Nhà thờ Malaysia tham gia cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa

17/09/2022 15:30
Đức Tổng Giám mục John Wong (thứ 2 từ trái sang) nhấn nút chính thức khởi động Chiến dịch PROTEC

Đức Tổng Giám mục John Wong (thứ 2 từ trái sang) nhấn nút chính thức khởi động Chiến dịch PROTEC

Nhà thờ Công giáo ở Malaysia đã khởi động chiến dịch bảo vệ môi trường kéo dài một năm để hướng đến giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa.

Cuối tháng 8, Giám mục Joseph Hii Teck Kwong của Giáo phận Sibu, bang Sarawak (Malaysia) đã phát động chiến dịch PROTEC "Protect Our Earth, Protect Our Children Campaign" (Tạm dịch: Bảo vệ trái đất của chúng ta, Bảo vệ trẻ em của chúng ta). Chiến dịch diễn ra trong vòng một năm từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023, cổng thông tin Công giáo Sabah đưa tin.

Chủ đề của chiến dịch năm nay là "Ngăn chặn ô nhiễm nhựa".

Trong sự kiện khai mạc tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Kota Kinabalu, bang Sabah (Malaysia), Giám mục Hii, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Công lý Sáng tạo, đã kêu gọi người Công giáo tránh xa sự ích kỷ, gắn kết hơn với môi trường và lắng nghe tiếng nói của môi trường.

Tại sự kiện này, Đức Tổng Giám mục John Wong, nói: "Tôi tin rằng tất cả chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay không phải là ngẫu nhiên. Chúng ta đã được Chúa chọn để tham gia vào một sứ mệnh cao cả và tôi tin rằng trái tim của các bạn đang cháy bỏng với tình yêu dành cho Chúa, tình yêu với người cạnh bên và tình yêu đối với tất cả tạo vật từ Chúa".

"Nơi bạn đang đứng là Đất Thánh và đó là Đất Mẹ của chúng ta, một sự sáng tạo thiêng liêng của Đức Chúa Trời và là nơi chúng ta tạm thời sinh sống và cần được chăm sóc. Trái đất này đang phải chịu đựng hàng ngày, trong bối cảnh các trường hợp khẩn cấp về khí hậu và cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang diễn ra. Trái đất này cầu xin chúng ta chấm dứt sự lạm dụng có thể dẫn đến sự hủy diệt nó".

Nhà thờ Malaysia tham gia cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa - Ảnh 1.

Sự kiện khai mạc tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Kota Kinabalu, bang Sabah (Malaysia).

Cùng với chiến dịch PROTEC, sự kiện Mùa Sáng tạo 2022 cũng được khởi động để đánh dấu Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Sự Sáng tạo (ngày 1/9). Sự kiện kéo dài từ ngày 1/9 đến ngày 4/10 năm nay với chủ đề "Lắng nghe tiếng nói của sự sáng tạo".

PROTEC là một chiến dịch kéo dài 5 năm lấy cảm hứng từ thông điệp "Laudato Si" về môi trường của Giáo hoàng Francis và được các giám mục Công giáo Malaysia hưởng ứng. Chiến dịch kéo dài trong 5 năm từ 2020 đến 2025 với các chủ đề thay đổi qua từng năm. Chủ đề trong năm 2020 và 2021 lần lượt là "Sử dụng ít điện hơn" và "Giảm chất thải từ thịt, sữa và thực phẩm".

PROTEC hướng tới mục tiêu "bảo vệ nhân loại khỏi sự tự hủy diệt" đồng thời đảm bảo công lý trong nội bộ và giữa các thế hệ cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Tổng giáo phận Kota Kinabalu và các giáo phận Keningau và Sandakan đang cùng phối hợp thực hiện chiến dịch trên khắp đất nước. Nhiều chức sắc và nhà hoạt động đã tham dự sự kiện khai mạc.

Deepika Singh, điều phối viên về Biến đổi Khí hậu của Liên đoàn Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Clare Westwood, Giám đốc Khu vực ECCJ kiêm đồng chủ tịch của Laudato Si Action Platform-Asia (LSAP-Asia) và các đại diện từ 9 giáo phận của Malaysia cũng có mặt.

Tại sự kiện, Trung tâm Năng lượng tái tạo & Công nghệ Phù hợp (CREATE), một tổ chức phi chính phủ đã đưa ra ví dụ về nhựa tái sinh, như biến nhựa bền thành các vật liệu mới có giá trị kinh tế, môi trường hoặc nghệ thuật.

Giảm tiêu thụ nhựa và chất thải là một thách thức lớn đối với chính phủ Malaysia. Một báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới công bố năm 2020 cho thấy Malaysia có mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người hàng năm cao nhất với mức ghi nhận là 16,78 kg so với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines và Thái Lan. Báo cáo chỉ ra nhựa là loại rác thải cao thứ hai trong cả nước với tỷ lệ tái chế chỉ 20%.

Vào năm 2021, Bộ Môi trường và Nước (KASA) đã đưa ra Lộ trình Phát triển Bền vững Nhựa Malaysia, giai đoạn 2021-2030 quản lý toàn diện việc sản xuất, tiêu thụ, tái chế và quản lý chất thải nhựa. Lộ trình này thể hiện sáng kiến của Bộ trong việc chuyển nền kinh tế nhựa sang nền kinh tế tuần hoàn và đưa ra những cách thức mới để giảm thiểu rủi ro đang phát sinh nhằm giúp thay đồi ngành công nghiệp nhựa.

Nguồn: UCA News, Herald Malaysia Online

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn