Nalanda: Trường đại học Phật giáo cổ đại nổi tiếng thế giới

09/03/2023 16:02

Hơn 500 năm trước khi trường Đại học Oxford được thành lập, trường đại học tu viện Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ đã lưu trữ chín triệu cuốn sách và thu hút 10.000 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

Được thành lập vào năm 427 sau CN, Nalanda (hiện ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ) được coi là trường đại học nội trú đầu tiên trên thế giới, nơi lưu trữ chín triệu cuốn sách và thu hút 10.000 sinh viên từ khắp Đông và Trung Á. Sinh viên tập trung về đây để học y học, luận lý học, toán học và trên hết là các nguyên tắc Phật giáo từ một số học giả được tôn sùng của thời đại. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhận định: "Nguồn gốc của tất cả kiến thức Phật giáo mà chúng ta có đều bắt nguồn từ Nalanda".

Trong hơn bảy thế kỷ phát triển rực rỡ, không có nơi nào nổi tiếng như Nalanda trên thế giới. Trường đại học tu viện Phật giáo này thậm chí có trước Đại học Oxford (Anh) và Đại học Bologna, trường đại học lâu đời nhất Châu Âu, hơn 500 năm. Ngoài ra, cách tiếp cận với triết học và tôn giáo của Nalanda cũng đã giúp định hình nền văn hóa châu Á rất lâu sau khi trường không còn tồn tại.

10.000 sinh viên từ khắp châu Á đã đến Nalanda để học các nguyên tắc Phật giáo


Nalanda và sự phát triển của Phật giáo

Nalanda được thành lập vào thế kỷ thứ 5 sau CN, dưới thời trị vì của các vị đế chế Gupta, triều đại được cho là ủng hộ Phật giáo. Trường đại học nằm trong một khu vực được gọi là "trung tâm Phật giáo" và được bao quanh bởi các địa điểm Phật giáo quan trọng, chẳng hạn như Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật thành đạo. Các truyền thống văn hóa và tôn giáo tự do phát triển dưới triều đại Gupta tạo thành cốt lõi của chương trình học thuật đa ngành của Nalanda, kết hợp trí tuệ Phật giáo với kiến thức cao hơn trong các lĩnh vực khác nhau.

Đại học Nalanda thường xuyên gửi một số học giả và giáo sư giỏi nhất đến những nơi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Sri Lanka để truyền bá giáo lý và triết học Phật giáo. Chương trình trao đổi văn hóa cổ xưa này đã giúp truyền bá và định hình Phật giáo trên khắp châu Á.

Trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của triết học Phật giáo. Nhiều nhà tư tưởng và triết gia Phật giáo có tầm ảnh hưởng, chẳng hạn như ngài Long Thọ (Nagarjuna) và ngài Trần Na (Dignaga), đã nghiên cứu và giảng dạy tại Nalanda. Những học giả này đã đóng góp vào sự phát triển của các khái niệm Phật giáo quan trọng, chẳng hạn như triết lý về tính không của Trung quán tông (Madhyamaka), triết lý về ý thức của Duy thức tông (Yogacara) và các lý thuyết nhận thức luận của Phật giáo.

Nalanda: Trường đại học cổ đại nổi tiếng thế giới - Ảnh 2.

Địa điểm được khai quật rộng 23 ha, nhưng có khả năng chỉ là một phần nhỏ của khuôn viên ban đầu

Nhà sư Trung Quốc nổi tiếng Huyền Trang, người được biết đến nhiều nhất với chuyến hành trình sử thi đến Ấn Độ ngài thực hiện để nghiên cứu triết học Phật giáo và thu thập kinh sách, cũng từng học và giảng dạy tại Nalanda. Khi trở về Trung Quốc năm 645, ngài mang theo 657 cuốn kinh Phật từ Nalanda. Nhà sư sau đó tiếp tục trở thành một trong những học giả Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới, và ngài đã dịch một phần của những tập sách này sang tiếng Trung để hình thành nên học thuyết của mình. Đệ tử người Nhật Bản của ngài, Dosho, sau đó đã giới thiệu học thuyết đến Nhật Bản và lan rộng hơn nữa vào thế giới Trung-Nhật. Do đó, Huyền Trang đã được ghi nhận là "nhà sư đã đưa Phật giáo về phương Đông".

Nalanda để lại nhiều di sản quan trọng

Hệ thống y tế Ayurveda cổ đại của Ấn Độ, bắt nguồn từ các phương pháp chữa bệnh dựa trên tự nhiên, đã được giảng dạy rộng rãi tại Nalanda và sau đó lan rộng đến các vùng khác của Ấn Độ qua những sinh viên từng học ở trường. Các tổ chức Phật giáo khác đã lấy cảm hứng từ thiết kế sân trong mở của khuôn viên được bao quanh bởi các phòng cầu nguyện và giảng đường. Vữa được sản xuất ở đây đã ảnh hưởng đến nghệ thuật giáo hội ở Thái Lan trong khi nghệ thuật kim loại đã được truyền bá từ đây đến Tây Tạng và bán đảo Mã Lai.

Nalanda: Trường đại học cổ đại nổi tiếng thế giới - Ảnh 3.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhận định: “Nguồn gốc của tất cả kiến thức Phật giáo mà chúng ta có đều bắt nguồn từ Nalanda”.

Các di sản sâu sắc và có ảnh hưởng nhất của Nalanda cũng bao gồm các thành tựu về toán học và thiên văn học. Aryabhata, cha đẻ của toán học Ấn Độ, được cho là đứng đầu trường đại học vào thế kỷ thứ 6 sau CN. "Chúng tôi tin rằng Aryabhata là người đầu tiên xem số 0 là một chữ số, một khái niệm mang tính cách mạng, giúp đơn giản hóa các phép tính toán học và giúp phát triển các con đường phức tạp hơn như đại số và giải tích. Không có số 0, chúng ta sẽ không có máy vi tính. Ông cũng đã có những công trình tiên phong trong việc rút căn bậc hai và bậc ba, cũng như ứng dụng của các hàm lượng giác vào hình học cầu. Ông cũng là người đầu tiên cho rằng mặt trăng được nhìn thấy là do ánh nắng mặt trời được mặt trăng phản chiếu", Anuradha Mitra, giáo sư toán học tại Kolkata, cho biết.

Giống như các trường đại học xuất sắc ngày nay, vào học ở Nalanda không hề dễ dàng. Những sinh viên có nguyện vọng học ở trường phải tham gia phỏng vấn với các giáo sư hàng đầu của trường. Những sinh viên trúng tuyển được dạy bởi các giáo sư đến từ nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ và hoạt động chung dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy Phật giáo đáng kính nhất của thời đại, chẳng hạn như đức Dharmapala và Silabhadra.

Chín triệu bản thảo viết tay bằng lá cọ của thư viện là kho lưu trữ trí tuệ Phật giáo phong phú nhất trên thế giới, và một trong ba tòa của thư viện trường được học giả Phật giáo Tây Tạng Taranatha mô tả là tòa nhà chín tầng "cao vút lên mây". Chỉ một số ít sách bằng lá cọ và những tấm bìa gỗ sơn màu còn sót lại sau một trận hỏa hoạn. Hiện chúng có thể được tìm thấy tại Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles ở Mỹ và Bảo tàng Yarlung ở Tây Tạng.

Nalanda - một quá khứ huy hoàng

Nalanda: Trường đại học cổ đại nổi tiếng thế giới - Ảnh 4.

Tàn tích của Nalanda vẫn là một địa điểm hành hương và chiêm nghiệm quan trọng đối với các Phật tử

Di tích khảo cổ của Nalanda hiện được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Từng là một trong những trung tâm học thuật lớn nhất trong thế giới cổ đại, Nalanda giờ đây chỉ còn sót lại những tàn tích gạch đỏ. Vào những năm 1190, trường bị phá hủy bởi một đội quân xâm lược tàn bạo do tướng quân Thổ Nhĩ Kỳ - Afghanistan Bakhtiyar Khilji lãnh đạo, người đã tìm cách dập tắt trung tâm tri thức Phật giáo trong cuộc chinh phục miền bắc và miền đông Ấn Độ. Trong các thế kỷ tiếp theo, Nalanda dần chìm vào quên lãng và bị chôn vùi, trước khi được nhà khảo sát người Scotland Francis Buchanan-Hamilton phát hiện vào năm 1812, và sau đó được nhà khảo cổ học người Anh Sir Alexander Cunningham xác định là Đại học Nalanda cổ đại vào năm 1861.

Trong mô tả của nhà sư Huyền Trang về Nalanda, ngài có đề cập đến Đại Bảo Tháp - một tượng đài khổng lồ được xây dựng để tưởng nhớ một trong những đệ tử chính của Đức Phật. Công trình đồ sộ, có hình dạng như một kim tự tháp bát giác này, giờ chỉ là đống đổ nát. Cầu thang bằng gạch lộ thiên uốn lượn lên đỉnh tòa tháp, còn được gọi là Đài tưởng niệm vĩ đại. Vô số điện thờ nhỏ và bảo tháp nằm rải rác trên sân hiên lát đá chạy quanh ngôi đền cao 30m, được tô điểm bởi những lớp vữa tuyệt đẹp trong các hốc tường bên ngoài.

Đứng gần một bảo tháp nhỏ là nhóm các nhà sư trẻ mặc áo cà sa đỏ thẫm đang đi tham quan địa điểm. Sau đó, họ ngồi thẳng trong tư thế thiền định, mắt dán chặt vào Đài tưởng niệm vĩ đại, thể hiện một sự tôn kính thầm lặng đối với một quá khứ huy hoàng.

Ngày nay, Nalanda là một địa điểm khảo cổ và là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở bang Bihar, Ấn Độ. Năm 2010, chính phủ Ấn Độ bắt đầu một dự án trùng tu lớn tại Nalanda, bao gồm việc khai quật các khu vực mới và trùng tu một số tòa nhà quan trọng. Dự án nhằm mục đích làm sống lại di sản của Nalanda và quảng bá địa điểm này như một trung tâm học tập và di sản Phật giáo. Đại học Nalanda mới cũng được thành lập vào năm 2010, hướng đến việc hồi sinh tinh thần học thuật xuất sắc và đối thoại liên văn hóa của ngôi trường cổ xưa.

Cách ngôi trường cổ xưa 10 km, Đại học Nalanda mới được thành lập vào năm 2010

Nguồn: BBC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.