Lễ cưới của dân tộc Xơ Đăng thể hiện nhiều nghi lễ, tập tục có nhiều nét riêng độc đáo, thấm đẫm chất nhân văn.

Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng

Lễ cưới của dân tộc Xơ Đăng thể hiện nhiều nghi lễ, tập tục có nhiều nét riêng độc đáo, thấm đẫm chất nhân văn.
Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng - Ảnh 1.

Trang phục truyền thống và một số lễ vật của chú rể mang đến nhà gái

Dân tộc Xơ Đăng sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, một bộ phận ở tỉnh Quảng Nam với nhiều nhóm địa phương khác nhau như: Hà Lăng, Tơ Đrá, Mnâm, Xơ Teng, Ca Dong...

Người Xơ Đăng bảo lưu nhiều di sản văn hóa phi vật thể như lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ cưới...

Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng - Ảnh 2.

Ông mai với chiếc gùi 3 ngăn mang các đồ vật để làm nghi lễ trong đám cưới

Theo phong tục cổ truyền con trai, con gái dân tộc Xơ Đăng khi trưởng thành bắt đầu tìm cho mình một người ưng ý để làm vợ, làm chồng. Từ đó thưa với cha mẹ của mình để tìm người mai mối.

Người mai mối là người có uy tín trong làng, am hiểu phong tục, có hôn nhân hạnh phúc, được dân làng kính trọng. Sau khi mai mối thành công hai bên gia đình tổ chức lễ ăn hỏi.

Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng - Ảnh 3.

Phụ rể mang lồng gà trống đến làm quà tặng nhà gái

Lễ ăn hỏi được tổ chức tại nhà gái. Đoàn nhà trai gồm ông mối, cha mẹ chú rể, anh em chú bác mang các món lễ vật sang nhà gái, gồm: trầu cau, thuốc bột, thịt khô, cá, một con gà trống, một con gà mái. Chủ lễ cắt tiết gà cúng trình tổ tiên và sau đó cô dâu, chú rể trao trầu cau cho nhau, thề nguyền suốt đời không bỏ nhau.

Buổi lễ kết thúc, cô gái theo về nhà trai ở từ 1 đến 2 hôm, cùng đi làm nương rẫy với nhau, sau đó chàng trai đưa cô gái về lại nhà mình.

Thời gian sau, khi đủ điều kiện về vật chất, ông mai sẽ bàn với gia đình hai bên để chuẩn bị chọn ngày cưới.

Lễ vật nhà trai gồm có 2 vòng đồng đeo tay, 2 vòng đeo cổ, chuỗi cườm, 2 ống đựng bột thuốc lá, chiêng, ché, vải dệt,…

Nhà gái chuẩn bị 2 vòng cườm đeo tay, rượu cần, củi, trầu cau và các món ẩm thực khác để chiêu đãi họ hàng. Sau khi được nhà gái mời vào nhà, nhà trai trình lễ vật để ông mai (chủ lễ) cúng thần linh và trao tặng lễ vật.

Ông mai sửa soạn và đeo các món trang sức như chuỗi cườm, vòng tay, vòng cổ, trao ống đựng bột thuốc lá cho cô dâu chú rể.

Đầu tiên, chủ lễ đeo vòng tay, vòng cổ, xâu cườm... cho cô dâu, sau đó trao (bằng cách trao chéo tay) ống đựng thuốc bột, hai nắm cơm, hai miếng thịt gà cho cô dâu và chú rể.

Ông mai trao nắm cơm gạo đỏ, thịt gà luộc cho cô dâu chú rể

Đôi tân hôn bôi cơm lên đầu nhau thể hiện hồn của hai người đã nhập làm một. Chủ lễ còn bôi huyết gà lên trán cô dâu chú rể để xua đuổi hồn ma ra khỏi thể xác của nhau.

Sau phần nghi lễ cô dâu, chú rể và họ hàng ăn uống, ca hát, nhảy múa, đánh trống, gõ chiêng mừng đôi tân hôn. Xong lễ cưới tại nhà gái, cô dâu theo chồng về nhà trai, mang theo một bó củi tượng trưng cho việc chuyển mọi sinh hoạt của mình qua bên nhà chồng.

Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng - Ảnh 6.

Cô dâu và chú rể uống chung ché rượu cưới

Lễ cưới thấm đẫm chất nhân văn của người dân tộc Xơ Đăng - Ảnh 7.

Bà con họ hàng mừng đám cưới với những bài hát dân ca, điệu trống chiêng

Đến nhà trai, cô dâu đứng ở bên ngoài đợi khi trời tối, khi nhà trai mời đầy đủ họ hàng đến để chứng kiến và ra mắt cô dâu, lúc ấy cô dâu mới được vào nhà và bắt đầu tổ chức ăn mừng.

Khi họ hàng ai về nhà nấy, hai vợ chồng trẻ vào buồng tối cùng uống rượu, ăn thịt với ý nghĩa bồi bổ sức khỏe để xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái.

Tấn Vịnh
01/07/2023 09:32