Lào Cai: Duy trì các mô hình thiết thực phòng, chống tảo hôn

09/03/2023 11:08
Lực lượng Công an lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn ở vùng cao Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Lực lượng Công an lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn ở vùng cao Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xuất hiện tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, thành lập nhiều mô hình hiệu quả, góp phần phòng chống tảo hôn trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 197 người chưa đủ tuổi kết hôn sống người khác như vợ chồng, vi phạm quy định về tảo hôn. Trong đó có 615 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Riêng 2 tháng đầu năm 2023 có 13 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông.

Nhờ hoạt động tuyên truyền, vận động từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương, đã ngăn chặn được 197 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng.

Tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn, chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai), cho biết: Toàn xã có hơn 900 hội viên, phụ nữ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mông, Dao. Những năm gần đây, đời sống đã có đổi mới, nhận thức của hội viên, phụ nữ, trẻ em gái từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những tập quán cũ và nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn.

Vì vậy, thời gian qua, Hội LHPN xã, các Chi hội phụ nữ tích cực triển khai các hoạt động nhằm phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Hội LHPN xã luôn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Phát huy lợi thế của tổ chức Hội đến từng thôn bản, đặc biệt là các chị em ở chi tổ là người bản địa, am hiểu phong tục, tập quán, nắm bắt nhanh các trường hợp tảo hôn để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn kịp thời. Nhờ đó, thời gian qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với UBND xã, các ban, ngành kịp thời phát hiện và lập biên bản 3 cặp có nguy cơ tảo hôn trên địa bàn.

Theo bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động để phòng, chống tảo hôn. Trong 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ Lào Cai đã chỉ đạo, thành lập mới, duy trì 41 mô hình phòng, chống tảo hôn cấp tỉnh với hơn 1.300 thành viên tham gia, điển hình như "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết", "Cha mẹ đồng hành cùng con nói không với tảo hôn"…, lồng ghép trong 1.080 mô hình trong gia đình.

Lào Cai: Duy trì các mô hình thiết thực phòng, chống tảo hôn - Ảnh 1.

Hội nghị thành lập mô hình "Cha mẹ đồng hành cùng con nói không với tảo hôn"

Để phát huy hiệu quả thiết thực phòng, chống tảo hôn, các mô hình thành lập Ban chỉ đạo, tổ tư vấn và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên. Trong đó tập trung vào mục tiêu tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức, hiểu biết pháp luật liên quan tới hôn nhân, gia đình. Qua đó, góp phần làm thay đổi hành vi về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Đồng thời, theo bà Vũ Thị Tân, các mô hình, hoạt động phòng chống tảo hôn cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương. Trong đó, các cán bộ Hội cơ sở tập trung phối hợp với các trưởng thôn bản, người uy tín trong cộng đồng, chính quyền, ban ngành đoàn thể để phổ biến, tuyên truyền, nắm bắt kịp thời các trường hợp có nguy cơ tảo hôn cao và ngăn chặn kịp thời các vụ việc tảo hôn mới phát sinh.

Bà Vũ Thị Tân chia sẻ: Để duy trì các mô hình phòng chống tảo hôn, cần có sự linh hoạt giữa các vùng miền, phong tục tập quán của từng khu vực. Lào Cai có 9 huyện, thành phố với đặc điểm, yếu tố vùng miền, dân tộc khác nhau nên khi triển khai, các cấp Hội cần có sự sáng tạo, linh hoạt khác nhau. Đồng thời vẫn có sự tập trung nắm bắt, rà soát đối tượng đích là trẻ vị thành niên nhóm từ 13 đến dưới 18 tuổi - đây là nhóm trẻ có nguy cơ tảo hôn cao.

Lào Cai: Duy trì các mô hình thiết thực phòng, chống tảo hôn - Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng thời, các cấp Hội cũng phối hợp với các bên liên quan như nhà trường và thông qua các kênh cha mẹ học sinh nắm bắt số lượng và phục vụ tuyên truyền. Bên cạnh đó, Hội khai thác các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động có lồng ghép nội dung phòng, chống tảo hôn vào các quy ước, hương ước các thôn bản. Với các cách thức duy trì các mô hình trên, bà Vũ Thị Tân cho biết: Đến nay, tỉnh Lào Cai không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Số vụ tảo hôn giảm dần qua các năm. Các cấp Hội đã kịp thời phát hiện, vận động được 495 cặp không cưới tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt vai trò trong phòng, chống tảo hôn; góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đề ra 6 giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN và các tổ chức đoàn thể khác trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trực tiếp đến thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên vận, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Xây dựng các mô hình điểm hướng tới mục tiêu không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống để học tập, nhân rộng, thu hút người dân tham gia thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.