Người Hồi giáo Đông Nam Á đưa niềm tin tôn giáo vào các quyết định mua sắm

02/10/2022 13:32
Ảnh minh họa: Lim Huey Teng/Reuters

Ảnh minh họa: Lim Huey Teng/Reuters

Người Hồi giáo ở Đông Nam Á đang có cuộc sống rất khác so với cha mẹ họ, phần lớn do sự trỗi dậy của đức tin và sự lan rộng của chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây.

Theo Báo cáo "New Muslim Consumer: How Rising Observance is Reshaping the Consumer Landscape in South-east Asia and Beyond" (tạm dịch Người tiêu dùng Hồi giáo mới: Mức độ tuân thủ gia tăng đang định hình lại bối cảnh tiêu dùng ở Đông Nam Á và xa hơn như thế nào) được công bố gần đây của Wunderman Thomson Intelligence và VMLY&R Malaysia, 79% người Hồi giáo ở Đông Nam Á tin rằng mình sùng đạo hơn thế hệ trước. Báo cáo cho thấy sự phát triển của niềm tin tôn giáo và chủ nghĩa tiêu dùng kiểu phương Tây đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Hồi giáo trong khu vực.

Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát với hơn 1.000 người tiêu dùng ở Indonesia và Malaysia, được thực hiện vào tháng 5 năm 2022 bởi SONAR, công cụ nghiên cứu trực tuyến độc quyền của Wunderman Thompson.

Cứ 3 người Hồi giáo ở Đông Nam Á thì có 1 người coi mình sùng đạo hơn thế hệ cha mẹ của họ ở cùng độ tuổi. Họ cũng đang đưa ra các quyết định liên quan đến mua sắm, thời trang, ngân hàng, giáo dục và du lịch trên cơ sở luật Hồi giáo.

Người Hồi giáo Đông Nam Á đang định hình lại chủ nghĩa tiêu dùng ở khu vực - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Hồi giáo ngày càng theo đuổi phong cách sống halal.

Niềm tin tôn giáo ngày càng nâng cao và sự lan rộng của chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây khiến chủ nghĩa tiêu dùng chịu ảnh hưởng của Hồi giáo phát triển vượt ra ngoài phạm vi thực phẩm. Báo cáo về tiêu dùng của người Hồi giáo Đông Nam Á cho thấy ý tưởng về halal (mang nghĩa "cho phép" trong tiếng Ả Rập) không còn được dùng chủ yếu cho thực phẩm mà đã bao gồm mọi thứ, từ thời trang và fintech theo luật Hồi giáo đến các ứng dụng hẹn hò Hồi giáo và du lịch halal.

Trên thực tế, halal được coi là yếu tố quan trọng nhất cho mua sắm và chi tiêu khi người tiêu dùng Hồi giáo ngày càng theo đuổi phong cách sống halal. 91% cho rằng nó rất quan trọng, đứng trên giá trị tiền bạc (68%), chất lượng (61%) hoặc tốt cho môi trường (48%).

Ở lĩnh vực ngân hàng, 61% người được hỏi cho biết việc có một sản phẩm đầu tư hoặc ngân hàng Hồi giáo là rất quan trọng. Về du lịch, du khách Hồi giáo muốn khám phá các điểm đến mới và dễ dàng tiếp cận thực phẩm halal, với 77% người cho biết chú ý đến các yếu tố thực phẩm halal so với 73% quan tâm đến giá cả.

Báo cáo cũng cho thấy người Hồi giáo đang sử dụng công nghệ để duy trì lối sống halal, bao gồm cả việc sử dụng các ứng dụng dành cho thiết bị di động. Các ứng dụng thanh toán như GoPay, Ovo và ShopeePay phổ biến nhất ở Indonesia trong khi ShopeePay, Touch'n Go và MAE (Maybank) dẫn đầu ở Malaysia. Khi được hỏi về Web3 và metaverse, đa số người Hồi giáo quan tâm đến ý tưởng về không gian Hồi giáo trong metaverse, nhưng nhiều người cũng lo ngại rằng metaverse có thể không tương thích với Hồi giáo. 85% cho biết muốn có không gian dành cho người Hồi giáo trên metaverse.

Người Hồi giáo Đông Nam Á đang định hình lại chủ nghĩa tiêu dùng ở khu vực - Ảnh 2.

Người Hồi giáo Đông Nam Á đang định hình lại chủ nghĩa tiêu dùng ở khu vực.

Phần lớn nam giới vẫn là người đưa ra quyết định khi mua sắm số lượng lớn, trong khi phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho mua sắm hàng ngày và trong kỳ nghỉ. Phụ nữ chỉ là trụ cột gia đình trong 42% hộ gia đình Hồi giáo.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nam giới có xu hướng ưu tiên hôn nhân, con cái và sự nghiệp cao hơn đáng kể so với nữ giới. Phụ nữ có xu hướng tập trung vào những trải nghiệm mới và trải nghiệm khác với cha mẹ họ, cũng như đi du lịch.

Khi nói đến tính đại diện trong quảng cáo, 36% cho rằng quảng cáo phản ánh rất tốt người Hồi giáo; 51% cho rằng tốt ở mức tương đối. 14% không nghĩ người Hồi giáo được phản ánh rất tốt hoặc tốt trong quảng cáo.

Theo báo cáo, 21% người Hồi giáo trong khu vực nói rằng họ ít sùng đạo hơn thế hệ cha mẹ trong khi 45% coi mình là người sùng đạo. Báo cáo cho thấy mối quan hệ bền chặt với Allah (Thượng Đế trong tiếng Ả Rập) là điều quan trọng nhất trong cuộc sống với 91% người Hồi giáo Đông Nam Á, ngang bằng với sức khỏe và tình cảm gia đình. 34% người tham gia khảo sát coi giàu có là rất quan trọng, 28% đánh giá cao việc theo đuổi đam mê và 12% coi danh tiếng là ưu tiên.

Chen May Yee, Giám đốc Wunderman Thompson Intelligence khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Người tiêu dùng Hồi giáo ngày càng đưa niềm tin tôn giáo vào các quyết định mua sắm và cách làm như vậy không ngừng gia tăng".

Safa Arshadullah, tác giả kiêm nhà nghiên cứu tại Wunderman Thompson Intelligence APAC, cho biết: "Đông Nam Á không chỉ là một thị trường Hồi giáo, đó là nơi thử nghiệm các xu hướng toàn cầu mới nhất. Những gì diễn ra ở đây truyền cảm hứng cho người Hồi giáo trên toàn thế giới kết hợp đức tin và các trách nhiệm theo những cách sáng tạo".

Nguồn: Al Jazeera

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn