Khám phá văn hóa Dao Tiền qua Lễ Tẩu sai

Phụ nữ Dao Tiền mặc trang phục truyền thống để thụ lễ

Phụ nữ Dao Tiền mặc trang phục truyền thống để thụ lễ

Trong vòng đời của mình, người Dao Tiền ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng phải thực hiện rất nhiều nghi lễ truyền thống lớn nhỏ khác nhau nhưng đại lễ quan trọng nhất là lễ Tẩu sai (lễ Cấp sắc 12 đèn).

Trong vòng đời của người Dao, để được làm lễ Tẩu sai, người đàn ông Dao phải trải qua lễ Quá tang (lễ ba đèn) và lễ Cấp sắc 7 đèn. Vì đây là đại lễ quan trọng nhất đối với đàn ông Dao Tiền nên công tác chuẩn bị phải thực hiện trong nhiều tháng. Đây là nghi lễ lớn nhất, đánh dấu sự trưởng thành của đàn ông Dao Tiền với rất nhiều nghi thức thiêng liêng và vật dụng thờ cúng thể hiện văn hóa đặc sắc của dân tộc này.

Chị Bàn Thị Thanh, xóm Khuổi Hoa, xã Thịnh Vượng, 1 trong số 14 người vợ cùng chồng được thụ lễ thổ lộ: "Để tổ chức đại lễ này chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ quần áo, đồ dùng, tiền, gạo, tiền giấy… Công việc chuẩn bị được tiến hành từ mấy tháng trước. Cho tới tận bây giờ, khi đang làm lễ, chúng tôi vẫn phải hoàn thiện nốt những sợi dây vải này để dùng vào nghi thức cúng lễ cho ngày mai".

Trang phục nhắc nhở về cội nguồn

Sẽ không quá khi nói rằng Lễ Tẩu sai là nghi lễ thể hiện rõ nhất những nét đặc trưng văn hóa của người Dao Tiền từ trang phục truyền thống, tín ngưỡng tập quán tới nguồn gốc tập quán sinh hoạt, thế giới quan, nhân sinh quan. Trước hết, trong lễ Tẩu sai, phụ nữ và đàn ông Dao đều mặc quần áo truyền thống rất đẹp. Đàn ông mặc áo dài, đeo dây lưng bằng vải màu trắng hai đầu có tua rua, bên hông có đeo quả chuông nhỏ. Trên đầu họ đội mũ mào gà. Phụ nữ mặc áo dài đen, nổi bật với những khuy áo bằng bạc được chạm khắc rất tinh tế. Một phục sức không thể thiếu đối với phụ nữ Dao là chiếc khăn đội đầu màu trắng được thêu hoa văn hai đầu rất đẹp. Phụ nữ Dao cũng đeo rất nhiều trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, hoa tai.

Phụ nữ Dao phải chuẩn bị các loại dây vải phục vụ cho Lễ Tẩu sai

Phụ nữ Dao phải chuẩn bị các loại dây vải phục vụ cho Lễ Tẩu sai

Ngay những họa tiết, hoa văn thêu trên quần áo của người Dao cũng là sự nhắc nhớ con cháu người Dao Tiền về nguồn gốc, tổ tiên của mình. Trong đó, hình sóng nước thể hiện ngày xưa người Dao sống ở vùng sông nước, sau đó mới di cư lên vùng núi non. Có một phụ kiện độc đáo mà phụ nữ Dao luôn mang theo bên mình là chiếc túi đựng trầu. Với họ, chiếc túi nhỏ không chỉ là đồ dùng quen thuộc để đựng trầu cau, mà còn được coi như trang sức làm đẹp và phần nào biểu thị vị thế, giá trị của người phụ nữ. Nhưng vượt trên tất cả những điều đó là chiều sâu giá trị văn hóa của người Dao Tiền ẩn chứa trong mỗi họa tiết hoa văn trên chiếc túi. Túi trầu của bà Hoa được làm rất cầu kỳ và giá trị vật chất của chiếc túi cũng không hề nhỏ, bởi số lượng bạc trang trí bên ngoài rất nhiều. Khi buộc chặt, chiếc túi có hình giống múi bưởi. Túi được làm bằng vải chàm, hình chữ nhật, có đáy rộng. Miệng túi có đường khâu viền đủ rộng để luồn hai sợi dây đeo. Khi kéo hai đầu dây về hai bên, miệng túi sẽ thít lại.

Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là thêu những đường hoa văn lớn trên túi. Thông thường, túi trầu được thêu 3 đường hoa văn lớn. Sau khi thêu đường hoa văn xong, người ta sẽ đính đồ bạc lên trên túi. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật của túi trầu. Phụ nữ Dao thường đính những miếng bạc tròn với hoa văn được dập nổi cầu kỳ, theo cách nói của bà Hoa, đó là những chiếc hoa bạc. Tôi đếm được trên chiếc túi của bà Hoa có 22 chiếc hoa bạc. Túi trầu được nối với bộ đồ dùng bằng bạc qua một sợi dây vải.

Khi dự lễ Tẩu sai, đàn ông mặc quần áo truyền thống, đầu đội mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng bằng dây vải ở hai đầu đính các dải tua rua

Khi dự lễ Tẩu sai, đàn ông mặc quần áo truyền thống, đầu đội mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng bằng dây vải ở hai đầu đính các dải tua rua

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền gồm áo dài, dây lưng, váy, khăn đội đầu, phụ kiện đi kèm là chiếc túi đựng trầu, trang sức bằng bạc

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền gồm áo dài, dây lưng, váy, khăn đội đầu, phụ kiện đi kèm là chiếc túi đựng trầu, trang sức bằng bạc

Họa tiết hoa văn trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền rất đa dạng, phong phú, phổ biến nhất là hoa văn hình chữ vạn, cây thông, hình chim, lá cây

Họa tiết hoa văn trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền rất đa dạng, phong phú, phổ biến nhất là hoa văn hình chữ vạn, cây thông, hình chim, lá cây

Mỗi bộ áo váy đều được trang trí bằng các đồng bạc ở cổ áo. Trong đó, cổ áo phía sau của phụ nữ được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao Tiền so với các nhóm Dao khác

Mỗi bộ áo váy đều được trang trí bằng các đồng bạc ở cổ áo. Trong đó, cổ áo phía sau của phụ nữ được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao Tiền so với các nhóm Dao khác

Người phụ nữ này đang làm dây lưng cho bộ váy áo của mình

Người phụ nữ này đang làm dây lưng cho bộ váy áo của mình

Khẳng định về giá trị của chiếc túi đựng trầu của phụ nữ Dao, Tiến sĩ nhân học Bàn Tuấn Năng cho biết: "Túi trầu vừa là trang sức, vừa là túi đồ để đựng nhiều vật dụng khác nhau, như là trầu cau, thuốc cảm khi đi rừng của phụ nữ Dao. Hệ thống trang trí trên túi là ký ức văn hóa chứ không phải mang ý nghĩa trang trí đơn thuần, nó thể hiện thế giới quan của người Dao. Trên túi trầu còn có hình con cá, điều đó gợi nhớ về nguồn gốc của tộc người này".

Theo nghiên cứu của nhiều học giả, khởi thủy, lịch sử tộc người Dao trong những buổi đầu sơ khai gắn với vùng sông nước, đặc biệt là gắn với châu thổ sông Hoàng Hà. Bông hoa bạc trên đó có hình ngôi sao 8 cánh là tượng trưng cho 4 phương 8 hướng của trời đất.

Độc đáo tranh thờ

Trở lại với các nghi thức trong Lễ Tẩu sai, sau khi chọn được ngày đẹp, tháng tốt, gia đình tổ chức lễ sẽ mời thầy cúng tới nhà thực hiện các bước của nghi lễ. Đầu tiên, người Dao Tiền phải  tổ chức lễ Sìn Pè để thông báo cho Ngọc Hoàng, Tam Thanh và tổ tiên về việc chuẩn bị làm lễ Tẩu sai cho các cặp vợ chồng. Sau đó, mọi người tiếp tục chuẩn bị mọi thứ để tổ chức Lễ Tẩu sai.

Hồ sơ lý lịch của những cặp vợ chồng làm lễ được treo ở trần nhà

Hồ sơ lý lịch của những cặp vợ chồng làm lễ được treo ở trần nhà

Ngôi nhà của gia chủ được chọn làm lễ được trang hoàng rất cầu kỳ từ ngoài cổng vào đến trong nhà. Ở ngay cổng nhà, người ta lập bàn thờ nhỏ, phía trên dán giấy màu có viết chữ cổ. Bàn thờ có bát hương, và những chiếc bánh truyền thống của người Dao. Trên cổng, chủ nhà có treo các bức tranh thờ. Khi đi qua cổng, có một bậc thang gỗ bắc lên nhà. Theo giải thích của gia chủ, đó là lối đi dành riêng cho thần thánh, tổ tiên đi vào nhà. Trong nhà được trang trí rất cầu kỳ. Trước cửa nhà dán một tờ giấy viết chữ Dao - đây chính là tờ sớ ghi họ tên của những cặp vợ chồng thụ lễ cũng như những lời thỉnh cầu của họ

Gian phòng khách trong nhà được trang trí rất cầu kỳ. Phía dưới trần nhà là dàn khung treo rất nhiều hồ sơ lý lịch của những người được cấp sắc. Ba mặt nhà, gia chủ lập các bàn thờ nhỏ bằng tre. Ngoài ra còn có một bàn thờ chính như hình ngôi nhà đặt ở giữa nhà -  có ý nghĩa là nơi trú ngụ của các binh lính của thần thánh về dự lễ. Trên bàn thờ đặt một con lợn và một con gà luộc. Các bàn thờ còn lại đều có bánh, cơm và một ít thịt.

ranh thờ của người Dao được treo xung quanh nhà

Tranh thờ của người Dao được treo xung quanh nhà

Điểm nhấn trong không gian thực hiện Lễ Tẩu sai chính là những bức tranh thờ của người Dao được treo ở ba mặt tường theo lệ thức, bên phải treo tranh Tam Thanh của thầy chính, bên trái treo tranh của các thầy phụ, chính giữa treo tranh của dòng họ.

Theo truyền thống và những kiêng kỵ của người Dao, tranh thờ chỉ được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống. Người Dao không treo tranh hàng ngày trong nhà, chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi. Chính vì vậy, Lễ Tẩu sai là dịp hiếm hoi, con cháu người Dao và những người tham dự lễ được xem các bức tranh cổ có tuổi đời lên tới hơn 100 năm được truyền từ đời này sang đời khác.

Tranh thờ của người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ và thần linh và những ước vọng trong cuộc sống. Theo quan niệm của người Dao, thần linh có quyền năng vô song và chính là những người bảo trợ cuộc sống cho con người. Họ cho rằng, có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi, đó là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ).

Một lá sớ dâng lên tổ tiên và thần linh treo ngoài cửa nhà

Một lá sớ dâng lên tổ tiên và thần linh treo ngoài cửa nhà

Người nắm giữ kỹ thuật vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao là những thầy Tào, thầy cúng. Một bộ tranh thờ gồm nhiều bức tranh khác nhau và được vẽ rất kỳ công, từ khâu làm giấy vẽ, lựa chọn mực vẽ. Xưa kia, người Dao tự làm giấy dó để làm giấy vẽ tranh. Khổ giấy vẽ tranh của người Dao không giống bất cứ dân tộc nào, thường là khổ hình chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng khoảng 60cm.

Kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao là nghệ thuật đặc sắc và không phải ai cũng vẽ được. Có những bức tranh thể hiện tới 30 gương mặt với biểu cảm đa dạng, sinh động. Người vẽ tranh cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ nhất định, nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Chính vì công phu như vậy nên việc làm tranh thờ không thể làm nhanh và nhiều một lúc được.

Những người đàn ông trong dòng họ nhảy điệu múa rùa và cầu khẩu thần linh về dự lễ để bảo vệ cho gia đình mình trong Lễ Tẩu sai

Những người đàn ông trong dòng họ nhảy điệu múa rùa và cầu khẩn thần linh về dự lễ để bảo vệ cho gia đình mình trong Lễ Tẩu sai

Ngoài mâm lễ cúng đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh nhà gia chủ còn đặt các bàn thờ để thờ thần bếp và mời các vị thần thánh về bảo vệ cho dòng họ

Ngoài mâm lễ cúng đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh nhà gia chủ còn đặt các bàn thờ để thờ thần bếp và mời các vị thần thánh về bảo vệ cho dòng họ

Do có nhiều nghi thức nên lễ Tẩu sai kéo dài 3-5 ngày đêm và cần tới 14 thầy cúng và nhiều thầy phụ giúp việc cho thầy chính. Các nghi thức chính bao gồm: Lễ dâng lợn cúng tổ tiên và thần thánh, lễ cúng báo tổ tiên dòng họ bắt đầu chay tịnh. Tiếp theo là lễ gọi Ngọc Hoàng, thần thánh về chứng kiến lễ Tẩu Sai. Lúc này, tất cả người thụ lễ, nằm sát cạnh nhau thành hàng dài ngủ trên sàn nhà. Khi các thầy làm lễ xong sẽ dẫn người thụ lễ ra ngũ đài nhảy múa bài múa rùa. Sau đó, mọi người lại trở vào nhà múa rùa. Tiếp theo thầy cúng sẽ thực hiện các lễ đưa đệ tử qua sông suối; cấp ấn tín cho các đệ tử thụ lễ và cúng đưa các bà vợ của 14 đệ tử đi qua sông suối; cúng đón điều tốt cho vợ chồng các đệ tử… Cuối cùng là lễ tiễn các thần thành về chốn cũ, kết thúc lễ Tẩu sai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn