Khu chợ đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ mua bán gia súc để hiến tế

30/06/2023 10:30
Ruqya Fareed, người lập chợ gia súc, hướng tới việc trao quyền cho phụ nữ để họ tự tin tham gia mua bán gia súc

Ruqya Fareed, người lập chợ gia súc, hướng tới việc trao quyền cho phụ nữ để họ tự tin tham gia mua bán gia súc

Một điều hiếm thấy ở Pakistan là cảnh phụ nữ mua bán gia súc để hiến tế trong lễ Eid Al-Adha.

Theo truyền thống, các chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng xã hội ở Pakistan hạn chế sự hiện diện và tham gia của phụ nữ vào một số không gian công cộng. Ở vùng nông thôn, phụ nữ từ lâu đã tham gia vào công việc chăn nuôi nhưng thường bị loại khỏi quá trình buôn bán.

Eid al-Adha, hay Lễ hiến sinh, là lễ hội tôn giáo quan trọng của các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Eid Al-Adha diễn ra vào ngày thứ ba của Hajj và năm nay rơi vào ngày 28 tháng 6. Lễ kéo dài trong ba ngày và được coi là lễ hội lớn thứ hai trong lịch Hồi giáo, sau Eid Al-Fitr, lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng nhịn ăn Ramadan.

Chợ gia súc, nơi động vật thường được mua để hiến tế trong lễ Eid Al-Adha của Hồi giáo, chủ yếu là nơi dành cho nam giới. Đàn ông thường là người lựa chọn động vật, thương lượng giá cả và mua bán.

Tuy nhiên, với "chợ gia súc Ruqya Fareed" (được đặt theo tên người lập) ở thị trấn Shadman (Karachi), phụ nữ có thể mua bán gia súc thoải mái mà không sợ đàn ông soi mói hoặc chú ý. Khu chợ tiên phong này trao quyền cho phụ nữ tự tin tham gia buôn bán động vật ở một quốc gia mà các chợ gia súc chủ yếu tập trung người mua và bán là nam giới.

Khi lễ Eid Al-Adha đến gần, nhiều người Pakistan đến chợ gia súc để mua động vật với mục đích hiến tế như một phần của nghi lễ tôn giáo. Nghi lễ này là cách để người Hồi giáo bày tỏ lòng thành kính và tái hiện câu chuyện về nhà tiên tri Abraham, người đã sẵn lòng hiến tế con trai Ishmael cho Thượng đế trước khi ông được Thượng đế trao cho một con cừu làm vật hiến tế thay thế.

Trao cho phụ nữ cơ hội kinh doanh

Ruqaiya Fareed, chủ khu chợ, cho biết đây là chợ gia súc cho phụ nữ mua bán đầu tiên trên thế giới. "Chưa từng có khu chợ nào dành cho phụ nữ, nơi họ bán động vật. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một khu chợ gia súc dành cho phụ nữ được lập", cô cho biết.

Khu chợ phục vụ như một địa điểm buôn bán cho những phụ nữ không có chồng hoặc thành viên nam bên cạnh, như những người có cha hoặc anh trai đang sống ở nước ngoài và do đó, bị loại trừ khỏi trách nhiệm thực hiện nghi lễ hiến tế trong lễ Eid Al-Adha.

Chợ gia súc Ruqya Fareed cũng tạo cơ hội cho phụ nữ buôn bán gia súc trải nghiệm những thay đổi tích cực. Tại chợ, phụ nữ được trao quyền và có được sự độc lập kinh thông qua việc tự kiểm soát hoạt động mua bán của mình, đảm bảo rằng họ không bị thiệt thòi hoặc bị tước đoạt những lợi ích kinh tế đáng lẽ phải thuộc về họ. Fareed nói: "Khu chợ này đóng vai trò như một nền tảng và mở ra những con đường mới cho những phụ nữ chăn nuôi động vật hiến tế quanh năm nhưng thường không được hưởng lợi từ những nỗ lực của mình".

"Khu chợ này dành cho những phụ nữ nuôi gia súc và động vật tại trang trại hoặc sân sau, hoặc trên mái nhà hoặc vườn tược", Fareerd nói, đồng thời mời tất cả phụ nữ bán động vật họ nuôi tại chợ gia súc do cô lập ra. Một số phụ nữ là trụ cột duy nhất trong gia đình trong khi những người khác hỗ trợ gia đình chăn nuôi.

Pakistan: Khu chợ được mở để phụ nữ mua bán gia súc - Ảnh 2.

Tại chợ gia súc chợ Ruqya Fareed ở thị trấn Shadman (Krarchi), phụ nữ được thoải mái mua bán gia súc.

Thu hút kẻ mua người bán

Khi lễ Eid Al-Adha đến gần, các chợ gia súc được mở khắp Pakistan và thu hút một lượng lớn người mua. Họ thương lượng giá cả và lựa chọn những con vật như dê, bò, cừu và lạc đà tốt nhất để hiến tế.

Chợ gia súc Ruqya Fareed ở Karachi độc đáo và nổi bật so với các chợ gia súc khác vì nó được thiết kế đặc biệt dành cho phụ nữ và thân thiện với gia đình. Một trong những điểm chính tại khu chợ này là con bò trắng tên Babloo và con bò đỏ tên Laali. Những con vật này thu hút sự chú ý của người mua hàng tiềm năng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Noor Jehan, một người bán hàng, cho biết cô đã bán được 4 con dê trong tuần đầu tiên sau khi mở quầy. Cô nói: "Tôi yêu động vật. Tôi nuôi dê suốt cả năm và sau đó bán chúng vào dịp lễ Eid Al-Adha. Phụ nữ đang quan tâm và đến khu chợ này. Tôi đã giảm giá đặc biệt cho họ". Noor Jehan cũng khuyến khích những phụ nữ khác coi buôn bán động vật là cơ hội kinh doanh. Cô cho biết công việc này tạo ra tiềm năng lợi nhuận đáng kể.

Hira Shams, một phụ nữ đã đến chợ gia súc cho phụ nữ, bày tỏ niềm vui và sự hài lòng của mình với nhiều loại vật nuôi được bán tại chợ. "Tôi rất hào hứng khi có thể tự mình chọn con vật hiến tế. Trước đây, phụ nữ chúng tôi bị mất cơ hội này vì chỉ có các thành viên nam trong gia đình mới đi chợ gia súc", cô nói và cho biết đây là một thay đổi đáng mừng khi phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo và tham gia tích cực vào thị trường mua bán gia súc.

Pakistan: Khu chợ được mở để phụ nữ mua bán gia súc - Ảnh 3.

Ở Pakistan, đàn ông thường là người lựa chọn động vật, thương lượng giá cả và mua bán vào lễ Eid Al-Adha.

Giảm giá đặc biệt cho phụ nữ

Động vật trong chợ đến từ các vùng khác nhau ở Pakistan, cụ thể là Punjab và Karachi. Chợ chỉ có 10 gian hàng, và phụ nữ sẽ được giảm giá. Fareed cũng nhận được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, bao gồm quan chức chính phủ, cảnh sát và lực lượng kiểm lâm bán quân sự, về việc đảm bảo an ninh cho chợ.

Khi gần đến lễ Eid Al-Adha, khu chợ nhộn nhịp với các gia đình lựa chọn con vật hiến tế, phản ánh tinh thần lễ hội và phong tục truyền thống gắn liền với lễ. Rani, một người bán gia súc đến từ Karachi, đã bán được 12 con dê trong vòng chưa đầy một tuần với giá từ 50.000 rupee (hơn 4 triệu đồng) mỗi con trở lên. Đảm nhận việc kinh doanh của cha sau khi ông qua đời, Rani là một trong những phụ nữ bán gia súc đầu tiên ở chợ.

Khi đến chợ, phụ nữ có thể mua được gia súc với giá hời. Chợ có giá cả hợp lý và có "giảm giá đặc biệt dành riêng cho khách hàng nữ", Fareed nói và cho biết gần đây họ đã bán được cùng lúc 50 con dê.

Ashi Kanwal, một phụ nữ địa phương, đã mua được một con bò với giá "phải chăng" trong lần đầu tiên đến chợ. "Tôi đã nghe nói về chợ. Con trai rủ tôi đi cùng vì chồng tôi không có thời gian. Vì vậy tôi đến đây, thương lượng giá và mua được một con bò", cô nói, đồng thời nhấn mạnh sự thuận tiện và dễ dàng khi đến chợ Ruqya Fareed ở thị trấn Shadman so với các chợ gia súc khác, đặc biệt đề cập đến Sohrab Goth, chợ gia súc chính của Karachi.

Ashi giải thích rằng phụ nữ đi các chợ khác một mình không tiện. Tuy nhiên, cô thấy thoải mái khi đến chợ Ruqya Fareed. "Chúng tôi không thể đi một mình khi đến Sohrab Goth hoặc các chợ gia súc khác. Rất không tiện cho phụ nữ chúng tôi. Chúng tôi thấy thoải mái khi đến đây. Bầu không khí thân thiện, đồ ăn thức uống được cung cấp cũng tốt. Tôi có thể sẽ đến chợ vào năm tới".

Với phụ nữ ở Karachi, chợ gia súc độc đáo này không chỉ tôn vinh tinh thần của lễ hội Eid Al-Adha mà còn là một ví dụ về tiềm năng của phụ nữ ở Pakistan.


Nguồn: Arab News, Gulf News

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.