Nắm cơm và sợi chỉ đỏ trong đám cưới của người Hrê

20/07/2023 14:00
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Truyền thống hôn nhân của người Hrê có những nét đặc trưng riêng, như không cho phép hôn nhân nội tộc, lễ cưới có nghi lễ và quy định cụ thể, sự quan trọng của người làm mai mối và tôn trọng các truyền thống văn hóa.

Đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa

Tộc người Hrê sinh sống tập trung chủ yếu ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi và huyện Vân Canh của tỉnh Bình Định. Tục lệ cưới xin là một nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng dân tộc ít người này, mang đậm bản sắc riêng, tạo nên dấu ấn độc đáo trong luật tục hôn nhân của người Hrê.

Các bậc cao niên người Hrê trú thôn Trường Lệ (xã Hành Tín Đông, Huyện Nghĩa Hành, Tỉnh Quảng Ngãi) cho hay, trong lễ cưới truyền thống (pa sang) của tộc người Hrê có một sắc thái riêng, mang ý nghĩa giáo dục thiêng liêng, ràng buộc vợ chồng sống thủy chung trọn đời. Người Hrê không cho phép hôn nhân nội tộc. Luật tục Hrê quy định con cô, con cậu, con dì, con vợ cả, con vợ hai, con cùng cha khác mẹ không lấy nhau. Loạn luân là một trọng tội, liên lụy đến cả cộng đồng khiến cho thần linh cũng phải nổi giận.

Khách dự đám hỏi của người Hrê ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi).

Phụ nữ Hrê thường kín đáo, nhưng trong các lễ hội họ cởi mở và vui tươi. Đây là dịp để trai gái cùng ca hát, ướm hỏi nhau. Họ hát, họ ca ngợi thiên nhiên và tình yêu lứa đôi cũng được thắp lên ngọn lửa để trai làng mạnh dạn tỏ tình với người yêu. Khi trai gái đã "đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa", thì về thưa với cha mẹ đến hỏi, không cần phải có người mối lái.

Nếu cha mẹ hai bên đều bằng lòng thì tổ chức một bữa tiệc rượu, một ngày ở nhà trai, một ngày ở nhà gái. Hôn nhân người Hrê còn mang tính mẫu hệ, chàng trai sau ngày cưới phải về nhà gái ở rể, chỉ những nhà giàu có mới đón cô dâu về. Bên nào lấy người về thì phải đem quần áo, kiềng bạc... đưa cho nhà kia gọi là đồ dẫn cưới. Ngày cưới mời khách trong các plây (tương đương làng của người Kinh) uống rượu hai ba ngày liền.

Hôn nhân truyền thống của người Hrê về cơ bản là ngoại tộc, tự nguyện và là hôn nhân một vợ, một chồng. Con trai, con gái đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, yêu thương, và có quyền lựa chọn người bạn đời cho mình. Lễ tục trong hôn nhân truyền thống của người Hrê có vai trò quan trọng của người làm mai mối (Lam-ha-but).

Thông qua người làm mai, hai bên gia đình hiểu được ý định của nhau, cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận những vấn đề cần thiết để đi đến hôn nhân của đôi trai gái. Nghi lễ trong hôn nhân của người Hrê bao gồm các bước sau: Lễ thức mai mối, lễ gặp mặt hai gia đình, lễ hỏi, và lễ cưới. Trong suốt quá trình này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người làm mai là thăm dò, thỏa thuận giữa hai bên gia đình về việc đón dâu hay đón rể.

Lễ cưới thường tổ chức nửa đêm về sáng. Họ cho rằng đây là giờ phút giao hòa của đất trời, các thần linh mới chứng kiến toàn bộ nghi lễ, ban hạnh phúc và ấm no cho đôi lứa. Gia đình hai bên đều ăn mặc đẹp, nhưng cô dâu và cô phụ dâu lại ăn mặc rất giản dị, đầu trùm khăn che kín mặt để không ai nhận ra. Họ cho rằng làm như vậy để đánh lừa ma quỷ và bảo vệ an toàn cho cô dâu.

Nắm cơm và sợi chỉ đỏ

Trong lễ cưới có nghi thức trao nắm cơm và đeo chỉ đỏ của cô dâu và chú rể. Người Hrê quan niệm rằng, rượu thịt trong ngày cưới thì mọi người đã ăn hết rồi, đôi lứa chỉ còn giữ lại vật thiêng liêng là nắm cơm và sợi chỉ đỏ. Hai kỷ vật này được họ cất giữ trong một hộp gỗ, đặt phía trên cánh cửa chính của căn nhà mà lúc nào họ cũng nhìn thấy. Khi một trong hai người chết trước, người còn sống sẽ vẫn giữ kỷ vật này cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung.

Nắm cơm và sợi chỉ đỏ trong đám cưới của người Hrê - Ảnh 2.

Các mâm lễ vật trong đám hỏi của người Hrê.

Ngày cưới của người Hrê thường diễn ra gọn nhẹ. Nếu là đón dâu, phía nhà trai mời những thanh nữ còn chưa lập gia đình trong làng, càng đông càng vui để cùng đi với chú rể đến nhà gái đón dâu. Ngược lại, nếu là đón rể, phía nhà gái mời những nam thanh niên chưa vợ cùng đi với cô dâu đến nhà trai để đón rể.

Bên phía đón dâu (hay đón rể) mang theo quần áo, kiềng bạc cho nhà bên kia - gọi là đồ dẫn cưới, và phải chuẩn bị sẵn một không gian trong nhà, có bếp, có nơi ngủ cho đôi tân hôn. Và cũng chính tại đây sẽ là nơi diễn ra những nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó giữa cô dâu và chú rể. Hai người sẽ trao cho nhau miếng trầu, bát rượu, quàng chung một vòng chỉ...

Khi đoàn người đón dâu, hoặc đón rể về tới nhà, gia đình sẽ dâng lễ vật, thường là con gà để báo cáo và xin thần linh, ông bà chứng giám, công nhận đôi nam nữ từ nay đã thành vợ thành chồng hạnh phúc. Lúc này dân làng đến chia vui, cùng uống rượu Cần, đánh nhạc Ching, Vinh-vút, hát các làn điệu dân ca truyền thống.

Ngày nay, một số plây của người Hrê sinh sống gần với cộng đồng người Kinh nên có sự giao thoa về phong tục, văn hóa nên các lễ hỏi, cưới của người Hrê được tổ chức gần giống như người Kinh tuần tự là lễ thăm nhà, đi hỏi (bỏ trầu cau) và lễ cưới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn