Người phụ nữ Cơ Tu và hành trình tìm lại hương vị lá cây rừng

01/08/2021 18:00
Chị Trần Thị Cái

Chị Trần Thị Cái

Chị Trần Thị Cái sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thượng Long (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sau khi tốt nghiệp THPT, chị học đại học chuyên ngành công tác xã hội rồi tìm cách khởi nghiệp.

Tìm hiểu những sản phẩm truyền thống bị mai một tại Nam Đông, chị Cái nhận ra, nhiều người mắc bệnh vì uống rượu với liều lượng không hợp lý, hoặc do dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Vì thế, chị bàn với chồng nghiên cứu khôi phục nghề nấu rượu truyền thống của người Cơ Tu ở địa phương. Rượu Piêng của người Cơ Tu không nồng, nóng, mà hương vị thoang thoảng mùi lá cây rừng.

Cuối năm 2017, hai vợ chồng chị bắt đầu nghiên cứu, tìm phương pháp sản xuất rượu Piêng. Vợ chồng chị nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh để lấy ý kiến từ những người đi trước, tìm các loại thảo dược gắn bó lâu đời với đồng bào Cơ Tu để khôi phục rượu Piêng. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, gia đình chị mạnh dạn thành lập hợp tác xã sản xuất rượu Piêng mang tên "Ta Rương Mão".

Theo chị Cái, khi mang sản phẩm đi quảng bá, nhiều người không tin tưởng, họ cho rằng loại rượu truyền thống này đã "thất truyền", không ai làm được nữa. Ngoài đầu ra, chị còn gặp đối mặt với thách thức nâng cao năng suất, nguồn vốn của gia đình cũng hạn hẹp, chỉ có 10 triệu đồng.

Kiên trì suốt 3 năm, hợp tác xã Ta Rương Mão ra đời. Men rượu Piêng được ủ thủ công bằng lá cây, thảo dược như thạch xương bồ, thiên niên kiện, vang đăng, hà thủ ô... 12 loại thảo dược trong ché ít nhất nửa năm mới cho ra rượu. Bên cạnh sản xuất rượu, gia đình chị còn trồng, khai thác, chế biến thảo dược, chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình trên địa bàn để bà con giữ vững vùng nguyên liệu.

Tìm lại hương vị lá cây rừng - Ảnh 1.

Bên cạnh sản xuất rượu, gia đình chị Trần Thị Cái còn trồng, khai thác, chế biến thảo dược

Có sản phẩm tốt, được công nhận chất lượng OCOP 3 "sao", chị Trần Thị Cái mở rộng thị trường, mang thương hiệu Ta Rương Mão đi xa hơn. Tận dụng nền tảng công nghệ số, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên website, mạng xã hội... lan tỏa thức uống truyền thống của dân tộc Cơ Tu đến nhiều tỉnh, thành. Men rượu dưỡng sinh Ta Rương Mão đã trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện miền núi Nam Đông, được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Hai năm qua, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của hợp tác xã, khiến sản phẩm tồn đọng, kế hoạch quảng bá thương hiệu bị đình trệ do các hội chợ không được tổ chức, thu không đủ bù chi... Trước những khó khăn đó, Hội LHPN huyện Nam Đông, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã động viên, hướng dẫn chị tham dự cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" cấp tỉnh, hỗ trợ kinh phí để chị đăng ký thương hiệu, dán nhãn sản phẩm, thực hiện các quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ...

Là một người con của đồng bào Cơ Tu, chị Trần Thị Cái đã cùng chồng thành công trong việc giữ gìn hương vị rượu Piêng để thức uống truyền thống của người Cơ Tu được lan tỏa. Hợp tác xã Ta Rương Mão không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn lưu giữ một nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu sản phẩm có thể liên hệ chị Trần Thị Cái, chủ thương hiệu Rượu Ta Rương Mão. Địa chỉ: Xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điện thoại: 0355407120; Email: tthicai.pn@gmail.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.