Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế

15/03/2023 18:14
Chị Hồ Thị Huệ, người dân tộc Xơ Đăng tại Quảng Nam

Chị Hồ Thị Huệ, người dân tộc Xơ Đăng tại Quảng Nam

Là người dân tộc Xơ Đăng, chị Hồ Thị Huệ (sinh năm 1985) thấu hiểu sự thiếu thốn, nghèo khó của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chị đã vận động bà con phát triển kinh tế, trồng rừng, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chị Hồ Thị Huệ có một tuổi thơ thiếu thốn. Nghĩ đến việc cần phải thoát khỏi sự nghèo khó, chị cố gắng học hành để "kiếm chữ". Một buổi đi học, một buổi lên nương giúp mẹ làm rẫy, cõng sắn, cõng củi, nuôi heo. Đêm đến, bản không có điện phải đốt lửa thắp sáng để học bài. 

Tuổi thơ của chị là những sáng sớm dậy từ 5 giờ giã gạo, nấu cơm. Bữa ăn không đủ no, đến muối, gạo còn thiếu, quần áo cũng không đủ mặc.

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 1.

Vượt qua khó khăn, chị Hồ Thị Huệ đã vươn lên làm kinh tế và giúp bà con trên địa bàn kiên trì trồng rừng, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo

Lên cấp 2, mỗi ngày đi học là cô bé Huệ phải cõng gạo đến trường để nấu cơm, đi bộ tới 5-6 tiếng đồng hồ trên đường mòn núi cao. Trường nội trú không có sẵn nhà ở nên học sinh phải phụ cùng thầy cô giáo tự làm nhà, thế nên Huệ phải mang theo dao dựa để chặt cây lồ ô, chặt nứa đan tấm lợp... những công việc tưởng chừng chỉ có người lớn mới có thể làm.

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 2.

Chị Huệ đôn đốc người dân tham gia các hội làng

Cứ như thế, cô bé Huệ như con sâu, cái kiến miệt mài ngày đêm để học được cái chữ. Hết lớp 7, do đi học quá xa, Huệ nghỉ học nội trú để chuyển sang học bán trú tại huyện Nam Trà My.

Mỗi lần đến trường phải đi qua sông, qua đò, mỗi chuyến mất 5.000 đồng,  lấy tiền ở đâu ra? Vậy là một lần nữa, để được đến trường, Huệ lại tìm việc làm thuê ở các quán để được ở lại. Cứ làm ở quán này một thời gian lại chuyển sang quán khác để có tiền đi học.

Năm 18 tuổi, Huệ quyết định tự lập làm kinh tế. Lúc đó, chị bắt đầu trồng cây ăn quả, dần dần hình thành cách làm kinh tế nhỏ, có những khoản thu nhập đầu tiên từ việc kinh doanh. Quyết tâm không để cái khổ, cái nghèo làm khó, chị kiên trì làm kinh tế, trồng rừng, chăn nuôi, từng bước đi lên thoát nghèo.

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 3.

Chị Huệ tuyên truyền vận động người dân tham gia hội cồng chiêng

Nhìn vào tấm gương của chị Huệ, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tin tưởng học hỏi. Được dân làng bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ thôn 4, xã Trà Cang, chị tích cực tuyên truyền, hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn khởi nghiệp, giảm nghèo. Rồi bà con thấy chị làm tốt, lại bầu chị làm Bí thư chi đoàn thôn. Chị tâm huyết đi tuyên truyền vận động các thôn giúp trẻ em được đi học, biết chữ.

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 4.

Những sản phẩm rau xanh của bà con xã Trà Cang tham gia hội chợ tại địa phương

Tiếp đến, chị được bà con tin tưởng bầu làm Phó thôn, Ban Chấp hành Chi hội Nông dân thôn. "Vác tù và hàng tổng" chị chăm chỉ giúp đỡ bà con, nhất là phụ nữ trong cuộc sống cũng như làm kinh tế.

Chia sẻ về bản thân, chị khiêm tốn nói: "Tôi chỉ là một người nông dân đang cố gắng vươn lên, vượt qua chính mình. Tôi muốn giúp bà con bớt khổ, giúp phụ nữ nghèo thoát khỏi khó khăn, nuôi dạy con em nên người, có ích cho xã hội".

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 5.

Ớt hiểm là đặc sản xã Trà Cang đã được bà con trồng lại nhiều hơn và mở rộng để bán buôn cho các tỉnh lân cận

Không chỉ giúp bà con và phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế, thoát nghèo, chị còn vận động bà con bỏ đi những thủ tục lạc hậu, tiếp nhận cái mới, cái hiện đại và bảo tồn những phong tục quý giá của người Xơ Đăng.

Luôn dang tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chị Huệ còn nhận nuôi con cho một phụ nữ, để chị này đi kiếm tiền trả nợ. Chị cũng giúp một số chị em về chi phí để trang trải cuộc sống, sửa sang nhà cửa.

Thiết thực hơn, chị Huệ đã vận động chị em trồng vườn đồi, trồng ớt, trồng sim, làm kinh tế lấy ngắn nuôi dài. Vận động trồng rừng để rừng tươi tốt, giảm phá rừng, lấy đất trồng cây dược liệu có ích. Cùng với đó là hướng dẫn, khuyến khích chị em chăn nuôi theo mô hình chuồng trại khoa học cho năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường.

Người phụ nữ Xơ Đăng giúp bà con thoát nghèo từ trồng cây, làm kinh tế, lấy ngắn nuôi dài - Ảnh 6.

Chị Huệ (bên phải) được nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tin tưởng học hỏi cách làm kinh tế

Chia sẻ những khó khăn của dân bản, chị Huệ cho biết, hiện nay địa bàn chưa có điện thắp sáng, chưa có khu dân cư, bà con sống phân tán rải rác, cho nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chị mong muốn chính quyền địa phương sớm quan tâm để cuộc sống của người dân được cải thiện, thoát khỏi cái nghèo, đảm bảo an sinh, xã hội.




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.