Dã quỳ là loài hoa hoang dại ở vùng đất đỏ bazan. Với vẻ đẹp quyến rũ của nó, hoa dã quỳ đã trở thành biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Riêng tỉnh Gia Lai, được thiên nhiên ban tặng rất nhiều thắng cảnh đẹp gắn liền với sắc hoa dã quỳ, đó là núi Hàm Rồng, khu vực chùa Bổ Minh, Biển Hồ Trà thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pả, đặc biệt là núi lửa Chư Đang Ya.

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách

Dã quỳ là loài hoa hoang dại ở vùng đất đỏ bazan. Với vẻ đẹp quyến rũ của nó, hoa dã quỳ đã trở thành biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Riêng tỉnh Gia Lai, được thiên nhiên ban tặng rất nhiều thắng cảnh đẹp gắn liền với sắc hoa dã quỳ, đó là núi Hàm Rồng, khu vực chùa Bổ Minh, Biển Hồ Trà thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pả, đặc biệt là núi lửa Chư Đang Ya.

Núi lửa Chư Đang Ya là một trong những thắng cảnh hấp dẫn nhất của Gia Lai, nơi được coi là "Thiên đường của hoa dã quỳ". Danh thắng này đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, muốn đến đây để ngắm hoa quỳ và đắm mình trong không gian lễ hội.

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 1.

Cúc quỳ rực vàng trên những con đường lên rẫy.

Cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 20 km về phía đông bắc, Chư Đang Ya là dấu tích của một miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm. Ngọn núi được tạo thành bởi dòng nham thạch phun trào. Trải qua hàng triệu năm, nham thạch núi lửa đã để lại cho Chư Đang Ya một vùng đất màu mỡ. 

Cây cối nơi đây xanh tốt quanh năm. Bà con dân tộc Jrai trồng những vạt ngô, khoai, dong riềng... trên triền núi tạo ra những hình khối, mảng màu rất đẹp mắt theo từng mùa. Đến đây du khách sẽ được thỏa mãn thị giác bởi sắc đỏ của hoa dong riềng xen với sắc xanh mơn mỡn của những vồng lang...

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 2.

Những gùi hoa cho mùa lễ hội.

Vào thời điểm hoa rộ, cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp, đồng bào tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ. Để tạo ra dấu ấn của ngày hội, huyện Chư Pah vận động bà con dân tộc cư trú ở 15 xã, thị trấn trưng bày các sản phẩm đặc sắc, độc đáo của Gia Lai.

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 3.

Điệu xoang dịu dàng của phụ nữ Jrai trong lễ hội hoa dã quỳ.

Mỗi làng đều bố trí một gian hàng nhỏ trưng bày những vật dụng như gùi, quả bầu khô, chày cối, chiêng ché và một vài sản vật như lúa rẫy, bắp, đậu, mè... Ẩm thực dân tộc cũng được khai thác với món ăn như cơm lam, canh thụt, món rau rừng, cà đắng, măng chua...

Tiết mục được mong đợi nhất chính là nghệ thuật diễn xướng gân gian tại không gian lễ hội. Trai gái trong làng háo hứng tham gia trình diễn trang phục, múa hát, đánh trống, gõ chiêng. Từ sáng sớm, những thiếu nữ mang gùi vào các triền núi hái những nhánh có nhiều bông hoa dã quỳ đặt vào trong chiếc gùi xinh xắn và không quên kết hoa thành chiếc "vương miện" để đội trên đầu.

Đội hình múa nữ với trang phục váy áo truyền thống màu chàm giản dị, điểm xuyết những dải hoa văn thanh thoát lại được trang điểm bằng những bông hoa dã quỳ trên mái tóc nâu màu râu ngô.

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 4.

Nụ cười sơn nữ.

Khi tiếng chiêng, nhịp trống của các trai làng cất lên, các cô gái bước vào vòng múa xoang đầy nét trữ tình, lãng mạn. Họ như những bông hoa dã qùy di động trôi lạc giữa rừng hoa của thiên nhiên, của đất trời đang rung rinh, nô đùa trong cơn gió như cùng muốn nhảy múa theo bước chân của các vũ nữ Tây Nguyên. Đi đầu đội hình cồng chiêng còn có những người múa hề, đeo mặt nạ, bôi màu như bùn non, nhọ nồi... hoá trang thành người rừng thời viễn cổ. 

Họ tham gia nhảy múa, lắc lư, nghiêng ngả làm trò diễn vui nhộn, góp phần cho hoạt động lễ hội sôi nổi hẳn lên, gây sự thích thú, cuốn hút người xem. Du khách được đắm mình trong sắc hoa rực rỡ, nhịp chiêng ngân vang, điệu múa xoang rộn ràng.

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 5.

Vương miện hoa cúc quỳ và vũ điệu sơn nữ.

Bên cạnh việc tạo điểm đến cho những du khách đến thưởng ngoạn mùa dã quỳ nở, huyện Chư Pah tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, quảng bá du lịch. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: phục dựng lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới; trình diễn cồng chiêng; đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, thi bắn nỏ... nhằm tạo cho du khách có một điểm đến thực sự hấp dẫn. Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách được thử sức với cuộc thi "đi bộ vượt đỉnh núi Chư Đăng Ya".

Lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya hấp dẫn du khách - Ảnh 6.

Những người hóa trang mang mặt nạ múa hề trong lễ hội hoa dã quỳ.

Dã quỳ là loài hoa dại được thiên nhiên, đất trời ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên. Mùa hoa dã quỳ nở cũng là mùa "con ong đi tìm mật", mùa "ăn năm uống tháng" của đồng bào Tây Nguyên với những lễ hội đặc sắc mà tiêu biểu là Lễ hội hoa dã quỳ. Đây là lễ hội hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, thể hiện nét đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên.

Điệu xoang dưới núi chân núi lửa Chư Đăng Ya và trước sân nhà làng.


Tấn Vịnh
14/10/2022 17:15