Kịch múa Rô Băm - nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của người Khmer tỉnh Sóc Trăng

 Các nhân vật trong sân khấu Rô Băm.

Các nhân vật trong sân khấu Rô Băm.

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Khmer Nam Bộ gọi với tên khác là sân khấu kịch múa Rô Băm, hát Rằm hay hát Riêm Kê.

Ngày 29/1/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL công nhận và đưa Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Rô Băm ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề là một trong những Đoàn nghệ thuật Rô Băm tiêu biểu được thành lập khá sớm so với các tỉnh khác ở Nam Bộ và đã được truyền qua nhiều đời trưởng đoàn, là đoàn gia đình biểu diễn nghệ thuật sân khấu Rô Băm cuối cùng của cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.

Kịch múa Rô Băm- nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của người Khmer tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 2.

Nhân vật Công Chúa trong sân khấu Rô Băm.

Tên gọi Đoàn Rô Băm Bưng Chông gắn với địa danh nơi đoàn Rô Băm ra đời. Từ khi thành lập đến nay Đoàn Rô Băm Bưng Chông đã trải qua 07 đời Trưởng đoàn, từ ông Chắt sáng lập đến ông Prum, ông Phô, ông Công, ông Phia, ông Đốc, ông Lâm Ven và hiện nay là Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương làm Trưởng đoàn. Tính đến nay tuổi đời của Đoàn Rô Băm Bưng Chông cũng đã trên 100 tuổi.

Kịch múa Rô Băm- nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của người Khmer tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 3.

Các loại mặt nạ trong sân khấu Rô Băm.

Có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của nghệ thuật sân khấu Rô Băm, nhưng ý kiến được sự đồng thuận nhiều nhất là nghệ thuật sân khấu Rô Băm có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long cách nay khoảng hơn 200 năm.

Khi mới xuất hiện sân khấu Rô Băm chỉ là trò giải trí đơn thuần nhằm phục vụ cho tầng lớp khá giả trong xã hội đương thời. Theo thời gian, nội dung các tuồng tích trong sân khấu Rô Băm cũng được người Khmer chuyển thể vượt ra khỏi tính chất sử thi, cung đình có cội nguồn từ Ấn Độ, để bổ sung thêm những nội dung cho gần gũi hơn với cuộc sống đời thường của người dân, thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân lao động. Vì vậy, sân khấu Rô Băm không chỉ là loại hình nghệ thuật "sân khấu cung đình" nữa, mà trở thành loại hình nghệ thuật của đại chúng và được cộng đồng người Khmer yêu thích.

Kịch múa Rô Băm- nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của người Khmer tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 4.

Nhân vật Chằn trong sân khấu Rô Băm.

Sân khấu Rô Băm thường được diễn trong thời gian lễ hội, tết cổ truyền của cộng đồng người Khmer, như các lễ cầu an (làm phước) trong mùa khô từ tháng 2 đến 4 hàng năm, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ dâng bông, lễ sen Đôlta, lễ Óoc Om Bóc (cúng trăng),... các Đoàn Rô Băm được các phum, sóc ở khắp nơi mời về diễn.

Trước khi đi biểu diễn nơi xa, ông bầu của các gánh hát Rô Băm thường phải tổ chức cúng tại tư gia, vừa có mục đích tụ tập các diễn viên, cũng như vừa cầu xin cho chuyến lưu diễn xuôi buồm mát mái. Lễ vật cúng tổ trước khi đi diễn có gà luộc, vải trắng, bánh ngọt, cốm nổ, trái dừa (sla thor), sala chrom (thân chuối hình nón được trang trí trầu cau), gạo, rượu, nhang, đèn, bạc cắc,...

Sân khấu Rô Băm là loại hình kịch múa sân khấu cổ điển đã được người Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng, được dân gian hóa đầy tính sáng tạo. Nghệ thuật sân khấu Rô Băm đã ra đời, gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội của người Khmer đương thời. Vì vậy, chúng ta cũng hiểu được phần nào lịch sử xã hội vùng đồng bằng Cửu Long nói chung và tộc người Khmer Sóc Trăng nói riêng. Loại hình nghệ thuật vừa cổ điển, vừa dân gian, có vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer trong những lễ hội, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quý giá, đại diện cho nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.

Điểm thu hút của loại hình nghệ thuật này là những chiếc mặt nạ của các diễn viên khi họ hóa thân vào nhân vật. Một số mặt nạ được sử dụng trong các vở diễn như mặt nạ chằn, mặt nạ khỉ Hanuman; mặt nạ hoàng tử, mặt nạ công chúa…

Nội dung của vở diễn thường đặc tả lại các tích xưa về tiên, phật, vua, chúa, hoàng tử, công chúa; chằn, khỉ, chim đại bàng… Ở đó có hai thế lực thiện và ác chống đối nhau và cuối cùng thiện vẫn thắng ác. Sân khấu Rô Băm được nhiều người yêu thích và cuốn hút bởi nét đặc sắc ẩn chứa qua các điệu múa và những chiếc mặt nạ.

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ ngoài việc đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu Rô Băm là nơi truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng.

Hiện nay, nghệ thuật sân khấu Rô Băm tại Sóc Trăng đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan hữu quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Trần Đề chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu, nghiên cứu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm chứa trong lòng nó một kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ bị mai một và cần được nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy một cách có bài bản trong cộng đồng.

Để góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con đồng bào Khmer, góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy các giá trị truyền thống và để đáp lại sự tâm huyết bao năm qua của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương, Uỷ ban nhân tỉnh Sóc Trăng vừa công nhận nghệ thuật Rô Băm của doanh nghiệp tư nhân Đoàn nghệ thuật Rô Băm Khmer Resmay Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn