Lời nói vần - nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Êđê

Người Êđê có thể sử dụng lời nói vần trong khi đi lấy nước.

Người Êđê có thể sử dụng lời nói vần trong khi đi lấy nước.

Trong kho tàng văn hóa dân gian, lời nói vần của người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk là một thể loại văn học đầy chất trữ tình.

Nói vần vừa là hiện thực cuộc sống, tri thức dân gian về tình yêu lao động, yêu con người, yêu buôn làng, núi rừng, vừa là bài ca đẹp như tiếng chim ca, tiếng suối chảy, tiếng chiêng ngân giữa núi rừng Tây Nguyên không bao giờ phai mờ.

Trong tiếng Êđê, lời nói vần gọi là "Klei duê". "Klei" có nghĩa là lời nói, "Duê" có nghĩa là nối kết. "Klei duê" là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Lời nói vần là ngôn từ xuất hiện phổ biến, được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Êđê.

Trong đời sống đồng bào Êđê, lời nói vần chiếm một vị trí đặc biệt, với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động, có lợi ích thiết thực cho việc trao đổi thông tin, giao tiếp, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu.

Lời nói vần - nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Êđê  - Ảnh 1.

Lời nói vần là một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk.

Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển và trường tồn của người Êđê. Kinh nghiệm đó bao gồm nhiều mặt, chẳng hạn về thiên nhiên như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông, qua đó để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu…; về xã hội và con người như cách ứng xử trong gia đình và xã hội, phong tục, tập quán...

Ví như lời nói vần: "Rừng này sao đẹp quá/Bên trái dây cuốn, dây leo/Bên phải cây nhiều cành, nhiều dóng/Trên ngọn khỉ vượn đùa vui/Thơm nức mùi quả hơ đá/Rộn ràng tiếng chim bang bôi/Hát mừng mùa hoa quả chín" thì hình ảnh núi rừng Tây Nguyên lại hiện lên với những cảnh sắc sinh động khác nhau, trong đó còn gửi gắm tình yêu của các chàng trai, cô gái của bản làng Êđê.

Để nhắc nhở con cháu, khuyên răn bà con trong buôn những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, người Êđê dùng lời nói vần: "Khai rẫy mới sao cho được nhàn/Ở nhà mới sao cho được rỗi/Nuôi con gái, con trai sao cho nên người". Hay mượn những chiếc gùi, chiếc vòng, bông hoa nghệ để nói về tình yêu đôi lứa, gia đình: "Anh với em/Vòng đã trao/Lời thề giữ trong lòng".

Theo ông Y Chen Niê - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk), kể sử thi hay các sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác, phải có không gian diễn xướng, còn lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng. Lời nói vần có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu.

"Người diễn xướng tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Vì thế, loại hình văn hóa dân gian này chính là một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Êđê", ông Y Chen Niê cho biết.

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành quyết định số 1840/QĐ-BVHTTDL công nhận lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài lời nói vần, đợt này, lễ mừng thọ của người M’nông (huyện Lắk) cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Như vậy, cùng với Khan (sử thi Êđê), hiện tại tỉnh Đắk Lắk đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn