Hàng năm, cứ đến tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì Ðen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, lại tổ chức lễ hội Khô già già để cầu mùa, với mong ước cầu xin thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.

Khô già già - nghi lễ cầu mùa độc đáo của người Hà Nhì Ðen

Hàng năm, cứ đến tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì Ðen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, lại tổ chức lễ hội Khô già già để cầu mùa, với mong ước cầu xin thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.

Đây cũng là dịp để người Hà Nhì tụ họp sinh hoạt văn hóa văn nghệ, được nghỉ ngơi, thăm hỏi nhau sau những ngày lao động vất vả.

Người Hà Nhì Đen ở Bát Xát, cư trú tập trung ở các xã Y Tý, Nậm Pung, Trịnh Tường, với dân số hơn bốn nghìn người, là một tộc người có dân số khá khiêm tốn, nhưng người Hà Nhì Đen lại giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo rất riêng biệt, điển hình là lễ cầu mùa Khô già già.

Nghi lễ linh thiêng trong đời sống tâm linh

Vào tháng 6 âm lịch hàng năm, họ chọn ngày Thìn để bắt đầu lễ hội, sẽ diễn ra trong 5 ngày, ngày kết thúc là vào ngày Thân, để tổ chức lễ Khô già già, người Hà Nhì Đen ở xã Y Tý có riêng một địa điểm tổ chức, đó là khu rừng công viên (à gơ la do) phía cuối bản.

Ở đó bà con dựng lên một lán thờ (mỗi năm chỉ sửa lại một lần vào ngày tổ chức lễ hội). Tham dự lễ hội có các thầy cúng, các gia đình trong thôn bản, bà con quanh vùng và du khách thập phương.

TS. Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VHTT Lào Cai, người có nhiều năm nghiên cứu về người Hà Nhì Đen, cho biết: Lễ hội Khô già già (khu già già) là lễ hội cầu mùa lớn được cộng đồng tổ chức trong năm và có mối liên hệ trực tiếp đến canh tác nông nghiệp của người Hà Nhì. Do đó, người Hà Nhì tổ chức lễ hội với quy mô lớn nhất nhằm thể hiện ước mong về một mùa lúa bội thu. Lễ hội được tổ chức vào tháng 6 âm lịch, thời điểm cây lúa đã lên xanh và trổ bông, nên rất cần mưa thuận, gió hòa để cây lúa phát triển tốt.

Trước ngày diễn ra lễ hội, các gia đình cử người lên rừng lấy cỏ tranh về lợp lại lán thờ. Mỗi gia đình cắt khoảng 3, 5 hoặc 9 bó cỏ tranh tùy theo việc sửa lại mái lán. Buổi sáng ngày Thìn, toàn bộ số cỏ tranh được mọi người mang ra rừng. Mọi người cùng dỡ mái cũ để lợp lên mái mới. Mỗi bên mái mới lợp bao giờ cũng để lại một phần cỏ tranh cũ tựa như sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ.

Cỏ tranh khi lợp phải để ngọn hướng lên trên, phần gốc quay xuống dưới với mong muốn cho cây lúa phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Buổi chiều ngày Thìn, đại diện các gia đình trong thôn cùng tập trung để thực hiện nghi lễ dâng tế hồn trâu cho thần linh và mổ trâu chia thịt cho các gia đình mang về dâng lễ tổ tiên nhằm cầu mong sự may mắn.

Người Hà Nhì Ðen quan niệm, trâu là con vật quý, gắn bó với đời sống của đồng bào, là biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ, hiền lành của người Hà Nhì Ðen, nên trâu trong lễ hội Khô già già được chọn lựa kỹ.

Trâu hiến tế phải là con trâu đực trưởng thành, khỏe mạnh, toàn thân đen tuyền, không bị tật, được chăm sóc cẩn thận. Con trâu được người giúp việc của thầy cúng tìm mua về, sau đó được chăn thả ở khu đồi đã cắt cỏ tranh làm mái lán. Nếu đồi ở xa bản thì cử người lên cắt cỏ tranh cho trâu ăn ít nhất là 3 ngày trước khi làm lễ.

Trước khi mổ trâu, người ta lấy nước rửa sạch thân trâu, buộc mõm trâu bằng cỏ tranh lợp lán để khi giết mổ không làm kinh động đến thần linh, rồi cầm dao vái lạy 4 phương có ý mời thần linh về nhận lễ, sau đó mới thực hiện.

Sau khi làm lễ tế sống, trâu sẽ được mổ và chia phần cho các gia đình mang về làm lễ dâng tổ tiên ngay trong buổi tối hôm đó. Sau đó con cháu mới được mang ra thụ lộc để lấy may.

Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì Đen ở xã Y Tý diễn ra trong 5 ngày tại khu rừng công viên (à gơ la do) phía cuối bản.

Ngày hôm sau, dân bản tiếp tục chuẩn bị cho lễ hội. Một nhóm người lên rừng chặt gỗ về làm cột đu, một nhóm lên rừng tìm dây về làm dây đu. Buổi tối ngày Tỵ, các gia đình chuẩn bị mâm cúng để mang ra lán thờ. Mỗi nhà được phép tham dự sẽ chuẩn bị một mâm lễ, số món ăn trên các mâm cúng luôn là số chẵn.

Vào ngày lễ chính, nghi lễ đầu tiên là cúng cột đu. Thầy cúng chính cầm một cành hoa cắm vào gốc cột đu, lấy các tàu lá chuối đã rửa sạch trải trước các cành hoa, sau đó lấy rượu và các lễ vật bày lên lá chuối. Thầy cúng phụ mang mâm lễ đến cúng ở dây đu, lời khấn đại ý mong cho mùa màng bội thu, cầu cho người chơi đu được an toàn. Sau khi làm lễ, hai thầy cúng chính sẽ đu trước để lấy may, tiếp theo mới đến bà con dân bản.

Sau nghi lễ cúng cột đu, thầy cúng và các gia đình mang mâm lễ vào trong lán để làm lễ cúng thần linh theo thứ tự: mâm thầy cúng đặt ở hàng đầu tiên, tiếp đến là mâm của các hộ gia đình theo thứ tự từ già đến trẻ. Trong khi đó ở bên ngoài, từng đôi, từng nhóm cùng tham gia các trò chơi, như: đu quay, đu dây, kéo co, đẩy gậy...

Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Lễ hội Khô già già là không gian thiêng duy nhất để phụ nữ Hà Nhì được tham dự và tổ chức các trò chơi, là dịp để con cháu người Hà Nhì ở khắp nơi về thăm gia đình, quê hương, bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục...

Ngày cuối cùng của lễ hội, hai thầy cúng làm lễ xin hạ cần đu, chặt dây đu, kết thúc lễ hội để mọi người quay trở lại cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất thường ngày.

Có thể nói, lễ hội Khô già già của người Hà Nhì Ðen chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người, góp phần gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng; được đồng bào giữ gìn, trao truyền từ đời này qua đời khác.

Hiện nay, lễ hội Khô già già đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì Ðen chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người

Ngày 19 tháng 12 năm 2014, "Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì Ðen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nhì Đen ở Y Tý, mà còn là niềm tự hào chung cả cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam.

* TS Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VHTT Lào Cai: Người Hà Nhì ở Lào Cai hiện nay còn gìn giữ được khá đầy đủ và nguyên vẹn về các loại hình văn hóa dân gian của họ. Cùng với những chương trình hỗ trợ từ Bộ VHTTDL và của tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, người Hà Nhì đã có nhận thức đầy đủ hơn về văn hóa truyền thống để cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa trong đời sống thường ngày. Trong những năm gần đây, khi du lịch đang dần phát triển ở các khu vực người Hà Nhì sinh sống, chính quyền địa phương và người dân đã cùng nhau gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, tạo thành những sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu của du khách, như: kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, dân ca dân vũ…

Khô già già - nghi lễ cầu mùa độc đáo của người Hà Nhì Ðen - Ảnh 5.

Cây vợ chồng biểu tượng cho tình yêu bất diệt ở Y Tý

Công Hoan
12/05/2023 14:00