Bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Thị trấn Nông trường Liên Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết “Ngày thứ bảy cùng dân” là hoạt động đã được duy trì trong những năm gần đây ở Liên Sơn. Đặc biệt, cách làm này cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc…
Bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Thị trấn Nông trường Liên Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết "Ngày thứ bảy cùng dân" là hoạt động đã được duy trì trong những năm gần đây ở Liên Sơn. Đặc biệt, cách làm này cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc…
“Ngày thứ bảy cùng dân” - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Thị trấn Nông trường Liên Sơn

- Xin bà cho biết, công tác phát triển đảng ở Thị trấn Nông trường Liên Sơn được tiến hành như thế nào?

Chúng tôi xác định mục tiêu muốn địa phương phát triển và giữ vững an ninh trật tự thì cho dù ở đâu, dân tộc hay tôn giáo nào thì đảng viên vẫn phải là người đi đầu, dám nghĩ dám làm, phải là tấm gương sáng thì người dân mới học và làm theo. Hiện tại, chúng tôi có 36 đảng viên là người công giáo; 56 đảng viên là người dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Tày…).

Trong công tác vận động xây dựng đoàn kết ở khu dân cư, xã hội hóa xây dựng tại cơ sở, chúng tôi cũng thực hiện việc bám dân. Với khu vực đông người công giáo sinh sống thì nòng cốt là những người có đạo, có uy tín để tuyên truyền cho bà con nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. 

Thị trấn Nông trường Liên Sơn là địa bàn khá đặc thù khi có người công giáo, người dân tộc thiểu số… cùng sinh sống. Người dân tộc Thái ở bản Bon (Tổ dân phố 4), Bản Xá (Tổ dân phố 3); Bản Hẻo gồm Tổ dân phố 5, 6, 7- trong đó Tổ dân phố 6, 7 có 100% là người công giáo.

Đảng bộ thị trấn Nông trường Liên Sơn chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi bộ có các hộ giáo dân, phân công thành viên Ban Chỉ đạo công tác Tôn giáo của thị trấn trực tiếp nắm bắt tình hình, giúp đỡ những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

- Như bà vừa nói, Thị trấn Nông trường Liên Sơn là địa bàn có cả người công giáo, người dân tộc thiểu số sinh sống- với những lễ giáo và phong tục riêng, vậy phải làm thế nào để huy động được đông đảo người dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?

Để mọi việc hiệu quả, các hoạt động của chúng tôi đều phải lựa theo đặc thù của từng chi bộ, tổ dân phố. Mỗi địa bàn đều có những nét riêng nên khi định lên kế hoạch hoặc hoạt động gì, chúng tôi đều phải xem xét đến tình hình và đặc thù của từng địa bàn.

Các đoàn thể khi triển khai hoạt động cũng phải theo cách này. Đặc biệt là ở khu vực Bản Hẻo, nơi có bà con giáo dân theo đạo công giáo toàn tòng, thì ưu tiên tổ dân phố lựa ngày họp theo lịch của bà con, không ép bà con theo lịch của UBND thì mới triển khai họp thành công và hiệu quả. Với những việc khó thì có thể tuyên truyền vận động qua giáo họ, giáo khu hoặc Hội đồng giáo xứ, linh mục… phối hợp tuyên truyền tới nhân dân.

Thị trấn Nông trường Liên Sơn nhìn từ trên cao

- Bà có thể chia sẻ cụ thể một việc khó nào cần đến sự phối hợp của Hội đồng giáo xứ?

Tổ dân phố 6- là địa bàn có 100% bà con giáo dân sinh sống- đoạn đường quốc lộ 32 chạy qua Tổ dân phố có lòng đường hẹp, nhiều hộ dân buôn bán thường bày hàng lấn chiếm hành lang và lòng lề đường, dẫn đến nơi đây trở thành "điểm nóng" về giao thông, gây tai nạn. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho nguười dân, thị trấn đã xây dựng kế hoạch cùng phối hợp với các ban ngành chức năng của huyện Văn Chấn thực hiện giải phóng hành lang trục đường quốc lộ 32 chạy dài 6km trên địa bàn thị trấn.

Nói thực đây là việc vô cùng khó vì chạm đến cuộc sống của người dân- những người có thu nhập từ việc kinh doanh ở đoạn đường này. Sau khi họp bàn thì chúng tôi tìm ra giải pháp, triển khai họp dân tuyên truyền vận động về lợi ích và tầm quan trọng của việc giải phóng hành lang giao thông, đồng thời trao đổi với Hội đồng Giáo xứ để đôi bên cùng hiểu tầm quan trọng của việc giao thông thuận tiện, đường thông hè thoáng, an toàn cho người dân…

Từ đó hai bên "vừa đạo, vừa đời" cùng tích cực tuyên truyền. Cũng có hộ gây khó khăn, không ủng hộ ngay, chúng tôi cũng phải tháo gỡ dần vì đã xác định công tác truyền thông, vận động phải bền bỉ, "mưa dầm thấm lâu" và uyển chuyển theo tình hình thực tế. Quan trọng là làm gì cũng phải đứng trên phương diện, quyền lợi của người dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì mới thành công được. Kết quả 478 hộ dân trong diện giải tỏa đã chấp hành tháo dỡ hàng quán, vỉa hè, tường rào trả lại hành lang đường thông hè thoáng đạt 100% kế hoạch.

- Bà vừa nhắc đến một ý rất hay là "xây dựng thế trận lòng dân vững chắc", xin bà chia sẻ về việc huy động xã hội hóa- một việc vốn rất khó thực hiện ngay cả ở những địa bàn thuận lợi?

Tôi có thể thí dụ rất nhiều việc cho thấy sức mạnh của lòng dân: Đó là trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, chúng tôi huy động đóng góp xây dựng Nhà bia ghi danh các Anh hùng Liệt sĩ. Trong tổng số tiền 300 triệu đồng đầu tư xây dựng thì có 40 triệu đồng của Phòng Thương binh Xã hội, còn lại là do người dân đóng góp. Chúng tôi giải thích để người dân hiểu đây là việc làm đền ơn đáp nghĩa, thờ phụng, ghi công các anh hùng liệt sỹ và giáo duc con cháu truyền thống anh hùng dân tộc, khi đã hiểu thì nhân dân sẵn sàng ủng hộ.

Cán bộ, công chức Thị trấn Nông trường Liên Sơn nhiệt tình tham gia hoạt động "Ngày thứ bảy cùng dân".

Hay như ở Tổ dân phố 4, nơi có 100% hộ gia đình là người dân tộc Thái sinh sống. Triển khai làm đường giao thông nông thôn tại tổ dân phố 4 với chiều dài 2.740m. Tổng kinh phí là 2.066.922.469 đồng. Nhà nước hỗ trợ 650.252.000 đồng, nhân dân đóng góp 1.416.670.000 đồng, mỗi hộ phải đóng 600.000 đồng, số tiền khá lớn với nhiều hộ gia đình. Theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm (40/60), nhà nước hỗ trợ xi măng, còn người dân đóng góp tiền mua đá sỏi cát và công sức để làm. Nhưng với ước mơ cháy bỏng có con đường bê tông để con em đến trường mỗi ngày, để người dân chở ngô, lúa, chè đỡ vất vả người dân vẫn quyết tâm đồng sức đồng lòng làm xong con đường đẹp vào dịp ngày Đại đoàn kết 18/11/2021. Đúng là không có gì mạnh bằng lòng dân! Với con đường này, chúng tôi phát động chương trình "ngày thứ bảy cùng dân", toàn bộ cán bộ thị trấn cùng xắn tay cùng dân làm việc vào ngày cuối tuần để tạo được không khí gần gũi, gắn bó với nhân dân, chúng tôi cũng vận động anh em công đoàn viên cơ quan ủng hộ số tiền 5,5 triệu đồng- phần nào động viên nhân dân tích cực làm đường.

Vào đầu năm 2022, ở Tổ dân phố 7 có 3 hộ dân sống trên đồi, đường đi lại trơn trượt, 3 hộ dân đăng ký làm 450m đường bê tông. Chúng tôi đã trao đổi với Hội đồng giáo xứ, vận động bà con giáo dân ủng hộ được 5 triệu đồng góp phần làm đường cho các hộ dân trên đồi đi lại thuận tiện hơn. Ngày thứ bảy, cán bộ thị trấn cũng vào làm đường cùng người dân để đẩy nhanh tiến độ…

- Ở bất kỳ đâu, công tác cán bộ là yếu tố quan trọng đẩy nhanh sự phát triển trên địa bàn, xin bà cho biết vấn đề này ở Thị trấn Nông trường Liên Sơn, đặc biệt là công tác cán bộ nữ được quan tâm thế nào?

Đảng bộ rất chú trọng công tác cán bộ và cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, HĐND đều đạt, có 4 nữ/13 đồng chí trong BCH Đảng bộ đạt 30,7% . Ban thường vụ 3 người thì có 2 nữ, cán bộ công chức của thị trấn cũng có 9 nữ/19 biên chế. Sở dĩ tôi nói là đầu nhiệm kỳ vì mới đây, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND Thị trấn Nông trường Liên Sơn vừa nhận nhiệm vụ mới làm trưởng phòng Nội vụ huyện Văn Chấn. HĐND thị trấn có 6 nữ/22 vị đạt 27,27%. Có 03 chị làm bí thư chi bộ/10 chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn.

- Xin cảm ơn bà về cuộc chia sẻ rất ý nghĩa này!

Một số kết quả nổi bật của Thị trấn Nông trường Liên Sơn năm 2022:

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm (bằng 100% kế hoạch)

- 7/7 tổ dân phố đạt tổ dân phố văn hóa, hộ gia đình văn hóa đạt 90,3%

- Rà soát hộ nghèo trên địa bàn Thị trấn năm 2022 có 89 hộ nghèo = 6,12%, giảm 1,71%; hộ cận nghèo có 88 = 6,0%.

- Có 2 nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1


An Huy
01/12/2022 14:00