Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao

23/03/2023 08:01
Tháng Ramadan bắt đầu từ lần nhìn thấy trăng lưỡi liềm đầu tiên trong tháng cho đến lần nhìn thấy tiếp theo

Tháng Ramadan bắt đầu từ lần nhìn thấy trăng lưỡi liềm đầu tiên trong tháng cho đến lần nhìn thấy tiếp theo

Indonesia, quốc gia có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, đón mừng tháng Ramadan trong bối cảnh nhiều người chật vật với giá lương thực tăng cao do nguồn cung bị gián đoạn.

Giới chức trách ở một số quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo, bao gồm cả Ả Rập Xê Út và Indonesia, đã tuyên bố thứ Năm (23/03) là ngày đầu tiên của tháng Ramadan, tháng linh thiêng nhất trong năm của đạo Hồi. Người Hồi giáo tin rằng Đức Allah bắt đầu tiết lộ kinh Koran, cuốn sách thiêng liêng nhất của đạo Hồi, cho nhà tiên tri Muhammad hơn 1.400 năm trước đúng vào thời gian lễ Ramadan.

Sau Ki-tô giáo, Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính dân số Hồi giáo toàn cầu trên thế giới là 1,6 tỷ người vào năm 2010. Khoảng hai phần ba số người Hồi giáo sống ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và riêng Indonesia có hơn 209 triệu người dân theo đạo Hồi.

Tháng Ramadan thay đổi hàng năm vì Hồi giáo sử dụng lịch dựa trên chu kỳ của mặt trăng được gọi là Hijri. Điều này có nghĩa là tháng Ramadan kéo dài thêm 10 hoặc 11 ngày mỗi năm trong chu kỳ 33 năm.

Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo sẽ có thời gian nhịn ăn. Tháng Ramadan năm nay sẽ kết thúc vào Thứ Sáu (21/04) hoặc Thứ Bảy (22/04) vì tháng âm lịch có thể có 29 hoặc 30 ngày. Eid al-Fitr là lễ hội đánh dấu kết thúc tháng Ramadan.

Indonesia, quốc gia có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, đón mừng tháng Ramadan năm nay trong bối cảnh nhiều người chật vật với giá lương thực tăng cao do nguồn cung bị gián đoạn. Trong tháng Ramadan, mọi nơi ở Indonesia đều có cách riêng để đánh dấu thời điểm bắt đầu tháng linh thiêng nhất này: từ những cuộc diễu hành đường phố đầy màu sắc đến việc dọn dẹp mộ phần của người thân và chia sẻ bữa ăn với gia đình và bạn bè.

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 2.

Các quan chức sử dụng kính viễn vọng để xác định thời điểm bắt đầu tháng Ramadan linh thiêng ở Jakarta, Indonesia, ngày 22/03/2023. Ảnh: AP/Achmad Ibrahim

Tín đồ Hồi giáo ở Indonesia đón mừng tháng Ramadan

Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Yaqut Cholil Qoumas đã thông báo rằng tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào thứ Năm sau khi các nhóm quan sát thiên văn học Hồi giáo từ một số khu vực xác nhận nhìn thấy trăng lưỡi liềm. Hầu hết người Indonesia, với số lượng tín độ Hồi giáo chiếm gần 90% trong tổng số 277 triệu dân của đất nước, dự kiến sẽ tuân theo ngày chính thức của chính phủ.

Ngay sau thông báo, nhiều tín đồ đã đến nhà thờ Hồi giáo tham gia buổi lễ cầu nguyện đặc biệt được gọi là Tarawih, thường được tổ chức trước ngày bắt đầu tháng lễ Ramadan một ngày. Tại nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở trung tâm Jakarta, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, hàng chục nghìn tín đồ chen chúc nhau đến cầu nguyện.

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 3.

Một người bán thịt tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia, ngày 22/03/2023. Hàng triệu người theo đạo Hồi ở Indonesia đang chuẩn bị chào đón tháng lễ Ramadan. Ảnh: AP/Ahmad Ibrahim

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 4.

Học sinh Indonesia diễu hành trước tháng Ramadan ở Jakarta, Indonesia, ngày 21/03/2023. Ảnh: AP/Achmad Ibrahim

Trong tháng lễ Ramadan, người Hồi giáo không ăn, uống, hút thuốc và quan hệ tình dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Ngay cả ngụm nước nhỏ hay một hơi khói cũng làm mất tác dụng của việc nhịn ăn. Vào ban đêm, gia đình và bạn bè quây quần và cùng ăn uống trong không khí lễ hội.

Việc nhịn ăn nhằm đưa các tín đồ đến gần hơn với đấng Thiên chúa và nhắc nhở họ về những nỗi khổ của người nghèo. Trong thời gian này, người Hồi giáo cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt việc cầu nguyện hàng ngày và tăng cường suy ngẫm về giáo lý. Ngoài ra, những hoạt động như nói chuyện phiếm, đánh nhau hoặc chửi rủa trong tháng linh thiêng này cũng được khuyến cáo là không nên thực hiện.

Nhịn ăn là một trong năm nguyên tắc cốt yếu của đạo Hồi, bên cạnh việc tuyên xưng đức tin, cầu nguyện hàng ngày, bố thí và hành hương đến Mecca - nơi có ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi là Kaaba, nếu có đủ khả năng về mặt thể chất và tài chính.

Tháng Ramadan qua ảnh hưởng của các tôn giáo khác ở Indonesia

Mặc dù Indonesia có nhiều người theo đạo Hồi nhất trên thế giới, nhưng truyền thống lễ Ramadan của nước này cũng bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo khác. Nyadran, một nghi lễ của người Java, chịu ảnh hưởng nặng bởi Ấn Độ giáo và Phật giáo có liên quan đến việc viếng mộ tổ tiên.

Mỗi năm, hàng nghìn dân làng sống trên sườn núi Merapi ở Trung Java đến viếng nghĩa trang để chào đón tháng Ramadan. Mọi người dọn dẹp và trang trí các ngôi mộ, cầu nguyện, dâng lễ và mang theo thức ăn để ăn cùng nhau sau khi cầu nguyện. Ở các khu vực khác trên đảo Java, bao gồm cả thủ đô Jakarta, người Hồi giáo cũng đánh dấu tháng linh thiêng này bằng cách dọn dẹp mộ của người thân, rải hoa lên mộ và cầu nguyện cho người đã khuất.

Sau lễ cầu nguyện buổi tối, trẻ em trai và trẻ em gái trên khắp Jakarta diễu hành qua đường phố của các khu dân cư đông đúc. Các em mang theo đuốc và chơi các bài hát Hồi giáo theo nhịp điệu của rebana, một loại nhạc cụ gõ cầm tay của người Ả Rập.

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 5.

Thanh niên Hồi giáo cầm đuốc trong cuộc diễu hành trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan ở Medan, Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 18/03/2023. Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo không ăn, không uống, không hút thuốc và không quan hệ tình dục từ sáng đến tối. Ảnh: AP/Binsar Bakkara

Người dân tỉnh Aceh bảo thủ của Indonesia bắt đầu tháng Ramadan bằng lễ hội Meugang, với việc giết mổ các động vật như bò hoặc trâu, cũng như gia cầm gà và vịt. Thịt sau đó được chế biến và chia sẻ với gia đình, bạn bè, người nghèo và trẻ mồ côi trong một bữa tiệc chung.

Trong khi đó, hàng trăm cư dân ở Tangerang, một thành phố ngoài Jakarta, đổ về sông Cisadane tắm và gội đầu bằng dầu gội rơm, một hoạt động chào đón tháng Ramadan để tẩy sạch linh hồn một cách tượng trưng.

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 6.

Người dân tắm trên sông Cisadane, trước tháng Ramadan ở Tangerang, Indonesia, ngày 21/03/2023. Người Hồi giáo địa phương có truyền thống tắm sông để tẩy sạch linh hồn một cách tượng trưng trước khi bước vào tháng linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo. Ảnh: AP/Tatan Syuflana

Người Hồi giáo ở Indonesia đón tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao - Ảnh 7.

Người dân tắm trên sông Cisadane, trước tháng Ramadan ở Tangerang, Indonesia, ngày 21/03/2023. Người Hồi giáo địa phương có truyền thống tắm sông để tẩy sạch linh hồn một cách tượng trưng trước khi bước vào tháng linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo. Ảnh: AP/Tatan Syuflana

Tháng Ramadan trong bối cảnh giá cả tăng cao

Bộ Thương mại Indonesia cho biết giá các loại lương thực nhập khẩu chủ yếu bao gồm lúa mì, đường, thịt bò và đậu tương đã tăng mạnh trong năm nay do giá hàng hóa toàn cầu tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau chiến tranh Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến thực phẩm nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến các mặt hàng trong nước như gạo, trứng, ớt, dầu cọ và hành. Giá gas và điện cũng đã tăng lên. Nhiều người dân đổ lỗi cho chính phủ về điều này.

Một số người Hồi giáo lo lắng việc đối mặt với khó khăn tài chính trong tháng Ramadan năm nay. Như Yulia Ningsih, một bà mẹ hai con sống ở Jakarta, cho biết mọi thứ liên quan đến nấu nướng đều đang tăng lên. "Giá cả đang tăng lên mỗi tuần. Tại sao chính phủ không thể hỗ trợ giải quyết điều này? Tôi lo lắng chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tháng lễ Ramadan", người phụ nữ nói.

Một nghiên cứu mới ở Indonesia phát hiện ra rằng 70% người tiêu dùng gen Z ở quốc gia này đang có kế hoạch chi tiêu ít hơn trong việc mua sắm cho bản thân vào tháng Ramadan năm nay so với năm ngoái. Hơn 1/3 số người được khảo sát cho biết sẽ không đi du lịch trong tháng và 43% cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho quà tặng.

Nguồn: AP News

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn