh co từ trên đỉnh Pù Lộc Cộc (cổng trời) hùng vĩ, chúng ta đã có thể phóng tầm mắt đến những bản làng đầu tiên của đất Mường Lát.

Chặng đường từ Hà Nội đến Mường Lát nếu đi theo quốc lộ 1A thì khoảng 420km; Theo đường Hồ Chí Minh khoảng hơn 300km. Còn đi theo quốc lộ 6, hành trình sẽ giảm gần một nửa đường.

Cả ba phương án đều nên xuất phát sớm vào buổi sáng để được ngắm trọn vẹn khung cảnh hùng vĩ của cung đường lên xứ Mường.

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 4.

Phong cảnh hùng vĩ bên dòng Mã giang.

 Ăn gì khi đến Mường Lát?

Trong rất nhiều thứ ngon ở Mường Lát, đầu tiên phải kể đến xôi. Xôi nếp ở đây đặc biệt ngon, thơm và dẻo ngay cả khi để cả ngày. Xôi nếp là món ăn của các dân tộc sinh sống ở Mường Lát, giống như người Kinh ăn cơm tẻ hằng ngày. Một thầy giáo ở Phòng Giáo dục huyện Mường Lát kể, người dân tộc ở đây hầu như không ăn cơm tẻ. Lý do là ăn cơm tẻ rất phức tạp vì phải có canh và các món ăn kèm, mặc dù vậy vẫn không đủ "chắc dạ" cho việc đi rừng. Trong khi đó, với một gói xôi nếp, họ chỉ cần mang theo một chút chẻo chấm, một con cá khô, cả ngày trong rừng xôi vẫn dẻo thơm và cung cấp đủ năng lượng.

Nhân nói nói đến chẻo chấm – chẩm chéo, có một sự khác nhau "không hề nhẹ" giữa chẻo ở Mường Lát và món chẻo của Tây Bắc. Nếu chẻo của người Thái Tây Bắc luôn có hạt mắc khén, thì chẻo của người Thái ở Mường Lát không có loại gia vị này. Chẻo Mường Lát có mùi tàu, hẹ, ớt tươi, tỏi và muối hột, là một bản hòa ca dịu nhẹ của hương vị làm nền cho mọi món ăn thăng hoa. Xôi chấm muối hột, măng luộc chấm muối hột, cà luộc chấm muối hột trong món chẻo ở Mường Lát khiến cho những người lần đầu tiên ăn khá bối rối nhưng cuối cùng ai cũng thấy quá hợp lý.

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 5.

Đặc sản sâu măng chao mỡ cuốn lá lốt.

Đến Mường Lát, nhất định phải thử món sâu măng. Những con sâu măng màu trắng ngà được chế biến ra nhiều món như sâu măng xào rắc lá chanh hoặc chao mỡ cuốn lá lốt chấm chẻo. Món này làm mồi nhậu với rượu men lá nổi tiếng của Mường Lát hay bia Lào thì không gì quyến rũ bằng.

Hương vị bùi béo đặc biệt khiến người thưởng thức luôn bật ra lời xuýt xoa ngay sau miếng đầu tiên. Sâu măng là loài sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng nứa ở Mường Lát. Mùa thu là mùa săn sâu măng của đồng bào vùng cao. Khi cây măng đã cao quá đầu người cũng là lúc những con sâu vào độ béo nhất. Bắt sâu không khó, nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Nếu may mắn, một ngày, một người có thể bắt được từ 1 – 1,5kg sâu măng. Giá bán sâu măng ngay tại thị trấn Mường Lát từ 170.000 đồng – 200.000 đồng/kg. Trong hành trang trở về của nhiều du khách sau khi đến với Mường Lát luôn có món ăn đặc biệt này.

Khám phá một xứ Mường - Ảnh 6.

Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên gần 810,65 km2, với hơn 40 nghìn đồng bào thuộc 6 dân tộc anh em (gồm Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh) sống xen kẽ tại 88 bản, khu phố. Trong đó, người dân tộc Thái chiếm số đông (48,25%), tiếp đó là người Mông (42,89%).

Thực hiện: Vũ Lương