Múa Tắc Xình: Nét văn hóa đặc sắc của người Sán Chay

16/08/2023 14:31
Múa Tắc Xình của người Sán Chay có 9 động tác cơ bản mô phỏng các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người Sán Chay

Múa Tắc Xình của người Sán Chay có 9 động tác cơ bản mô phỏng các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người Sán Chay

Lễ hội Cầu mùa là một nghi lễ văn hoá tâm linh của người dân tộc Sán Chay. Trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Cầu mùa không thể thiếu điệu múa Tắc Xình - di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Chia sẻ về ý nghĩa của Lễ hội Cầu mùa, bà Hầu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo từ ngàn xưa mang ý nghĩa cầu mong các đấng thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, dân bản yên vui, gia đình hạnh phúc.

Trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Cầu mùa không thể thiếu điệu múa Tắc Xình - điệu múa độc đáo mang ý nghĩa tâm linh của người Sán Chay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014.

Múa Tắc Xình: Nét văn hóa đặc sắc của người Sán Chay - Ảnh 1.

Bà Hầu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

"Múa Tắc Xình của người Sán Chay có 9 động tác cơ bản, động tác khỏe khoắn, dứt khoát mô phỏng các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người Sán Chay. Các động tác là câu chuyện kể về các thế hệ đi trước đi tìm nơi đất lành để định cư, cho đến các hoạt động sản xuất như đánh dao, mài dao, phát nương, dọn bãi, tra mố, tra hạt, nhắp lúa, múa mừng vui được mùa, múa chim câu...

Múa Tắc Xình: Nét văn hóa lễ hội của người Sán Chay - Ảnh 2.

Các động tác là những câu chuyện miêu tả về cuộc sống của người dân tộc Sán Chay

Múa Tắc Xình là điệu múa mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống văn hóa của người Sán Chay tượng trưng cho cầu nối giữa con người với các đấng thần linh với ý nghĩa tạ ơn trời đất, tạ ơn các đấng thần linh, giáo dục về truyền thống dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người dân Sán Chay và thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Sán chay", bà Hầu Thị Tuyết cho biết.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa của người Sán Chay như nghi thức cúng đình làng, hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình và các trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, đi cầu trượt, đi cà kheo, bịt mắt đánh trống,…", bà Hầu Thị Tuyết cho biết.

Năm 2006, tại huyện Phú Lương, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Chay được thành lập tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh với 23 thành viên. Đến nay, CLB đã phát triển và thu hút hàng trăm thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

CLB cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm sát sao của huyện uỷ, UBND, Phòng văn hóa thông tin huyện Phú Lương và UBND xã Tức Tranh trong các hoạt động, đặc biệt là việc tổ chức Lễ hội Cầu mùa và phát triển điệu múa Tắc xình.

Chị Lê Thị Trần Na – Chi hội trưởng phụ nữ, thành viên tích cực của CLB: Việc giữ gìn và phát huy các nét văn hóa của người Sán Chay nói chung, và điệu múa Tắc Xình nói riêng là việc hết sức cần thiết trong thời kỳ đất nước đang phát triển và hội nhập.

Chị Lê Thị Trần Na

Việc lưu giữ và truyền dạy múa Tắc Xình cho các thế hệ trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý nghĩa và sự độc đáo của múa Tắc Xình để từ đó lớp lớp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy trong tương lai, giữ gìn sự đặc sắc của văn hóa dân tộc Sán Chay phát triển trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, CLB không có nguồn kinh phí riêng để hoạt động, các thành viên tham gia CLB chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, có tình yêu sâu sắc với bản sắc văn hóa của dân tộc và chung ý nguyện bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa của dân tộc Sán Chay.

Để CLB tiếp tục có những hoạt động phát triển, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc này, bên cạnh chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, bà Hầu Thị Tuyết bày tỏ mong muốn bà con người dân tộc Sán Chay trên tinh thần tự hào về văn hóa của dân tộc trong thời gian tới sẽ tiếp tục thay đổi nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc trong tình hình mới. Từ đó mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình gắn với các nét văn hóa của dân tộc, tạo ra những điểm độc đáo riêng để thu hút khách du lịch đến thăm, trải nghiệm cũng như thúc đẩy phát triển về kinh tế cho bà con tại chính quê hương mình.

lưu giữ và truyền dạy múa Tắc Xình cho các thế hệ trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc...

Ngoài các hoạt động bảo tồn văn hóa, CLB cũng tổ chức truyền dạy múa Tắc Xình tại các trường học. Theo bà Hầu Thị Tuyết, quá trình giảng dạy cần tôn trọng cái gốc, giữ nguyên các động tác cơ bản, không nghệ thuật quá, không cách điệu quá để không phát sinh ra các dị bản làm thay đổi về bản chất cũng như ý nghĩa của điệu múa Tắc Xình.

Hiện nay, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, huyện Phú Lương đã và đang tiếp tục có những đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Sán Chay gắn với du lịch cộng đồng. Trong đó, có hỗ trợ về trang phục truyền thống cùng một số thiết chế văn hóa khác để bà con sinh hoạt. CLB cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm sát sao UBND xã Tức Tranh trong các hoạt động, đặc biệt việc tổ chức Lễ hội Cầu mùa được tổ chức với quy mô cấp xã 2 năm một lần.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn