Ngày giãn cách, nhớ lắm vị phở Hà thành

21/08/2021 09:17

Phở là món ăn vào mùa nào cũng hợp. Mùa đông lạnh giá, xì xụp bát phở nóng, thấy ấm bụng, khoan khoái vô cùng. Ngày hè ăn phở, mồ hôi túa ra, gặp làn gió hiu hiu thổi tới, cảm giác cũng thích thú vô cùng.

Cả tháng qua, Hà Nội như cô thiếu nữ đang độ xuân thì ngủ quên trong giấc mộng. Người ta đã quen với nhịp sống của những ngày giãn cách. Sáng sáng thức dậy, chẳng cần phải chải chuốt cầu kỳ, người người bắt đầu làm việc từ xa, đồng nghiệp chào nhau qua màn hình máy tính. Trong những ngày tháng đầy rẫy khó khăn này, học cách thích nghi là việc đầu tiên mà chúng ta phải làm để tìm kiếm cho mình chút bình yên.

Tuy đã quen với việc cả ngày chỉ ở trong nhà, nhưng nhiều người vẫn nhớ những con đường đông đúc trong ký ức. Nào Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Phan Đình Phùng, Xã Đàn, Tây Sơn, hay Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa… Cứ sáng sáng người và xe nô nức nối đuôi nhau trên đường, tối tối hòa lẫn với mùi mồ hôi của cả ngày mệt nhọc là mùi khói xe, là người cười nói ồn ào, đôi khi cự cãi vì những bực dọc trong cuộc sống. Nhớ lắm, những ngày sống vội như thế!

Những người sành ăn chắc đã chán những bữa sáng đơn điệu ở nhà. Hết cơm rang, rồi lại tới mỳ xào, bát miến với mấy lát thịt, dăm miếng cà chua, cùng chút hành hoa, ăn ở nhà, vui thì có vui, có thể an toàn hơn những thức "cơm hàng, cháo chợ". Thế nhưng việc ăn sáng bên ngoài vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Ngày giãn cách, nhớ lắm vị phở Hà thành - Ảnh 1.

Nói đến phở, người ta nhớ ngay tới mùi thảo quả thơm lừng trong từng bát nước dùng...

Nhất là ăn phở. Từ thời phố phường còn nhộn nhịp, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nấu phở ở nhà. Của nhà nấu, dĩ nhiên là thịt thà có đầy đặn hơn, nhưng nước phở thì không bằng ngoài hàng. Để có một nồi nước hầm xương vừa ý, người ta phải ninh xương từ mười đến mười hai tiếng. Ở nhà, nếu có nồi áp suất, công việc ấy đơn giản hơn một chút.

Nói đến phở, người ta nhớ ngay tới mùi thảo quả thơm lừng trong từng bát nước dùng. Nhưng để làm nên mùi vị tinh túy của nước phở, đâu chỉ có mỗi thảo quả. Mùi vị thắm đượm trong nước dùng của bát phở được tạo nên từ mùi thơm của thảo quả, hồi, đinh hương, quế và hạt mùi. Muốn khử mùi đặc trưng của thịt bò và làm cho nước dùng trong, còn phải nướng gừng và hành tây cho thơm, sau đó cho vào nồi nước dùng nữa.

Vị thơm ngọt của bát phở đâu chỉ từ thịt, từ xương, nó đến từ những chăm chút nhỏ nhặt của người bán hàng. Trước mỗi chuyến đi xa, tôi thường có mặt ở hàng phở quen gần nhà từ năm rưỡi sáng, làm một bán phở tái cho ấm bụng, thế mới yên tâm lên đường. Lúc đó quán vắng, vừa ăn vừa nhẩn nha trò chuyện. Trong cái tiết trời đã chuyển lạnh cuối tháng mười, đầu tháng mười một, vừa ăn phở, vừa trò chuyện với cô bạn hàng, thi thoảng cả hai lại cười vang.

Ngày giãn cách, nhớ lắm vị phở Hà thành - Ảnh 2.

Vị thơm ngọt của bát phở đâu chỉ từ thịt, từ xương, nó đến từ những chăm chút nhỏ nhặt của người bán hàng

Khách chỉ cần đến ăn vài lần, chủ quán đã nhớ họ có ăn hành hay không, tuyệt đối kiêng mỳ chính, hay gẩy vào vài hạt cũng không sao, khách chỉ ăn phở hay kèm thêm cả quẩy. Thế nhưng, chẳng mấy khi chủ quán và khách quen có cơ hội nói chuyện với nhau. Một người cặm cụi cạnh bếp, hết thái thịt lại đến chần bánh phở. Một người cắm cúi ăn, nhanh nhanh chóng chóng vì còn bao công việc phải làm. Muốn nói chuyện với chủ quán đôi ba câu, một là phải tới mở hàng vào sáng sớm, hai là ăn "vét đáy nồi" lúc quán sắp đóng cửa.

Không chỉ nhớ tường tận sở thích của khách quen, chủ quán còn tinh ý xem những thượng đế của mình thường đi một mình, hay đi cùng bạn. Bình thường cùng vài người bạn đến quán quen ăn một bát phở tái, nhiều nước béo, nay lại lủi thủi một mình, kiểu gì chủ quán cũng hỏi thăm. Có anh chàng chẳng mấy khi đi cùng bè bạn, nay bỗng dẫn theo một cô bạn gái xinh, dáng vẻ lúng ta lúng túng, kiểu gì cũng bị cô chủ quán nhìn ra. Cô ấy sẽ nhìn theo họ, tủm tỉm cười một lúc lâu.

Ngày giãn cách, nhớ lắm vị phở Hà thành - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nói đến những quán phở quen, tôi lại nhớ tới quán phở gần cổng ký túc xá. Dù nước phở không được ngọt và trong, dậy mùi thảo quả như những quán phở trứ danh ở đất Hà thành, nhưng bát phở nho nhỏ, chỉ lèo tèo vài miếng thịt đó lại là nơi vỗ về cái dạ dày của đám sinh viên nghèo mỗi khi đói bụng.

Quán nhỏ, bàn ăn được đặt đối diện nồi nước dùng, chúng tôi cần gì, từ chần thêm thịt, thêm giá, chan thêm ít nước béo, cứ ới một tiếng là có ngay. Ngoài phở bò, phở gà như bao quán khác, ở đây còn có cả phở giò, phở thịt lợn. Cuối tháng, dù ví có lép kẹp, nhưng nếu thèm thì vẫn có phở ăn. Vừa xì xụp bát phở, vừa hỏi nhau chuyện học hành, ôn thi. Vui phải biết!

Ăn hàng có cái thú của ăn hàng. Người ta ăn hàng đâu chỉ vì ngon. Chính vì những thứ chân tình bình dị ở những quán hàng mà bát phở dẫu chưa tròn vị cũng khiến người ta thấy nhớ nhung, tìm đến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.