Mùa Vu lan báo hiếu, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt

19/08/2021 06:55
Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực áo đấng sinh thành một đóa hoa hồng. Ảnh minh họa: ST

Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực áo đấng sinh thành một đóa hoa hồng. Ảnh minh họa: ST

Tháng 7 âm lịch là mùa Vu lan báo hiếu. Tháng 7 hằng năm không chỉ nhắc nhở chúng ta về đạo hiếu mà còn về lòng nhân ái. Nhiều người đặt câu hỏi, ngày lễ Vu lan có từ khi nào và sao Vu lan lại là mùa báo hiếu?

Vu lan có từ khi nào?

Vu lan xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Vu lan là danh từ gọi tắt của "Vu Lan Bồn", tiếng Phạn là Ullambana. Lễ Vu lan của Phật giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác.

Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm.

Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Mùa Vu lan báo hiếu, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt - Ảnh 1.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của Chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.

Kể từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu lan trở thành truyền thống báo hiếu của người Việt. Ngày nay, lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành "lễ hội văn hóa tình người" với nhiều người. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc Việt.

Phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật

Lễ Vu lan mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả, giúp con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý và trân trọng. Nói về đạo hiếu, kinh điển Phật giáo đề cập đến rất nhiều, ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi… lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc thực thi đạo sống làm người. 

Ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương đã trình bày rõ quan điểm: "Phàm làm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng". Còn kinh Đại Tập nói rằng: "Nếu ở đời không có Phật thì hãy theo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật".

Mùa Vu lan báo hiếu, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt - Ảnh 2.

Lễ Vu lan mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả, giúp con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ

Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày "xá tội vong nhân". Xưa kia cha ông quan niệm rằng, sống ở trong cuộc đời không phải ai mất đi cũng có người thân cúng giỗ. Tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đầy đọa trong chốn khổ đau được tế bạt, siêu thoát. Cùng báo hiếu cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên, nghi thức cúng cô hồn trong tháng 7 còn thể hiện đạo hiếu của người Việt.

Từ một nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, lễ Vu lan dịp tháng 7 hằng năm dần trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Vu lan là dịp để gia đình sum họp, con cháu hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, đồng thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với hoạt động từ thiện, tri ân hướng đến đồng bào.

Chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực

Mùa lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức đại lễ Vu lan trực tuyến, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực.

Mùa Vu lan báo hiếu, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt - Ảnh 3.

Mùa lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Nhiều người dân và phật tử lo lắng cho rằng, không trực tiếp tới các chùa hành lễ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính. Theo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phật ở trong tâm, không phải sắm sửa lễ nghi thật lớn mới là lòng thành.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, không cần lo tổ chức trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không. Vu lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc. Ai mà cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực hướng tới cộng đồng gặp khó khăn do dịch bệnh. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.