Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian

15/09/2022 15:30
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022 là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi Trung bộ đã được UNESCO ghi danh.

Đầu tháng 9/2022, 250 nghệ nhân của 8 câu lạc bộ bài chòi dân gian ở tỉnh Bình Định và 5 câu lạc bộ bài chòi của các tỉnh, thành phố, gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng đã tham gia Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022. Đây là lần đầu tiên Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng được tổ chức nhằm vinh danh giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh.

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 1.

Hội đánh bài chòi gồm có 9 chòi được bố trí hình chữ nhật theo 2 dãy song song, đối diện nhau. Chòi số 9 gọi là chòi trung ương cao và rộng hơn các chòi con. Đối diện giữa chòi trung ương và 2 dãy chòi con là bàn hội đồng.

Nghệ thuật bài chòi Trung bộ (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng) là loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính là chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Chơi bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào các dịp lễ, Tết.

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 2.

Con bài được đặt bằng những cái tên mang tính ước lệ như: bạch huê, nhứt trò, nhì nghèo, ba bụng, tứ cẳng, ngũ trượt…

Thông qua nội dung của những câu hát, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng… Không chỉ mang đậm tính nhân văn, nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017 khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu, lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Theo kết quả kiểm kê mới nhất của Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2022, hiện có 1.376 người (870 nam, 506 nữ) trong 86 đội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành bài chòi tại 9 tỉnh, thành phố nói trên. Tại Bình Định và Quảng Nam, bài chòi phát triển mạnh với 37 câu lạc bộ, 27 gia đình, 106 nghệ nhân (71 nam, 35 nữ) và có ảnh hưởng tới các tỉnh còn lại.

Anh, chị hiệu hô bài chòi. Bài chòi có hai hình thức chính là chơi bài chòi và trình diễn bài chòi.

Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022 góp phần thể hiện niềm vinh hạnh của vùng đất miền Trung "sơn kỳ thủy tú" đang nắm giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể quý báu của nhân loại, khơi nguồn cảm hứng trong lao động sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ những người làm nghề, sự tán thưởng của công chúng đối với nghệ thuật bài chòi.

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 5.

Chị hiệu dâng rượu cho người chiến thắng.

Trong khuôn khổ các hoạt động của liên hoan, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian". Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, nghệ nhân đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh về việc thực hành, truyền dạy, kiểm kê, tư liệu hóa di sản bài chòi; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là giới trẻ đối với di sản bài chòi; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ của nghệ thuật bài chòi dân gian; chính sách đối với các nghệ nhân, nhóm, câu lạc bộ bài chòi hoạt động; quảng bá về giá trị di sản bài chòi dân gian gắn với công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Có thể thấy, song hành với thời gian, nghệ thuật bài chòi không ngừng được chọn lọc, kế thừa, nâng cao tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn của người dân miền Trung. Bản sắc ấy làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ và bồi đắp cho mối liên kết cộng đồng ngày thêm bền chặt. Vì vậy, di sản nghệ thuật bài chòi không chỉ tồn tại, thăng hoa trong phạm vi khu vực Trung bộ mà còn lan tỏa ra trong và ngoài nước. Có được thành quả ấy, trước hết là nhờ công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân đã lao động, sáng tạo, giữ gìn, trao tuyền qua năm tháng.

Một số hình ảnh trích đoạn bài chòi:

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 6.

Trích đoạn bài chòi "Ông Xã - Bà Đội" do các nghệ nhân biểu diễn tại Hội thảo khoa học về Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định lần thứ II năm 1983 - Ảnh tư liệu.

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 7.

Các nghệ nhân trình diễn bài chòi "Lâm Sanh - Xuân Nương" nhân kỷ niệm 30 thành lập Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định năm 1992. Ảnh tư liệu.

Lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian - Ảnh 8.

Các nghệ nhân trình diễn bài chòi "Phạm Công - Cúc Hoa". Ảnh tư liệu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn