Người Chăm vun đắp tình đoàn kết qua các trò chơi dân gian

11/12/2022 10:30
Trò chơi đội chum đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: TL

Trò chơi đội chum đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: TL

Những trò chơi dân gian của người Chăm ở Ninh Thuận không chỉ nhằm mục đích giải trí mà còn giúp họ hiểu nhau hơn, thắt chặt, vun đắp tình cảm đoàn kết trong cộng đồng.

Người Chăm ở Ninh Thuận lưu giữ rất nhiều lễ hội và nét văn hóa đặc sắc, trong đó nhiều trò chơi dân gian truyền thống vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Những trò chơi dân gian của người Chăm không chỉ nhằm mục đích giải trí mà còn giúp họ hiểu nhau hơn, thắt chặt thêm tình cảm đoàn kết trong cộng đồng. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, đến nay, người Chăm ở Ninh Thuận vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa vô cùng độc đáo, trong đó phải kể đến các trò chơi dân gian lễ hội (Kaya Mâ-In).

Người Chăm vun đắp tình đoàn kết qua các trò chơi dân gian - Ảnh 1.

Những điệu múa truyền thống được trình diễn tại Lễ hội Katê. Ảnh: TL

Được biết, người Chăm có hơn 100 trò chơi dân gian với nhiều thể loại khác nhau. Riêng trong cuốn sách "Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận", tác giả Châu Văn Huynh đã đề cập đến 90 trò chơi đặc sắc nhất của người Chăm. Trong đó, có những trò chơi mà trẻ em cả nước cùng chơi như trò chơi nhảy dây, ô quan, trốn tìm, thả diều hay tổ chức đánh trận giả...

Theo ông Châu Văn Huynh, trò chơi dân gian của người Chăm được chia thành 3 loại chính theo chức năng và nguồn gốc như: Trò chơi có tính chất thi thố tài năng; trò chơi có kết hợp với hát đồng dao; trò chơi có nguồn gốc từ các nghi lễ văn hoá.

Người Chăm vun đắp tình đoàn kết qua các trò chơi dân gian - Ảnh 2.

Phụ nữ Chăm thi múa đội chum. Ảnh minh hoạ

Những trò chơi của trẻ em người Chăm đều có tính vận động, thể hiện sự khéo léo, gợi mở óc tư duy phù hợp với sự phát triển về mặt thể chất và năng lực nhận thức của trẻ. Khi gia nhập vào trò chơi, trẻ em tự đặt ra luật chơi, có thưởng và phạt cho người thắng, người thua để khích lệ, động viên sự cố gắng, mang tính giải trí cao. Dù là người thắng hay thua cuộc điều đó không quan trọng, mục đích cuối cùng là mang lại tiếng cười và niềm vui. Chính môi trường vui chơi lành mạnh của trẻ em đã góp phần đáng kể vào việc giáo dục trẻ em lòng trung thực, dân chủ, đoàn kết, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Người Chăm vun đắp tình đoàn kết qua các trò chơi dân gian - Ảnh 3.

Trò chơi diều hâu bắt gà con. Ảnh: TL

Trò chơi dân gian của người Chăm không cầu kỳ, có thể chơi ở mọi lúc mọi nơi. Nếu như trò chơi diều hâu bắt gà con, cướp cờ, thả bò rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn, tinh thần đoàn kết thì kéo co giúp rèn luyện thể lực hay trò "giấu vật" luyện sự mẫn cảm của bộ não, học hỏi tinh thần thượng võ; trò chơi ô ăn quan, chơi chuyền trau dồi về kỹ năng tính toán, sự khéo léo của đôi tay… Ngoài ra, có rất nhiều trò chơi gắn liền với dấu tích văn hóa như: trò bỏ vật chắp tay lạy, trò cướp tù binh… Thậm chí, có trò chơi còn gắn với những nghi thức ma thuật cổ xưa như trò say roi hay trò đạp lửa.

Mỗi một trò chơi và hình thức chơi đều gắn liền, phản ánh đời sống của người Chăm. Các trò chơi phổ thông thường được diễn ra ở mọi không gian. Còn đối với các trò chơi mang tính tín ngưỡng tâm linh thì chỉ được chơi trong không gian văn hóa lễ nghi của lễ hội, thậm chí còn bị cấm kỵ nếu chơi theo cách phổ thông.

Một trong những trò chơi mang tính tâm linh của người Chăm phải kể đến là trò thả diều. Theo quan niệm của đồng bào Chăm, cánh diều sẽ là sợi dây liên lạc hai thế giới âm - dương. Trò này gắn với câu chuyện tổ tiên của dòng họ, dòng tộc: Thả diều, do gió mạnh, diều bị đứt dây kéo theo tổ tiên của dòng họ đó đi. Để tưởng nhớ tổ tiên thì dòng họ đó cứ đến ngày hội, ngày lễ, phải có con diều, một phần để tưởng nhớ đến tổ tiên, một phần cầu chúc cho sự an lành sẽ đến với cả dòng tộc.

Người Chăm vun đắp tình đoàn kết qua các trò chơi dân gian - Ảnh 4.

Theo quan niệm của đồng bào Chăm, cánh diều là sợi dây liên lạc hai thế giới âm - dương. Ảnh minh hoạ

Một trò chơi khác là đấu vật chỉ được người Chăm thực hiện mỗi khi có lễ hội chung của cả cộng đồng. Lễ xong là đến phần hội vật, các thanh niên khoe tài, khoe sức khỏe trước những cô gái. Những trò chơi này hoàn toàn thực hiện trong phần nghi lễ, không được chơi khi chưa được chủ lễ cho phép, thậm chí không được chơi ở bất kỳ đâu ngoài không gian lễ hội. Bên cạnh đó, ngoài trò chơi mang tính lễ nghi thì có những trò chơi lại theo tập quán hoặc bắt chước theo ngành nghề của từng địa phương (như nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp…)

Có thể nói, trò chơi dân gian đã góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng và tạo nên bản sắc riêng của người Chăm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn