Làng gốm Thanh Hà - Nét trầm mặc giữa lòng Hội An thơ mộng

16/09/2023 14:23
Tại làng gốm Thanh Hà, các nghệ nhân vẫn làm thủ công tất cả các công đoạn

Tại làng gốm Thanh Hà, các nghệ nhân vẫn làm thủ công tất cả các công đoạn

Nằm bên dòng sông Thu Bồn thanh bình, làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) có hơn 500 năm hình thành và phát triển đã làm nên tên tuổi một vùng đất. Vớ bàn tay tài hoa và tấm lòng nhiệt thành, những nghệ nhân tâm huyết nơi đây vẫn đang ngày đêm miệt mài thổi hồn cho đất.

Làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam)

Những con đường cổ trầm mặc, những chiếc lồng đèn xinh xắn hay Chùa Cầu cổ kính là những gì mà ta nhớ về Hội An. Nhưng Hội An còn đẹp và thu hút du khách bởi những làng nghề truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Từ buổi xa xưa, khi đồ gốm đất nung còn là vật dụng phổ biến được đại đa số người dân sử dụng, làng gốm Thanh Hà đã từng có thời vàng son, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách "thổ sản quốc gia". Từ đó người dân nối nghiệp cha ông mình từ đời này qua đời khác. 

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đặc biệt là qua hai cuộc chiến tranh Pháp và Mỹ tàn khốc, có thời điểm, tưởng chừng như ngôi làng này sẽ bị mọi người lãng quên. Thế nhưng với tâm huyết của của người gắn bó cả cuộc đời với đất và lửa, những nghệ nhân nơi đây đã quyết tâm vực dậy nét đẹp của một làng nghề truyền thống. Kể từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, làng nghề đã được đầu tư, phát triển để trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn.

Sự độc đáo của gốm Thanh Hà chính là người nghệ nhân làm gốm tạo hình bằng tay và hoàn toàn không dùng khuôn. Những người nghệ nhân thường kết hợp với nhau thành cặp, một người đứng với hai tay nhào đất còn chân đạp bàn xoay, người còn lại ngồi chuốt gốm trên bàn xoay. Những kĩ thuật truyền thống qua bao đời vẫn được giữ vẹn nguyên trong từng sản phẩm.

Du khách đến thăm làng sẽ được trải nghiệm tự tay làm sản phẩm gốm. Từ những thỏi đất sét vô hồn, qua bàn tay điêu luyện của những người nghệ nhân, những con tò he, những chiếc nồi, những bình hoa... như được sống dậy bởi những tâm tư riêng của từng người làm ra chúng. Có thể nói, làng gốm Thanh Hà đã trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền không chỉ riêng của Hội An, mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn