Lễ hội ăn chay Phuket trở lại sau gián đoạn do đại dịch

03/10/2022 10:30
Một người sùng đạo với mô hình con tàu bị đâm qua má trong Lễ hội ăn chay Phuket. Ảnh: AFP.

Một người sùng đạo với mô hình con tàu bị đâm qua má trong Lễ hội ăn chay Phuket. Ảnh: AFP.

Lễ hội ăn chay Phuket của tín đồ Đạo giáo được coi là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất ở Thái Lan đang thu hút các đám đông và tín đồ sùng đạo.

Sau hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, lễ hội ăn chay Phuket hay lễ hội Cửu Hoàng đế của các tín đồ Đạo giáo đang diễn ra sôi nổi tại đảo Phuket, miền nam Thái Lan. Lễ hội được tổ chức trong 9 ngày, bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng chín âm lịch và sẽ có thời gian diễn ra khác nhau trong mỗi năm. Năm nay lễ hội kéo dài từ ngày 25/9 đến ngày 4/10.

Lễ hội tôn vinh tín ngưỡng của Đạo giáo

Lễ hội ăn chay Phuket nhằm tôn vinh tín ngưỡng của Đạo giáo đối với chín vị Hoàng đế. Trong dịp này các tín đồ sẽ tránh ăn tất cả các sản phẩm từ động vật với mong muốn xua đuổi vận rủi. Họ tin rằng việc kiêng ăn thịt, không quan hệ tình dục và không uống rượu giúp có sức khỏe tốt và tâm hồn bình yên.

Ngoài Thái Lan, lễ hội cũng được tổ chức ở một số quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia.

Lễ hội ăn chay Phuket trở lại sau gián đoạn do đại dịch  - Ảnh 1.

Những người mặc đồ trắng đổ xô đến lễ hội ăn chay Phuket. Ảnh: Reuters.

Không rõ nguồn gốc chính xác của lễ hội ăn chay, nhưng văn hóa dân gian cho thấy lễ hội xuất hiện từ năm 1825 khi một đoàn kinh kịch Trung Quốc đến Phuket và mắc bệnh sốt rét. Vào thời điểm đó, sốt rét được coi là một căn bệnh gây tử vong cao.

Để nhanh chóng bình phục, các thành viên đoàn ăn chay, không uống rượu và thực hiện một số nghi lễ của Đạo giáo. Điều này cũng liên quan đến việc cầu nguyện chín vị Hoàng đế nói trên. Kể từ đó, truyền thống này được tiếp tục qua nhiều thế hệ, trở thành một trong những lễ hội thu hút khách du lịch hàng năm nổi tiếng nhất ở Phuket.

Lễ hội ăn chay Phuket trước đó đã thu hút hàng nghìn du khách với mong muốn được ban phước lành và may mắn. "Tôi có thể làm sạch tâm trí và tập trung suy nghĩ", Teepakorn Kerdkla, 62 tuổi, nói khi chờ xem một đám rước với cảnh các tín đồ đâm vật nhọn vào mặt.

Lạ lùng với nghi thức đâm vật nhọn qua mặt

Lễ hội ăn chay Phuket trở lại sau gián đoạn do đại dịch  - Ảnh 2.

Một tín đồ với que nhọn đâm qua má tham gia đám rước trong Lễ hội ăn chay Phuket. Ảnh: AFP

Tại trung tâm thành phố Phuket vào thứ Sáu (ngày 30/9), hàng trăm tín đồ và những người thờ phượng đã diễu hành trong một đám rước để thể hiện lòng tôn kính với chín vị Hoàng đế. Trong lễ hội, nhiều người dùng những vật như que nhọn hay dùi đâm vào mặt và cơ thể khi đi qua các đường phố ở Phuket. Đây là biểu tượng cho những điều tội lỗi họ có thể đã nói ra trong thời gian qua.

Chitsanuphong Tankongkoy, 18 tuổi, nói: "Người tham gia lễ hội đâm các vật nhọn qua mặt như cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần cũng như loại bỏ những điều xui xẻo".

Lễ hội cũng được tổ chức ở Bangkok, nhưng với không khí ít sôi động hơn; phần lớn các lễ hội diễn ra ở Phuket. Mặc dù được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, lễ hội được tham gia bởi cả những người có và không có gốc Hoa, miễn là họ theo Đạo giáo.

Lễ hội ăn chay Phuket không khác biệt nhiều so với các lễ hội tôn giáo truyền thống khác ở châu Á. Trong thời gian lễ hội, đường phố ở Phuket mở các hàng quán bán món ăn chay, và một số thậm chí còn chuyển sang hoàn toàn thuần chay. Các quán mặn cũng thường ngừng bán những món ăn làm từ thịt trong thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội ăn chay Phuket trở lại sau gián đoạn do đại dịch  - Ảnh 3.

Một người đàn ông đâm que nhọn trong miệng và tay đang tham gia đám rước ở đền Bang Neow trong lễ hội. Ảnh: Reuters.

Trong lễ hội, mọi người đốt pháo khi nhạc truyền thống vang lên. Những người sùng đạo và những người tham gia xuống đường diễu hành trong vùng lân cận của sáu ngôi đền Trung Quốc nằm rải rác trên đảo Phuket, với đền chính là Jui Tui.

Sự trở lại của lễ hội là một điều đáng hoan nghênh cho ngành du lịch bị vùi dập bởi Covid-19 của Thái Lan. "Chúng tôi đã không đón lễ hội này trong một vài năm nên năm nay chúng tôi đặc biệt thích thú với nó. Tôi rất vui khi thấy nhiều người tham gia và đón mừng lễ hội", Rapeepan Naknakhon, 58 tuổi, cho biết.

"Tham gia lễ hội giống như việc chúng tôi thực hiện trách nhiệm bày tỏ sự kính trọng đối với các vị thần. Đó là một phần của nghi lễ gieo trồng phúc đức, tôi cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã trở nên tốt đẹp hơn", một người sùng đạo chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.