Lễ hội mừng cây bông - vật thiêng của người Thái, người Mường

Điệu múa quanh cây bông của dân tộc Mường

Điệu múa quanh cây bông của dân tộc Mường

Vào những ngày lễ, tết và các sự kiện quan trọng của người Thái, Mường sinh sống ở vùng Tây Bắc và miền tây Thanh Hóa, Nghệ An, cây Bông thường được xuất hiện như một vật thiêng.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 1.

Cây bông, hiện vật dân tộc học có giá trị được trưng bày ở Bảo tàng Thanh Hóa

Cây bông là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Lễ hội và các trò chơi, diễn xướng đều diễn ra quanh cây bông, phản ánh phong tục tập quán, lao động sản xuất của đồng bào. Chơi bông, chơi hoa là một sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, giao duyên đặc sắc và có giá trị giáo dục sâu sắc cho cả cộng đồng tộc người.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 2.

Những cô gái Mường duyên dáng bên cây bông

Giống như cây nêu của các dân tộc khác, cây bông của dân tộc Thái, Mường là một công trình nghệ thuật rất kỳ công. Để làm được cây bông có 5 tầng với hàng nghìn bông hoa, bà con phải mất gần một tháng trời đi vào rừng tìm các loại cây về chế tác.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 3.

Cây bông tỏa sắc màu lung linh trong đêm hội

Họ phải tìm cây tre to, thẳng, còn gọi là cây luồng để làm trụ. Ngoài ra bà con tìm cành cây dâu, cây sắn, cây chục bục để làm cành cây bông và gọt tỉa thành những bông hoa.

Hoa cây Bông được làm bằng gỗ cây chạng vạng, ruột cây và thân cây Bông làm bằng luồng già. Trong một cành có nhân Bông, nhiều đốt, nhiều màu sắc. Ở mỗi đầu cành đều được trang trí hình chim cò, ngoài ra còn có những vật dụng lao động sản xuất như: cày, bừa và các con vật linh thiêng trong lao động như trâu, bò...

Cây bông đẹp nhờ sự khéo tay của bà con dân làng. Bông có hình dạng giống như bông đồng tiền. Sau khi gọt tỉa thành bông, bà con mang đi nhuộm màu bằng nhựa cây, đồ chín, phơi khô rồi xâu thành sợi. Trên mỗi bông hoa còn gắn các hình chim, thú, dụng cụ lao động được đan bằng nứa. Một số nơi, vì thiếu nguyên liệu truyền thống khai thác trong thiên nhiên nên đồng bào chỉ làm cây Bông đơn sơ, hoa được kết bằng vải màu.

Là một di sản gắn với nghệ thuật diễn xướng, sinh hoạt lễ hội, đời sống tâm linh của dân tộc Thái, Mường, nên cây Bông luôn được trân trọng, "nở hoa" rực rỡ dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, làm đẹp cho quê hương bản quán hay buôn làng trên các vùng đất mới mà đồng bào di cư đến để làm ăn, lập nghiệp.

Người Thái ở quê cũ huyện Như Thanh (Thanh Hóa) di cư lên vùng Ia H’Drai (Kon Tum), hàng năm đều tổ chức Lễ hội hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Booc Mạy). Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội diễn ra vào Rằm tháng Giêng với đầy đủ các nghi thức truyền thống, trong 3 ngày: ngày đầu là cầu khẩn, ngày thứ hai tiếp tục các phần nghi lễ, ngày thứ ba liên hoan, hát múa dưới cây bông.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 4.

Điệu khắc luống vui nhộn của đồng bào Thái bên cạnh cây bông rực rỡ sắc màu

Nhóm người Mường Hòa Bình đã chọn núi rừng Bắc Trà My, vùng "cao sơn ngọc quế" của xứ Quảng để làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Tuy có sự khác biệt về văn hóa, tập quán canh tác... nhưng đồng bào Mường sớm hòa nhập với cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Vốn có nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, người Mường đã góp một hương sắc lạ, độc đáo cho quê hương mới của mình, tiêu biểu là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và trang trí cây Bông.

Mặc dù cây Bông của đồng bào Mường ở miền núi xứ Quảng không đầy đủ nguyên vật liệu truyền thống như người Mường Tây Bắc nhưng cũng không kém sắc màu "độc lạ". Vào dịp lễ tết ở làng, nó cũng lung linh sắc màu, những cánh hoa tươi thắm vẫy gọi trai gái say sưa trong nhịp điệu cồng chiêng.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 5.

Lễ rước cây bông- linh vật của dân tộc Thái tại Măng Đen, tỉnh Kon Tum

Lễ rước linh vật của các dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện Bắc Trà My trong chuỗi sự kiện chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2022 do tỉnh Quảng Nam đăng cai, du khách được chứng kiến, thưởng ngoạn nét đẹp của cây Bông dân tộc Mường ở xã Trà Giang cùng với cây nêu của dân tộc Cor, dân tộc Ca Dong ở miền "cao sơn ngọc quế".

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 6.

Điệu múa của các cô gái Mường ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam quanh cây bông

Trước đó, trong Lễ hội phục dựng cây nêu toàn quốc năm 2017, do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức tại huyện Tây Giang, cây Bông của người Mường Thanh Hóa đã được trình diễn với tiếc mục đặc sắc "Hát múa dưới cây Bông". Trong Liên hoan nghệ thuật dân gian toàn quốc do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức tại Măng Đen năm 2019, tiết mục rước cây nêu - linh vật của các dân tộc thiểu số Việt Nam lần đầu tiên được diễn ra một cách qui mô, hoành tráng. Cây Bông của người Mường xứ Thanh khoe sắc cùng với cây nêu của các dân tộc thiểu số ở núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên đại ngàn.

Lễ hội mừng cây bông- vật thiêng của người Thái, người Mường - Ảnh 7.

Lễ rước cây bông-linh vật của dân tộc Mường trong lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

Cây bông có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản làng, sự bảo tồn muôn loài của tự nhiên. Nó là hoa của đất, nở ra từ đôi tay của tập thể nghệ nhân trong các dịp lễ hội của đồng bào Thái, Mường. Với giá trị nghệ thuật tạo hình và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cây Bông là linh hồn của tộc người. Ở các bảo tàng tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, cây bông là hiện vật dân tộc học, được trưng bày nơi trang trọng nhất để giới thiệu cho khách tham quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn