Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo

25/06/2023 14:00
Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện quanh Kaaba ở thành phố thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi vào năm 2022.

Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện quanh Kaaba ở thành phố thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi vào năm 2022.

Cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới sẽ tham gia hai sự kiện quan trọng vào tuần sau là lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha.

Hajj, lễ hành hương lớn nhất của Hồi giáo, bắt đầu vào thứ Hai, ngày 26 tháng 6 trong và quanh thành phố Mecca, Ả Rập Saudi. Còn Eid al-Adha, hay Lễ hiến sinh, diễn ra vào ngày thứ ba của Hajj và rơi vào ngày 28 tháng 6.

Lễ hành hương Hajj

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới sau Ki-tô giáo. Theo cơ sở dữ liệu của trang Statista, có khoảng 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu, với các cộng đồng Hồi giáo lớn nhất sống ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, Indonesia có số lượng người Hồi giáo cao nhất trên toàn thế giới, lên tới hơn 200 triệu người, tiếp theo là Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.

Hồi giáo cũng có mặt ở Châu Âu và Châu Mỹ. Các cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu là ở Pháp (5,72 triệu người), Đức (4,95 triệu người) và Vương quốc Anh (4,13 triệu người). Tại Mỹ, ước tính có khoảng 3,45 triệu người theo đạo Hồi.

Hajj là một trong năm trụ cột của Hồi giáo, bên cạnh việc tuyên xưng đức tin, cầu nguyện hàng ngày, nhịn ăn, bố thí. Hajj rơi vào ngày thứ tám của tháng Hồi giáo Dhul-Hijja, là tháng thứ 12 và cũng là tháng cuối cùng trong lịch âm của Hồi giáo.

Hành hương đến Mecca là nghĩa vụ mà các tín đồ Hồi giáo phải hoàn thành ít nhất một lần trong đời nếu có đủ khả năng. Người Hồi giáo tin rằng Hajj đóng vai trò như một phương tiện để tẩy sạch tội lỗi và đưa họ đến gần Thánh Allah hơn.

Mecca, thành phố linh thiêng nơi diễn ra Hajj, có khí hậu sa mạc nóng bức. Trong những tháng mùa hè, nhiệt độ thường vượt quá 42°C. Ước tính cho thấy sẽ mất ít nhất bảy năm đến khi nhiệt độ cao trung bình ở Mecca giảm xuống dưới 38°C. Vì Hồi giáo theo âm lịch nên Hajj diễn ra sớm hơn khoảng 11 ngày mỗi năm. Vào năm 2030, Hajj sẽ diễn ra vào tháng 4 và vài năm sau đó sẽ rơi vào mùa đông, thời gian nhiệt độ ôn hòa hơn.

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 2.

Mỗi năm có khoảng 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Mecca để tham gia lễ hành hương Hajj

Ngày 25 tháng 6, người hành hương Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung tại Mecca để bắt đầu lễ hành hương Hajj. Khi đến nơi, họ bước vào trạng thái ihram, một trạng thái thiêng liêng biểu thị sự sẵn sàng của các tín đồ Hồi giáo trong cuộc hành hương và thực hiện các nghi lễ liên quan đến Hajj.

Đối với nam giới, trang phục ihram bao gồm hai lớp vải, một mảnh quanh eo và một mảnh khác vắt qua vai trái, vai phải luôn để trần. Phụ nữ không bắt buộc phải mặc trang phục ihram cụ thể. Họ có thể mặc bất kỳ loại quần áo giản dị nào nhưng phải tuân thủ các quy tắc về khăn trùm đầu và không được che mặt.

Hajj có ý nghĩa quan trọng trong đạo Hồi vì tái hiện cuộc hành hương cuối cùng của nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập ra Hồi giáo) vào năm 632 sau Công nguyên trước khi qua đời. Trong chuyến hành hương này, Muhammad đã lần theo dấu chân của Ibrahim (Abraham trong Do Thái giáo, Ki-tô giáo) và Ishmael (con đầu lòng của Ibrahim) trên sa mạc.

Trung tâm của lễ hành hương Hajj là thánh địa Mecca, nơi có nhà thờ Kaaba, một cấu trúc tựa hình hộp chữ nhật xây bằng đá granite. Hắc Thạch nằm trong một góc tòa nhà Kaaba, nơi được cho là địa điểm nhà tiên tri Mohammed ra đời và nhiều người Hồi giáo tin rằng phiến đá có năng lực siêu nhiên.

Hajj là lễ hành hương lớn nhất và quan trọng nhất của Hồi giáo. Trước đại dịch COVID-19, trung bình có 2 triệu người đến Mecca hành hương mỗi năm. Vào năm 2022, trong bối cảnh thực hiện các biện pháp hạn chế do đại dịch, gần một triệu người Hồi giáo đã thực hiện Hajj.

Theo cục thống kê của Ả Rập Saudi, phần lớn những người hành hương đến từ các nước châu Á, tiếp theo là những người hành hương đến từ các quốc gia Ả Rập.

Phụ nữ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới được phép tự mình thực hiện Hajj và Umrah (cuộc hành hương đến Mecca vào bất kỳ thời điểm nào trong năm) sau quyết định bãi bỏ quy định yêu cầu phụ nữ phải đi cùng một mahram, thường là chồng hoặc người giám hộ là nam giới, của Ả Rập Saudi vào năm ngoái.

Ngày 1: Vào ngày đầu tiên của Hajj, người hành hương thực hiện tawaf – đi bộ quanh Kaaba bảy lần. Hành động này biểu thị lòng thành kính của người hành hương và mong muốn được đến gần Thánh Allah hơn.

Sau tawaf, người hành hương thực hiện sai – đi bộ hoặc chạy bảy lần giữa các ngọn đồi Safa và Marwa, nằm gần Kaaba. Sai dùng để tưởng nhớ Hajar, vợ của nhà tiên tri Ibrahim, người đã bảy lần đi bộ giữa những ngọn đồi này để tìm nước cho con trai là Ishmael.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ này, người hành hương đến Mina, thành phố của những túp lều, cách Mecca khoảng 8km. Nơi đây như một địa điểm ở tạm thời cho người hành hương Hajj. Họ ngủ qua đêm và cầu nguyện, tìm kiếm trải nghiệm tâm linh và suy ngẫm về ý nghĩa của chuyến hành hương.

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 4.

Vào ngày đầu tiên của Hajj, người hành hương thực hiện tawaf – đi bộ quanh Kaaba bảy lần

Ngày 2: Người hành hương đến núi Arafat, địa điểm được cho là nơi nhà tiên tri Mohammed thuyết pháp lần cuối, cách Mecca khoảng 20km về phía đông nam. Tại đây, các tín đồ cầu nguyện và xin tha thứ cho tội lỗi của mình, đồng thời suy ngẫm và nhìn nhận lại bản thân.

Sau khi mặt trời lặn, người hành hương di chuyển đến đồng bằng Muzdalifa gần đó. Họ qua đêm ngoài trời, cầu nguyện và tưởng nhớ Thánh Allah. Người hành hương sẽ tìm đá cuội ở Muzdalifa để tham gia nghi lễ ném đá vào quỷ dữ, một nghi lễ quan trọng trong lễ hành hương Haji.

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 5.

Trong ngày thứ hai của Hajj, người hành hương đến núi Arafat, địa điểm được cho là nơi nhà tiên tri Mohammed thuyết pháp lần cuối

Ngày 3: Người hành hương trở lại Mina để thực hiện nghi lễ ném đá vào quỷ dữ tại bức tường lớn Jamarat. Nghi thức ném đá biểu thị quyết tâm của những người hành hương chống lại và vượt qua ảnh hưởng của cái ác trong cuộc sống.

Tiếp theo, người hành hương sẽ hiến tế một con vật, thường là cừu. Đây cũng là ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha. Sau đó, họ tiến hành cạo hoặc cắt tóc và thay ihram.

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 6.

Người hành hương thực hiện nghi lễ ném đá vào quỷ dữ tại bức tường lớn Jamarat

Ngày 4 đến ngày 6: Trong những ngày tiếp theo, người hành hương thực hiện tawaf và trở lại Mecca, sau đó quay trở lại ném đá vào bức tường Jamarat. Trước khi rời Mecca, họ phải thực hiện tawaf lần cuối để hoàn thành chuyến hành hương Hajj.

Lễ Eid al-Adha

Eid al-Adha, hay Lễ hiến sinh, là lễ hội tôn giáo quan trọng của các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Eid al-Adha diễn ra vào ngày thứ ba của Hajj và năm nay rơi vào ngày 28 tháng 6. Lễ kéo dài trong ba ngày và được coi là lễ hội lớn thứ hai trong lịch Hồi giáo, sau Eid al-Fitr, lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng nhịn ăn Ramadan.

Vào ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha, những người Hồi giáo có khả năng tài chính sẽ hiến tế một con vật, thường là cừu, dê, bò hoặc lạc đà. Eid al-Adha được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh nhà tiên tri Ibrahim, người đã sẵn lòng hiến tế con trai Ishmael cho Thượng đế trước khi ông được Thượng đế trao cho một con cừu làm vật hiến tế thay thế.

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 7.

Các tín đồ Hồi giáo trong lễ Eid-ul-Adha tại Jama Masjid ở Delhi, Ấn Độ vào năm 2022

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 8.

Người Palestine đón mừng ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha ở Jerusalem, Israel vào năm 2022

Lễ hành hương Hajj và lễ Eid al-Adha của Hồi giáo - Ảnh 9.

Người Hồi giáo cầu nguyện trong lễ Eid al-Adha ở Surabaya, phía đông Java, Indonesia vào năm 2022

Sau khi hiến tế, thịt được chia thành ba phần bằng nhau. Một phần giữ lại để gia đình ăn, một phần được chia sẻ với người thân và bạn bè và phần còn lại tặng cho những người kém may mắn hơn, bao gồm cả người nghèo và người túng thiếu. Nghi thức này của người Hồi giáo này được gọi là Qurbani hoặc Udhiya. Ở nhiều quốc gia, hoạt động này được thực hiện tại các lò mổ hoặc cửa hàng bán thịt. Còn ở một số vùng của Trung Đông, nó diễn ra ở những khu vực rộng rãi hoặc thậm chí trên đường phố.

Người Hồi giáo thường sẽ trang trí nhà cửa, mặc quần áo đẹp và đến nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện vào buổi sáng lễ Eid al-Adha. Sau khi cầu nguyện, hầu hết mọi gia đình sẽ tổ chức các buổi sum họp với những món ăn truyền thống và mời bạn bè cùng người thân đến nhà.

Bạn bè cũng đi chơi cùng nhau trong lễ Eid al-Adha vì dịp này là cơ hội để mọi người tụ tập và dành thời gian bên nhau. Đây cũng là thời điểm làm các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người kém may mắn và đề cao lòng trắc ẩn.

Nguồn: Al Jazeera

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.